Sự kiện thiên văn đáng chú ý 2015

Nguyệt thực toàn phần, còn gọi là trăng máu, diễn ra ngày 4/4/2015 là sự kiện thiên văn đáng chú ý nhất năm 2015 có thể quan sát ở Việt Nam.

Năm 2015 cũng diễn ra cuộc hội ngộ của nhiều hành tinh trong hệ mặt trời.

Một sự kết hợp của 10 hình ảnh cho thấy mặt trăng trong các giai đoạn khác nhau của nhật thực toàn phần xuất hiện ở đảo Canary của Tây Ban Nha.

Nguyệt thực toàn phần diễn ra khi Mặt Trăng đi hoàn toàn vào vùng bóng tối của Trái Đất. Lần nguyệt thực này, Việt Nam có thể quan sát trọn vẹn pha toàn phần xảy ra từ 19h (giờ Việt Nam).

Mặt trăng máu xuất hiện tuyệt đẹp vào tối 15/4/2014.

Ngày 6/1/2015, Mộc tinh ở vị trí đối trực với Mặt Trời, ngày 23/5, Thổ tinh ở vị trí đối trực với Mặt Trời. Đây là thời điểm hai hành tinh về gần trái đất nhất, cũng là  cơ hội để quan sát bề mặt hai hành tinh này rõ nhất từ trái đất. Ngày 22/2, Hỏa tinh và Kim tinh hội ngộ thành hai vì sao sáng nằm gần nhau trên bầu trời phía tây lúc mặt trời lặn. Ngày 28/10, Kim tinh, Mộc tinh, Hỏa tinh hội ngộ với nhau vào lúc rạng sáng trước khi Mặt Trời mọc.

Mưa sao băng tại hạt Kent ở phía đông nam nước Anh.

Năm 2015, hai trận mưa sao băng lớn nhất năm có khả năng quan sát tốt do không trùng vào ngày trăng tròn. Mưa sao băng Perseid, đạt cực điểm vào đêm 12, rạng sáng 13/8 với mật độ cực đại khoảng 60 vệt một giờ. Mưa sao băng Geminids đạt cực điểm vào đêm 13 rạng sáng 14/12 với mật độ cực đại có thể tới 100 vệt một giờ. Ngay cuối tuần này, đêm thứ bảy rạng sáng chủ nhật (3-4/1/2015), người yêu thiên văn Việt Nam có thể chiêm ngưỡng trận mưa sao băng đầu tiên trong năm, mưa sao băng Quadrantid - trận mưa sao băng trung bình với mật độ khoảng 40 vệt một giờ.

Những thành viên của Hội thiên văn trẻ Việt Nam tổ chức quan sát bầu trời. 

Năm 2015 có nhiều sự kiện thiên văn đáng chú ý khác như nhật thực toàn phần ngày 20/3; nhật thực một phần ngày 13/9, nguyệt thực toàn phần ngày 28/9. Rất tiếc, Việt Nam không quan sát được những hiện tượng này.