Báo cáo của bộ này tại hội nghị giao ban sản xuất quý 1 được tổ chức hôm qua, 28/3, ghi nhận: “Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tốt, bảo đảm cân đối các nhu cầu chi một cách chủ động”.
Một “điểm sáng” khác là tình hình cung ứng điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 3 tháng qua, sản lượng điện sản xuất đạt 26.595 triệu kWh, tăng 10,31% so với cùng kỳ. Trong vài tháng tới, nhiều tổ máy của EVN sẽ tiếp tục phát điện. Nhiều khả năng sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện như những mùa hè trước.
Tuy vậy, tình trạng số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng mạnh là rất đáng lo ngại. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM Lâm Nguyên Khôi cho biết, trong quý 1 năm nay, TP. HCM có tới 931 doanh nghiệp đã khóa mã số thuế để giải thể. Số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư là 526 đơn vị, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp gửi thông báo ngừng hoạt động đến Cục Thuế TP. HCM còn lớn hơn gấp nhiều lần: 5.012 doanh nghiệp, bao gồm cả các đơn vị chờ làm thủ tục giải thể, phá sản; đơn vị đã “mất tích”; đơn vị tạm ngừng hoạt động có thời hạn…
Ảnh minh họa
Đây cũng không phải là tình trạng chỉ xảy ra ở TP. HCM. Trước đó, theo Báo cáo gửi Chính phủ ngày 25/3 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 21/3 số doanh nghiệp thành lập mới giảm 8% về lượng và 12% về vốn đăng ký so với cùng kỳ, tương ứng đạt trên 15.300 doanh nghiệp và 74.600 tỷ đồng. Trên 2.200 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và trên 9.700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế. Như vậy, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng tới 57%.
Lý giải thực trạng này, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, do tiêu thụ chậm, tồn kho tăng cao, lãi suất vẫn ở mức mà doanh nghiệp khó có lãi nên sản xuất tăng thấp. Thông tin từ Bộ Công thương cũng khẳng định, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm điện tử, điện lạnh sụt giảm. Tiêu thụ xi măng, sắt thép giảm sâu. Khu vực nông nghiệp cũng có những khó khăn nhất định, với một số mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, cao su, sắn… đều có xu hướng giảm giá.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Hà, tình hình kinh tế tháng 3 đã có chuyển biến nhờ tác động của chính sách tiền tệ, đặc biệt là việc hạ lãi suất. Các cân đối vĩ mô (như lạm phát, thâm hụt thương mại, bội chi ngân sách…) đều có xu hướng lành mạnh hơn.