Ám ảnh khi mùa mưa lũ đến
Chiếc ô tô mang theo sự sống của 5 con người bị cuốn trôi theo dòng nước lũ oan nghiệt khi đi qua tràn Khe Ang (xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn) mới đây nhất chỉ là “giọt nước tràn ly”. Sau thảm nạn này, nhiều người dân đã phải gọi đó là “tràn tử thần”.
Tháng 9/2011, nước lũ dâng cao, một chiếc xe khách loại 7 chỗ trên đường đi Quỳ Hợp đã bị chết máy giữa tràn Khe Ang. 11 người trên xe (gồm 7 trẻ nhỏ) không dám thoát ra ngoài, hoảng loạn kêu cứu.
“Lúc đó khoảng 4h30’ sáng, bà con đã không ngại nguy hiểm dùng dây kéo được chiếc xe lên bờ, giải cứu được cả 11 người. Tài xế xe là ông Doanh người Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp” – ông Nguyễn Đình Thái, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hồng xuýt xoa khi điểm lại những vụ lũ cuốn xảy ra trên tràn Khe Ang.
Ông Thái cho biết, đó chỉ là vụ việc ‘điển hình’, ‘dễ nhớ’ đối với bà con nơi đây mà thôi. Bởi vì hàng năm, có rất nhiều người dân và phương tiện bị nước lũ Khe Ang cuốn trôi. Trong nhiều năm qua, khe tràn tử thần này đã cướp đi nhiều mạng người vô tội.
Đó cũng là trường hợp may mắn hiếm hoi khi hàng chục mạng người được giải cứu trong gang tấc. Ngày 19/9 mới đây, chiếc xe Innova chở 7 người gặp nạn trên tràn Khe Ang nhưng không được may mắn như thế. Chiếc xe cùng 5 nạn nhân gồm 3 phụ nữ, 2 trẻ em bị cuốn trôi.
Thảm cảnh vừa xảy ra tại Khe Ang. Đã có nhiều độc giả lên tiếng đề nghị cần phải xây cầu cho người dân. Tính mạng của hàng vạn dân không thể đánh đu như thế khi mùa mưa lũ đến.
Mất 3 ngày sau, lực lượng cứu hộ mới tìm thấy các nạn nhân khi dòng nước rút cạn. Không một ai sống sót! Khăn tang phủ trắng các xóm thôn nơi vùng cao Nghĩa Đàn! Nỗi đau đớn xen lẫn khiếp sợ đã ám ảnh mọi người dân nơi đây.
Xã Nghĩa Hồng có 3 xóm nằm phía bên kia tràn Khe Ang với hàng trăm nhân khẩu. Cứ mùa mưa lũ, xã lại rơi vào tình trạng chia cắt. Vất vả nhất là các em học sinh, ngày ngày lội qua con khe hung dữ này để tới lớp học trong nơm nớp lo sợ.
Đánh đu sinh mạng
Ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết, tràn Khe Ang nằm trên tỉnh lộ 531, con đường huyết mạch của toàn huyện Nghĩa Đàn. Ít nhất 5 xã là Nghĩa Hồng, Nghĩa Mai, Nghĩa Yên, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hưng (gồm 2 xã diện 135 là Nghĩa Mai và Nghĩa Yên) phải đi qua con đường này.
“Đây là con đường huyết mạch, tuyến đường xương sống của Nghĩa Đàn. Một khi bị ngập, cả 5 xã với hơn 30.000 dân đều bị cô lập, khó khăn vô cùng.
Hàng nghìn người dân xung quanh Khe Ang dõi theo cảnh tìm kiếm trục vớt chiếc xe và các nạn nhân.
Nhiều lúc, bà con bị chia cách đến vài tuần lễ. Đến mùa mưa lũ, đời sống dân cư khu vực này dường như bị đảo lộn” – ông Lê Hồng Sơn cho biết.
Nhu cầu bức bách của người dân địa phương hiện nay là có một cây cầu qua tràn Khe Ang, chính quyền sở tại cũng đã nhiều lần đề xuất nhưng chưa thể giải quyết.
Hàng vạn người dân vẫn đang phải đánh đu sinh mạng của mình với nước lũ. Nguy hiểm vẫn rình rập, thường trực đe dọa nhân dân miền núi Nghĩa Đàn vốn nghèo đói, khó khăn. Hàng nghìn em học sinh không được đảm bảo an toàn khi đến trường vào mùa mưa lũ.
Trao đổi với PV chiều 25/9, ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết, Sở đã có phương án dự trù trình UBND tỉnh về việc xây cầu qua Khe Ang, tuy nhiên hiện địa phương đang gặp khó khăn về nguồn vốn.
“Tỉnh lộ 531 là con đường huyết mạch qua Nghĩa Đàn; ở đây không chỉ có tràn Khe Ang mà còn có tràn Đội 1 và tràn Đội 5 cũng rất nguy hiểm về mùa mưa lũ. Nếu đã xây cầu thì cùng lúc phải thực hiện ở 3 điểm này.
Theo dự toán, để xây cầu ở 3 điểm này cần đến số vốn 100 tỷ đồng, thậm chí nhiều hơn nữa. Trong khi đó ngân sách Nghệ An năm ngoái thu khoảng 7.000 tỷ mà đã phải chi ra hơn 14.000 tỷ; năm nay hiện mới thu được xấp xỉ 4.000 tỷ. Tình hình hiện tại rất khó khăn” – ông Kỳ cho biết