Sẽ bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học?

Sớm bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học để làm tốt công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT sẽ vẫn tuyển được thí sinh giỏi.

Xung quanh những ý kiến tranh luận về việc nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, tòa soạn xin nêu một ý kiến đóng góp của một nhà nghiên cứu xung quanh vấn đề này.

Nên bỏ kỳ thi đại học

Từ xa xưa, cha ông chúng ta đã biết phát hiện, nhìn nhận, phê phán sâu sắc cám cảnh “lôi thôi sỹ tử vai đeo lọ” và “lều chõng” đi thi thời phong kiến.

Ấy vậy mà cho đến tận bây giờ (đã sang thế kỷ 21), ngành Giáo dục vẫn tiếp tục phục hồi, duy trì, quy định các thí sinh “hành quân” lên đường đi thi vào đại học chính quy, tái diễn cám cảnh nêu trên.

Chỉ có điều trên vai các thí sinh ngày nay không đeo lọ mà đeo ba-lô đi thành phố ở trọ suốt mấy ngày liền.

Thật quá phiền toái, vất vả, lãng phí, tốn kém biết bao nhiêu, từ chỗ ăn, chỗ ở (chỗ ngủ, chỗ tắm)… cho hàng vạn thí sinh người tỉnh xa và kể cả một số bậc phụ huynh cùng đi đưa con em đi thi vào đại học.

Trong khi đó, điều quan trọng nhất đối với việc đào tạo đại học là lúc tốt nghiệp ra trường, chứ không phải đầu vào trường. Chính vì vậy mà đầu vào đại học ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới hiện nay được rộng mở.

Nhưng đầu ra trường (lúc làm thiết kế đồ án, luận văn, hoặc khoá luận tốt nghiệp đại học) thì hết sức chặt chẽ, chất lượng.

Sinh viên học hành hời hợt, lười biếng, lơ mơ thì đừng hòng đỗ tốt nghiệp đại học. Có thể nói, mô hình đào tạo đại học của những nước tiên tiến đều theo hình nón cụt, mà đáy hình nón cụt tượng trưng cho đầu vào trường đại học (đỉnh hình nón cụt tượng trưng cho đầu ra trường).

Tuyển sinh đại học thế nào?

Liên hệ ở nước ta, thực ra cũng đã có thời kỳ cố Bộ trưởng Bộ Đại học Tạ Quang Bửu (những năm 60, thế kỷ 20) rất tiến bộ và triệt để cách mạng: Học sinh sau khi thi đỗ tốt nghiệp trường trung học phổ thông (THPT) là được gọi thẳng vào trường đại học chính quy (không phải đi thi vào đại học như hiện nay).

Tuy nhiên nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, những ngày đầu vào trường đại học thời kỳ ấy, học sinh được lên lớp nghe giảng tóm lược lại kiến thức những môn cơ bản đã học hồi phổ thông.

Rồi phải làm bài kiểm tra, đạt yêu cầu mới chính thức trở thành sinh viên đại học. Nếu không đạt chẳng có chuyện được làm lại bài kiểm tra, mà sẽ phải ba lô khăn gói về quê.

Tôi cho rằng học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT được gọi thẳng vào các trường đại học chính quy (thời cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu) là cách làm rất hay.

Thế nên, để góp phần cấp bách chấn hưng nền giáo dục hiện nay, kiến nghị cơ quan thẩm quyền chức năng, cần sớm ra quyết định bãi bỏ kỳ thi vào đại học chính quy (nên bắt đầu thực hiện từ năm 2014).

Điều này nhằm chấm dứt cám cảnh “lôi thôi sỹ tử vai đeo lọ” và “lều chõng” Phong kiến lạc hậu.

Dĩ nhiên, do chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy có giới hạn (không như những năm 60, thế kỷ 20), cho nên không phải học sinh cứ thi đỗ tốt nghiệp THPT là được gọi thẳng vào đại học.

Chúng ta sẽ chọn những học sinh có điểm thi đỗ tốt nghiệp từ cao xuống thấp (cho đến đủ chỉ tiêu tuyển sinh thì thôi).

Còn kỳ thi tốt nghiệp THPT (12/12) hiện tại mặc dù khá nhiều người, trong đó có quan chức, có giáo sư toán học, giáo sư chuyên môn sinh học… đề nghị huỷ bỏ.

Ví dụ cựu giáo viên trường phổ thông cho rằng: đã là kiến thức học sinh phổ thông thì phải phổ cập, phổ biến, xã hội hoá, nên việc tổ chức thi cử chẳng giải quyết vấn đề gì!

Hoặc tỷ lệ học sinh thi đỗ THPT rất cao (có những trường học sinh đỗ 100%) thì thi làm gì? Hoặc sáu môn thi THPT không thể đánh giá được kết quả, chất lượng 12 năm học…

Nhưng họ có biết đâu rằng kiến thức phổ thông vô cùng phong phú, toàn diện, bao gồm cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Do đó sự tiếp thu của học sinh khó có thể đồng đều.

Nhất định có các học sinh giỏi, khá, trung bình và kém khác nhau. Nếu bỏ thi tốt nghiệp trường THPT thì học sinh “dùi mài kinh sử” để làm gì?

Và như thế thì làm sao phân loại được học sinh giỏi, khá, trung bình, kém?

Tôi đồng tình với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, nhận định chất lượng giáo dục sẽ đi xuống nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Về khía cạnh thực tại, đã nhiều trường THPT có 100% học sinh thi đỗ tốt nghiệp. Song phân tích chi tiết điểm đỗ tốt nghiệp, làm gì có trường nào 100% học sinh đều đạt điểm tối đa 10/10 đối với tất cả sáu môn thi. Như vậy việc chọn những học sinh có điểm thi tốt nghiệp từ cao xuống thấp để gọi vào đại học chính quy là hoàn toàn khả thi.

Đồng thời, nếu lấy điểm thi tốt nghiệp trường THPT để gọi vào đại học chính quy, nhất định hạn chế tiêu cực trong các phòng thi vì tự các thí sinh sẽ chẳng dễ gì mà cho các thí sinh khác quay cóp bài thi của mình.

Ngoài ra nếu bỏ kỳ thi vào đại học chính quy, thì đề thi tốt nghiệp THPT cũng phải đổi mới, không hề dễ đối với học sinh học lực trung bình.

Hay nói cách khác, học sinh trung bình chỉ có thể làm được 5/ 10 câu hỏi trong bộ đề thi, để đủ điểm đỗ tốt nghiệp (THPT).

Đặc biệt, bãi bỏ kỳ thi vào đại học chính quy, sẽ có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục kể cả phổ thông và đại học. Bởi vì, mặc nhiên cơ hội cho học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT, được chọn vào học đại học chính quy chỉ có một lần duy nhất.

Không có chuyện năm nay học sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT rồi, sang năm lại được dự thi (lấy bằng tốt nghiệp THPT) một lần nữa, hy vọng đỗ điểm cao để được gọi vào đại học chính quy.

Không còn chuyện năm nay thi vào đại học chính quy trượt (kể cả đại học công lập và đại học tư thục), sang năm thi lại.

Đồng thời, hết luôn cả chuyện năm nay đã thi đỗ vào 1 trường (đại học chính quy), nhưng vẫn “kén cá chọn canh”, chẳng thích học trường đấy, thế là “dẹp”, để sang năm lại xin dự thi vào 1 trường (đại học chính quy) khác thích hơn.

Và tất nhiên khi bãi bỏ kỳ thi vào đại học chính quy, thì vẫn còn hình thức học đại học tại chức, dành cho những người đã trải qua quá trình lao động chân chính (đã có bằng tốt nghiệp THPT), có tâm huyết phải học lên đại học, để mong muốn giúp ích được nhiều hơn nữa cho bản thân, gia đình và xã  hội.