SHB Đà Nẵng: Từ chuyện "mắm tôm" tới những "cái chết" được báo trước

Thứ Sáu ngày 13 (tháng 4/2012), cả làng bóng Việt được một phen xôn xao khi nghe thông tin toàn đội SHB Đà Nẵng bị ngộ độc thực phẩm vì món mắm tôm khi dùng bữa trong quá trình di chuyển ra Vinh.

Vì chuyện này, BTC V.League phải hoãn trận SLNA tiếp SHB.ĐN ở vòng 14. Lại thêm một sự cố để thấy rằng, các cầu thủ mang danh chuyên nghiệp chẳng chuyên nghiệp một chút nào từ khâu nhỏ nhặt nhất là ăn uống, giữ gìn sức khỏe thi đấu cho đến chuyện sinh hoạt trong và ngoài sân cỏ. Ăn nhậu vô độ, chơi bời thâu đêm, dính vào các tệ nạn... chính là đặc điểm lớn của không ít các cầu thủ ở V - League hiện tại.

Ăn chơi không sợ mưa rơi

“Ăn thịt cá nhiều quá, thấy rau sống, cà pháo mắm tôm... mà chảy nước miếng. Cũng nghĩ nhà hàng ăn mấy lần quen rồi, lại thấy khá vệ sinh nên mấy anh em gọi mấy món ra ăn cho lạ mồm, lạ miệng, ai ngờ dính chưởng của Tào Tháo”. Một cầu thủ SHB.ĐN thuật lại nguyên nhân bị “ngộ độc” trước trận đấu SLNA.

Chuyện ăn uống dĩ nhiên là một trong những thứ không thể thiếu trong đời sống, nên có thể thông cảm với việc 11 cầu thủ SHB.ĐN “món lạ”. Nhưng rõ ràng, đứng trước tính chất quan trọng của một trận đấu, các cầu thủ, ban lãnh đạo đội bóng cần phải ý thức được việc “ăn chín uống sôi” thay vì “xài đồ lạ vô tội vạ” để rồi lãnh hậu họa khó lường. Đó là chưa nói đến chuyện làm tổn hại rất nhiều tiền của, cũng như công sức, thời gian của BTC vì một trận đấu bị hủy bỏ.

Chuyện ăn uống vô lối chỉ là “phần nổi của tảng băng” trong lối sống hoang dã của rất nhiều cầu thủ Việt Nam. Mặt khác, chuyện ngộ độc thực phẩm thật ra chỉ là chuyện nhỏ trong một môi trường mất an toàn vệ sinh thực phẩm như Việt Nam nhưng việc một đội bóng chuyên nghiệp lại để toàn đội bị ngộ độc thì thật kém chuyên nghiệp. Ở các nền bóng đá chuyên nghiệp khác, mỗi CLB đều có đội ngũ bác sỹ, chuyên gia dinh dưỡng chịu trách nhiệm lên thực đơn cho mỗi cầu thủ và toàn đội một cách chi ly và nghiêm túc.

Nói cách khác, không phải cầu thủ thích ăn gì là ăn, thích uống gì là uống mà phải tuân thủ theo “đơn thuốc” của chuyên gia dinh dưỡng. Bởi thể lực và sức khỏe của cầu thủ cũng chính là tài sản của đội bóng vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới phong độ thi đấu của cá nhân và thành tích chung của toàn đội. Như trường hợp Ronaldinho ở Barca trước đây, khi vòng bụng của ngôi sao này tăng lên một ly thì lập tức Ronaldinho bị phạt tiền ngay vì tội “vô kỷ luật” và sau đó bị loại khỏi đội.

Nhưng đấy là chuyện ở tây, còn ở ta thì vẫn vô tư lắm, bản năng lắm, và thể hiện rõ nhất trong việc quản lý cầu thủ. Dường như, các CLB vẫn coi chuyện quản quân chỉ giới hạn trên sân bóng chứ không phải ở từng khía cạnh nhỏ nhặt khác như ăn uống, chơi bời, sinh hoạt cá nhân...

Thế mới có chuyện, cầu thủ Việt trèo tường đi chơi đêm, nhậu nhẹt say xỉn rồi đánh lộn hay một loạt cầu thủ bị bắt vì hành vi sử dụng ma túy trong một trận ăn chơi bốc trời mặc dù họ đang đi thi đấu, thậm chí có cầu thủ chết vì sốc ma túy trong khi CLB chủ quản vẫn chẳng hay biết gì. Suy cho cùng, từ bát mắm tôm gây ngộ độc đến liều ma túy giết người có khác nhau về mức độ nghiêm trọng nhưng lại giống nhau về bản chất thiếu chuyên nghiệp của cầu thủ và CLB.

Đáng sợ hơn, lối sống trụy lạc được giới quần đùi áo số, vốn thu nhập cao ngất ngưởng, đang trở thành mốt thời thượng, với những quan điểm điên rồ như: làm thằng cầu thủ phải có tý bóng banh, số đề; hay không biết đi bar chơi thuốc lắc, “đập đá”, thì  chẳng khác nào nhà quê lên tỉnh... Trong khi đó, lãnh đạo của các CLB vẫn coi đó là “chuyện của cá nhân cầu thủ”.

Những bi kịch do cách sống bản năng

Một vài cầu thủ ở 1 CLB nọ kể lại rằng, trong một buổi sáng ra sân tập, trong khi cả đội leo lên xe bus chờ sẵn, thì T ra sau cùng, lỉnh kỉnh tay xách nách mang đồ thi đấu, với 2 con mắt sưng húp và đỏ mọng. Chẳng hề phân bua, T cười nhạt: “Mẹ kiếp, hôm qua toi mất con Mẹc (Mercedes)”. Thấy thế, có người mới tò mò là bao nhiêu, T trả lời tỉnh bơ: “Gần 1 tỷ chứ mấy”. Nghe thế, ai cũng rùng mình, chẳng dám hỏi thêm.

Chiến tích của T chưa dừng lại, vì thua quá nhiều cá độ, để có tiền trả nợ cầu thủ này đã phải cầu cứu lãnh đạo xin tái kí hợp đồng sớm. Nhưng giống như con thiêu thân, T càng lấn sau vòng vũng lầy, không những phong độ đi xuống thảm hại, người ta còn nghi ngờ chính T đã “làm độ” mấy trận, ngay cả khán giả cũng ngửi thấy mùi. Chịu không nổi con ngựa chứng này, lãnh đạo đội bóng buộc phải cho T đi đến CLB mới. Nhưng thói xấu đã ăn vào máu, T vẫn lao vào những cuộc chơi đen đỏ, để rồi tự đào hố chôn vùi sự nghiệp của mình.

Tương tự là trường hợp của cầu thủ H, từng là thành viên của ĐT U23 Việt Nam. Không biết từ lúc nào, H trở thành tín đồ của cờ bạc, số đề và nhanh chóng tiêu tan sự nghiệp vì trò đỏ đen. Hơn thế nữa, anh còn mất luôn cả vợ con, nhà cửa ở quê nhà miền Tây. Sau một vài lần bán mình để trả nợ, bây giờ người ta không còn biết mặt mũi của H như thế nào?.

Đáng sợ nhất là ma túy. Chiều tối ngày 26/2/2010, làng bóng đá Việt Nam đã  bị rụng động với cái chết của tiền đạo Molina Gaston Eduardo trong một khách sạn ở khu Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP.HCM). Sau khi khám nghiệm, cơ quan điều tra đã kết luận, cầu thủ của Becamex Bình Dương đã tử vong vì sốc ma túy.

Nhân nói đến ma túy, trong khứ cũng không ít cầu thủ tiêu tan sự nghiệp vì “khói trắng” như tiền vệ tài hoa một thời Phan Thanh Tuấn, hay cựu tiền vệ U20 Hồng Việt (cùng của SLNA). Bảng danh sách còn nối dài với Nguyễn Văn Y, Lưu Văn Hiền (cũng SLNA), Nguyễn Xuân Thành (HN.ACB), hay mới nhất là cầu thủ Nguyễn Chính Âu (17 tuổi) thuộc biên chế của đội U.19  CLB bóng đá SHB Đà Nẵng...

 

Điều đáng lạ nhất, khi bi kịch xảy ra thì chỉ có cầu thủ phải “chịu trận” còn phía những nhà quản lý CLB lại hoàn toàn dửng dưng hoặc ở mức độ “bày tỏ sự quan ngại sâu sắc”.  Thế nên, muốn có một nền bóng đá thực sự chuyên nghiệp, mỗi cầu thủ và mỗi CLB phải thực sự chuyên nghiệp hóa chính mình trong công tác quản lý cầu thủ về lối sống và ý thức lao động.

Dĩ nhiên, nếu phải liệt kê thì phải kể đến những cầu thủ có lối sống ồn ào bên ngoài sân cỏ như, vụ Chí Công (B.BD) bị truy sát ở vũ trường, hay Hùng Dũng bị đâm vì nghi ngờ có dính dáng đến trận thua “đáng ngờ” của Thanh Niên Sài Gòn trước Lâm Đồng trong trận CK giải hạng Nhì tại Nha Trang năm 2011...