Nước thấm: 7-8 lít/giây
Tham dự họp báo chiều 28/3 có Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Ủy viên HĐNTNN Lê Quang Hùng, đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), đại diện UBND tỉnh Quảng Nam, và chủ đầu tư - Tập đoàn Điện lực VN (EVN) - cùng đơn vị tư vấn thiết kế - Cty CP tư vấn xây dựng điện 1.
Ông Nguyễn Đức Hải - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam (bìa phải) dẫn đầu đoàn công tác của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Nam thị sát đập thuỷ điện Sông Tranh 2. (Ảnh: Trương Tâm Thư)
Kết luận về nguyên nhân sự cố thấm đập hạ lưu Sông Tranh 2, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định: Sự cố thấm nước ra mặt đập là hoàn toàn không được phép theo thiết kế dự án, lưu lượng nước thấm khoảng 30 lít/giây được xác định là lớn so với mức cho phép. Biện pháp khoan phụt chống thấm cục bộ trong hành lang thu nước chưa phù hợp đã dẫn đến tắc dòng chảy và làm tăng lượng thấm về hạ lưu. Sau khi EVN chỉ đạo Ban QLDA thủy điện 3 xử lý thông tắc các lỗ khoan thoát nước thân đập, thu gom nước đưa về hố xả theo đúng thiết kế thì tổng lượng thấm qua đập đã giảm hẳn, cho thấy biện pháp xử lý đã có kết quả tích cực. Đến hết ngày 27/3, theo số liệu báo cáo, lượng nước thấm qua các khe nhiệt về phía hạ du đã giảm từ 30 lít/giây xuống còn khoảng 7 - 8 lít/giây.
Ông Vượng cũng cho biết, theo kết quả giám sát tại hiện trường, chưa phát hiện thấy những khe nứt bêtông ở ngoài và trong thân đập. Nước chủ yếu được thoát ra qua các khe nhiệt và đang được xử lý để giảm thiểu lượng thấm, nên tại thời điểm hiện tại, đập thủy điện vẫn được xác định an toàn, sẽ không xảy ra sự cố ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân vùng hạ du.
Trả lời câu hỏi của báo chí về nghi vấn của các nhà khoa học liên quan đến chất lượng bêtông đầm lăn, hiện vẫn chưa ban hành tiêu chuẩn đối với loại bêtông này, đặt vấn đề vì sao HĐNTNN không lấy mẫu bêtông để kiểm tra chất lượng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) - TS Lê Quang Hùng - khẳng định, tiêu chuẩn áp dụng đối với bêtông đầm lăn tại đập thủy điện Sông Tranh do chủ đầu tư chịu trách nhiệm thi công theo quy định và đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn Mỹ. Công nghệ bêtông đầm lăn cũng được áp dụng ở hầu hết các công trình thủy điện hiện nay do tiến độ thi công nhanh. Trong quá trình thi công, bêtông đã được lấy mẫu, kiểm tra thường xuyên đảm bảo chất lượng mới nghiệm thu chấp nhận đưa vào công trình. “Nếu có hiện tượng rò rỉ đập thì không nhất thiết phải lấy mẫu bêtông ngay mà phải xem xét bản chất của hiện tượng để tìm ra giải pháp” - ông nói.
Ban QLDA đã không báo cáo EVN ngay
Vấn đề được dư luận quan tâm là khi sự việc xảy ra có được Ban QLDA báo cáo EVN để tìm giải pháp xử lý hay có việc ém nhẹm, chủ đầu tư, Ban QLDA và các bên nghiệm thu sẽ phải chịu trách nhiệm đến đâu khi để xảy ra một sự cố nghiêm trọng đối với công trình lớn như đập Sông Tranh 2? Trả lời chất vấn của báo chí, đại diện EVN - ông Trần Văn Được - Phó TGĐ - thừa nhận: Sự cố xảy ra hồi tháng 2/2012 thì Ban QLDA (Ban A) đã không báo cáo EVN. “Trước tết, đoàn công tác EVN vào họp giao ban thì chưa xảy ra hiện tượng nước thấm qua hạ lưu. Tuy nhiên, đến khoảng tháng 3, sau khi lượng nước thấm đo được khoảng 30 lít/giây, thì Ban A có báo cáo và lãnh đạo EVN vào ngay để chỉ đạo xử lý. Lúc này nước đã thấm ra hạ lưu. Chúng tôi đã họp 3h liền với cả 4 bên: Ban QLDA, tổng thầu, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế thống nhất phương án xử lý, đồng thời báo cáo Bộ Công Thương, HĐNTNN. Trong trường hợp việc xử lý thấm chưa đạt hiệu quả, chúng tôi cũng có kế hoạch giao cơ quan tư vấn độc lập để xử lý triệt để” - ông Được nói.
Tuy nhiên, xác định trách nhiệm của các bên trong sự cố này, cả ông Hoàng Quốc Vượng và ông Lê Quang Hùng đều khẳng định trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư. Theo ông Vượng, bất luận vì lý do gì, chủ đầu tư phải là người chịu trách nhiệm đến cùng đối với công trình. Trước mắt khi có hiện tượng bất thường xảy ra thì phải tập trung khắc phục sự cố, sau đó sẽ quy trách nhiệm các bên liên quan. Ông yêu cầu Phó TGĐ EVN phải có kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xảy ra sự cố công trình.
Theo EVN, lưu lượng nước thấm qua thân đập đã giảm xuống mức 7-8 lít/giây. (Ảnh: T.T.Thư)
Chưa đồng thuận, dân chưa thông
Tại cuộc họp báo, được hỏi lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã cảm thấy yên tâm với những giải thích của các bên liên quan, ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch tỉnh - cho rằng, chính quyền và người dân địa phương vẫn rất lo lắng. Sự cố rò rỉ nước, rồi trước đó có động đất thì hai sự việc có liên quan đến nhau hay không? Vấn đề hiện nay là vẫn chưa có sự đồng thuận giữa các cơ quan chức năng và các nhà khoa học để khẳng định là sự cố nằm trong tầm kiểm soát. Ông Thu nói: Tỉnh rất muốn giải thích cho dân hiểu để yên tâm về an toàn đập, nhưng thực tế hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà khoa học vẫn có tiếng nói khác. Vì thế, lo ngại của người dân là có cơ sở. Ông yêu cầu Chính phủ, Bộ Công Thương cần có một văn bản nhà nước đánh giá thực trạng chất lượng đập để chính quyền tuyên truyền để dân yên tâm.
Liên quan đến băn khoăn của dư luận về việc cần trưng cầu giám định độc lập, ông Lê Quang Hùng cho biết lý do vì sao chưa buộc phải trưng cầu giám định, là vì theo quy định, chủ đầu tư phải có ràng buộc pháp luật với công trình, khi xảy ra sự cố, thì trách nhiệm của chủ đầu tư phải có giải pháp sửa chữa, khắc phục. Nếu chủ đầu tư không xử lý xong như yêu cầu thiết kế, HĐNTNN sẽ không nghiệm thu công trình.
Sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 - Quảng Nam: Nước rò rỉ tuôn chảy ào ạt trong hầm giữa thân đập. Ngày 28.3, đoàn công tác Huyện ủy, UBND huyện Bắc Trà My đã kiểm tra, khảo sát bên trong các đường hầm ở giữa thân đập thủy điện Sông Tranh 2. Đoàn công tác đã chứng kiến cảnh nước thấm, rò rỉ từ trong lòng đập tuôn ra từ cả trên trần lẫn hai bên hông đường hầm. Có một số lỗ rò trên trần hầm làm nước xả thẳng xuống hầm với lưu lượng lớn, một số lỗ rò khác ở thân hầm làm nước từ lòng đập phun ra thành vòi. Các công nhân thủy điện đang tìm cách gia cố các vết rò rỉ, dùng ống nhựa lớn chia nước trong hầm chảy ra hạ lưu thân đập. Theo lãnh đạo UBND huyện Bắc Trà My, việc kiểm tra này nhằm tận mắt chứng kiến mức độ rò rỉ nước giữa thân đập, giải tỏa thắc mắc mối lo ngại của cán bộ và người dân địa phương. |