Để làm rõ hành trình di chuyển của thiên thể nguy hiểm trên, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phối hợp cùng các nhà thiên văn học tại Đại học Hawaii theo dõi và quan sát chu kỳ quay của 2011 AG5 trong vài ngày hồi tháng 10 vừa qua.
Qua hình ảnh quan sát được kính viễn vọng 8 m Gemini tại Mauna Kea, Hawaii ghi lại, các nhà khoa học khẳng định vị trí hoạt động của Trái đất vào tháng 2/2040 không nằm trong phạm vi di chuyển của thiên thể 2011 AG5. Điều đó có nghĩa là nguy cơ thiên thể này đâm phải Trái đất vào năm 2040 hoàn toàn được loại bỏ.
Theo phân tích của NASA, thiên thể 2011 AG5 với đường kính 140 m sẽ luôn cách Trái đất hơn 890.000 km - khoảng cách lớn gấp 2 lần từ Trái đất tới Mặt trăng.
Trong trường hợp xảy ra va chạm giữa thiên thể và Trái đất, năng lượng từ vụ nổ có thể lên tới 100 megaton – sức mạnh lớn gấp hàng nghìn lần 2 quả bom nguyên tử đã được sử dụng trong Thế chiến lần thứ hai.
Nhà thiên văn David Tholen tại Viện Thiên văn thuộc Đại học Hawaii nhận định: "Quá trình theo dõi thiên thể 2011 AG5 không hề dễ dàng bởi vị trí hoạt động của nó khá gần với Mặt trời do đó các nhà khoa học chỉ có thể quan sát khi trời tối".
Ngày 21/12 vốn được xem là ngày kết thúc cho chu kỳ 5.125 năm trong lịch của người Maya cổ đại, để mở ra một chu kỳ mới. Song, dưới góc nhìn của con người hiện đại, ngày 21/12 lại là "Ngày tận thế".
Để chuẩn bị cho ngày này, nhiều người dân trên khắp thế giới đã chuẩn bị sẵn các nhu yếu phẩm, nến và thậm chí trang trị những "căn nhà di động" để mong sống sót qua ngày tàn của Trái đất.