Lời đồn truyền miệng
Cây gạo có niên đại chừng 200 năm tuổi được cho là cổ thụ nhất làng Đoán Quyết I, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Trong một lần ghé thăm ngôi làng, chúng tôi đã được nghe người dân kể lại rất nhiều câu chuyện kỳ bí. Nào là cây gạo có nhiều "ma" bởi khúc sông nơi có cây gạo ngự trị chính là nơi có nhiều người chết đuối. Đặc biệt chuyện cô giáo trẻ bị "báo oán" làm phát điên, phát dại mấy chục năm qua cũng được cho là do mạo phạm đến cây gạo.
Con đường dẫn vào làng Đoán Quyết I là một bờ đê bao quanh lấy con sông Chu hiền hòa thơ mộng. Ở đó nhiều cây cối mọc um tùm, lòa xòa khắp ven đê. Cây gạo cũng nằm trong quần thể cây cối đó. Dù hiện cây gạo đã chết, chỉ còn lại trơ gốc nhưng những câu chuyện truyền miệng lâu nay khiến người dân thêm “nể sợ” độ linh thiêng và một mực cung kính cây gạo tới mức không ai dám xâm phạm.
Là vị cao niên trong làng, cụ Trần Văn Thông (80 tuổi) là người rất am hiểu những chuyện xung quanh cây gạo cổ thụ. Theo cụ Thông, cây gạo khoảng hơn 200 năm tuổi, thuộc loại cây gạo bông với múi thân cây như múi bông nhưng có hoa màu đỏ chót. Trước đây, cả làng từng có ba cây gạo cố thủ ở ba hướng.
Cây gạo ở ven đê luôn được xem là cây cổ thụ nhất và là cây có vị trí cửa ngõ vào làng. Ngoài ý nghĩa quan trọng đó, cây gạo còn có tác dụng giúp người dân trong việc chữa trị nhiều bệnh. Vỏ cây có thể chữa được các bệnh như thần kinh, bong gân, trật khớp... Bởi vậy, lúc cây còn xanh tốt, hàng ngày có rất nhiều người dân tới đây dùng dao gọt và đẽo thân cây lấy vỏ về chữa bệnh. Hiện nay, ở gốc cây vẫn còn vết tích.
Cụ Thông cũng cho biết thêm về nhiều câu chuyện xung quanh cây gạo được người dân truyền tai nhau mấy chục năm qua. “Khúc sông nơi có cây gạo ngự trị chính là nơi có nhiều người chết đuối nhất, người dân cho rằng oan hồn của họ không biết bấu víu, nương tựa vào đâu nên đã tập trung trú ngụ ở cây gạo. Vì thế từ khi cây gạo chết, vào đêm khuya chẳng ai dám đi một mình qua đoạn đường này”.
Ông Trần Đức Hùng (64 tuổi), nhà gần cây gạo cho biết: “Ngày trước, cây gạo là nơi để mọi người dừng chân nghỉ mát mỗi khi trời nắng nóng vì cây gạo to cao tỏa bóng mát. Còn tối đến cây gạo là nỗi khiếp sợ của nhiều người vì khúc sông gần đó có nhiều người chết đuối, trôi dạt vào bờ đê, sát chỗ gốc cây gạo nên sau này khi cây bị chết, người dân càng e dè, sợ hãi. Nhiều người tin cây gạo bị chết đứng như vậy thì sẽ có rủi ro cho cả làng”.
Chuyện cô gái bị báo oán?
Nhiều vị cao niên khác trong làng kể lại, trong làng có cô gái tên là Cao Thị Nh. (SN 1968), vốn là một cô giáo mầm non và cũng là một cô gái có nhan sắc được liệt vào hàng những người xinh đẹp nhất làng.
Nhưng năm ấy, vào một ngày nắng trưa hè oi bức, giống như bao người dân khác, cô Nhanh ra sông Chu, đoạn gần cây gạo để tắm như thường lệ. Lúc đó, cô gái đang đến “ngày” của con gái. Tắm xong, cô gái chạy về la hét khắp làng như người điên dại. Nhiều người cho rằng có thể cô Nh. đã mạo phạm tới cây gạo nên bị ma quỷ “báo oán”?
Cô Nh. sau lần tắm ở sông về đột nhiên phát bệnh điên dại, hay chỉ là sự ngẫu nhiên.
Để tìm hiểu rõ thực hư câu chuyện cô Cao Thị Nh. bị cây gạo linh thiêng cổ thụ của làng “báo oán”, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với người thân của cô gái ấy. Trong ngôi nhà cấp bốn đã cũ và có phần hơi xập xệ, cô Nh. nằm co quắp trên chiếc giường tre ọp ẹp. Cụ Nguyễn Thị U. (87 tuổi, mẹ cô Nh.) “đánh động” mãi, cô mới chậm chạp ngồi dậy, ngẩn ngơ nhìn mọi thứ xung quanh.
Nhìn cô con gái điên dại của mình, người mẹ già không cầm được lòng. Cụ U. tâm sự trong nước mắt, gia cảnh cụ rất khó khăn, cụ ông không may mất sớm, để lại cho cụ U. ba người con, hai trai một gái. Người con trai đầu vì bệnh ung thư mất cách đây chưa lâu. Cô Nh. là con thứ hai và cũng là cô con gái duy nhất.
Theo cụ U., cô Nh. vốn là một người con gái đảm đang, tháo vát lại nổi tiếng xinh đẹp. Là cô giáo mầm non nhưng thời gian rảnh rỗi cô rất chăm chỉ phụ giúp mẹ công việc nhà. Bởi vậy, hồi đó cô được rất nhiều chàng trai quý mến, theo đuổi.
Nước mắt ngắn dài, cụ U. kể lại quãng thời gian đầu khi cô Nh. bỗng nhiên phát bệnh: “Hơn hai mươi năm qua gia đình tôi cũng không rõ vì sao con gái bỗng dưng bị điên dại. Tôi nhớ hôm đó cả nhà đi làm đồng về, Nh. nấu cơm xong tranh thủ ra sông Chu tắm như mọi hôm. Nhưng từ lúc đi tắm về, nó cứ ngẩn người, cười nói một mình. Cho tới tối thì la hét om tỏi, rồi vớ được cái gì là đập phá. Không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra với nó, mọi người trong làng bảo do con gái tôi đã phạm tội với cây gạo nên bị các thần linh báo oán”.
Cũng từ câu chuyện phát bệnh của con gái cụ U., nhiều người tin rằng cây gạo này quả nhiên rất thiêng, đó là cây hộ mệnh “trấn yểm” ở làng và cũng là nơi trú ngụ của nhiều oan hồn. Theo người dân kể lại, 6 tháng trước một người xã bên vì tiếc gốc cây đã mục, đem về đốt củi sẽ rất đượm nên muốn tới đốn gốc.
Hôm sau người đàn ông đó mang rìu đến đốn hạ, lúc gần đến gốc cây gạo thì bị một chiếc xe máy đi tới đâm phải, may là chỉ bị xây xát bên ngoài. Và sau lần đó, người này không dám đả động gì tới chuyện đốn cây. Từ ấy trở đi, cũng không ai dám tơ hào tới chuyện “động chạm” đến cây gạo. Từ những lời đồn truyền miệng, người dân thêm thắt, tô vẽ thêm khiến cây gạo trên đê dù đã trơ gốc nhưng vẫn không ai dám đốn hạ.
Sự trùng hợp ngẫu nhiên
Ông Trần Đức Quế, Bí thư chi bộ thôn Đoán Quyết cho biết: “Cây gạo là cây cổ thụ lâu đời của làng. Trước đây, cây rất sum suê, tươi tốt, rợp bóng một đoạn đê, bà con qua đây thường ngồi nghỉ mát. Vỏ của cây có tác dụng chữa bệnh là có thật. Chính vì bị người dân đẽo vỏ quá nhiều mà cây bị khô héo và dần chết đi. Còn chuyện cô Nh. đi tắm ở sông về bị bệnh chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Câu chuyện cây gạo có ma chỉ là lời đồn đại, thêu dệt của người dân trong vùng, vì thực tế thì chưa có bằng chứng nào để chứng minh điều đó”.