Giàn giáo yếu, bê tông, cột sắt đổ ụp xuống đường
Khoảng 3h45 hôm qua (28/12), tại công trình thi công Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông nằm trên đường Trần Phú, đoạn đối diện Bến xe Hà Đông, thuộc địa phận phường Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn lao động.
Hiện trường vụ việc nằm gần vị trí từng xảy ra vụ rơi sắt thép do đứt cáp cần cẩu khiến một người tử vong hồi đầu tháng 11 vừa qua. Dù không có thương vong, song vụ tai nạn đã ảnh hưởng đến tinh thần, đe dọa trực tiếp sức khỏe và tính mạng người tham gia giao thông cũng như công nhân trực tiếp làm việc tại khu vực này.
Dự án này mới thi công trở lại ngày 21/11, sau khi được tiến hành rà soát, đảm bảo an toàn xây dựng toàn tuyến. Nhưng do hệ thống giàn giáo, trụ đỡ không đảm bảo nên trong lúc thi công, hàng trăm tấn sàn, đà giáo và bê tông đã đổ ập xuống lòng đường. Đúng thời điểm này, chiếc xe taxi 4 chỗ hãng Quê Lụa do anh Nguyễn Bá Dương (40 tuổi, ở Quyết Tiến, Dương Nội, Hà Đông) điều khiển, đang chở 3 nữ hành khách đi đến. Một số thanh đà, cột sắt đã đè bẹp nóc xe ôtô, trong khi bê tông tươi nhanh bao kín chiếc xe taxi, khiến người bên trong không thể tự giải thoát.
Lẫn trong đống sắt thép, bê tông sụt xuống mặt đường còn có 9 công nhân đang tham gia thi công. Những người này đều là lao động thời vụ, không có hợp đồng lao động, làm thuê theo kiểu công nhật tại đây từ nhiều tháng nay. Các công nhân cho biết, việc thi công xà mũ trụ H7 bắt đầu từ 1h sáng. Đến khi sự cố xảy ra đã có khoảng 10 xe trộn bơm bê tông lên mặt sàn. Khi xe thứ 11 đến tiếp ứng vật liệu xây dựng thì tai nạn xảy ra. "Mọi thứ diễn ra rất nhanh, không ai kịp phản ứng. Sau khi bị ngã, tôi nằm bẹp dưới đống bê tông tươi. Cũng may mà không ai nhảy ra khỏi sàn. Chứ xung quanh toàn sắt thép, người nào nhảy ra chắc chết" - một công nhân tên Thu (58 tuổi, quê ở Thái Nguyên) kể lại. Cũng theo ông Thu, những lần thi công trước nhóm công nhân làm việc thường có khoảng 15 người. Vài ngày gần đây, 4-5 xin nghỉ phép về quê nên lúc xảy ra tai nạn chỉ còn 9 người làm việc. Sau khi xảy ra sự việc, ai cũng thở phào, có người đã rơi nước mắt khi điểm danh thấy cả nhóm còn đông đủ. "Bọn tôi hoang mang, sợ lắm chứ. Người trong cuộc mới thấy lúc đó đáng sợ thế nào. Quần áo dính đầy bê tông mà xung quanh lại tối, chỉ đến khi nghe tiếng anh em gọi nhau mới bớt run" - một công nhân nói về cảm giác khi xảy ra sự cố.
Hiện trường vụ tai nạn.
Phá kính, giải cứu người kẹt trong taxi
Theo nhóm công nhân bị rơi từ giàn giáo thì việc di chuyển sau khi xảy ra tai nạn là rất khó khăn. Lúc này, đèn chiếu sáng không hoạt động, trong khi hiện trường lại ngập ngụa bê tông tươi và sắt thép. Vừa hoảng loạn, mọi người vừa cố gắng dò đường, mong sao ra ngoài một cách nhanh nhất. Đúng lúc đó, anh Nông Đức Mạnh (ở Thái Nguyên) và một số công nhân khác phát hiện chiếc xe taxi bị đè bẹp dưới đống sắt thép bên trong có 4 người cũng đang hoảng loạn, cố gắng cầu cứu sự trợ giúp từ bên ngoài. "Đầu tiên chúng tôi cũng sợ vì giàn giáo sập tiếp thì sao. Nhưng trong tình huống cấp bách, cả nhóm đã cùng xúm lại trợ giúp người gặp nạn" - anh Mạnh cho biết, khi thấy bê tông tươi ngập đến nửa xe, nhóm công nhân đã cầm thanh sắt đập vỡ kính xe. Sau khoảng 10 phút, anh Mạnh và những người còn lại đã kéo được lái xe và 3 hành khách ra ngoài. Lúc này, nhóm người trong xe taxi cũng hoảng sợ, không nói nên lời. Tất cả đều rúm ró, dẫn nhau đi ra khỏi đống bê tông, sắt thép.
Mất an toàn vì chạy tiến độ ?!
Dự án này được thi công theo hình thức Tổng thầu EPC do Tập đoàn HH Cục 6 đường sắt Trung Quốc là tổng thầu. Ban QLDA Đường sắt Bộ GTVT là đại diện chủ đầu tư.
Dự án có chiều dài khoảng 13,5km từ Cát Linh đến Hà Đông, có 12 ga. Theo như dự kiến ban đầu, thì tuyến đường sắt này sẽ được đưa vào khai thác giữa năm 2015. Nhưng gì nhiều lý do, trong đó việc giải phóng mặt bằng chậm đã khiến dự án không thể hoàn thành đúng tiến độ.
Để “thúc” tiến độ, Ban Quản lý dự án đường sắt-chủ đầu tư dự án đã có Tờ trình số 360/TTr-BQLDAĐS gửi lên Bộ Giao thông Vận tải về việc điều chỉnh dự án và tổng mức đầu tư của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông tăng thêm 315 triệu USD so với phê duyệt ban đầu, nâng tổng mức đầu tư lên tới 868,04 triệu USD. Đồng thời, giữa tháng 12, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cũng đã yêu cầu thay thế hàng loạt các nhà thầu phụ không đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Chí Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết, qua kiểm tra và đánh giá sơ bộ cho thấy giàn giáo chống thi công đổ bê tông xà mũ số 7 (H07) tại khu vực ga bến xe Hà Đông không đảm bảo an toàn dẫn đến bị sập trong khi đang đổ bê tông.
Phân luồng giao thông tuyến đường Trần Phú, quận Hà Đông
Liên quan đến sự cố sập giàn giáo Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, chiều muộn 28/12, Sở GTVT đã có Thông báo số 1241/TB-SGTVT phân luồng giao thông tuyến đường Trần Phú, quận Hà Đông. Theo đó, các phương tiện từ Ngã Tư Sở đi Cầu Trắng (Hà Đông) đi theo hướng Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Tố Hữu - Vạn Phúc - Chu Văn An; xe buýt, xe máy khi đến ngã ba Trần Phú (Hà Đông) - Mỗ Lao rẽ phải theo đường 36m Mỗ Lao ra Thanh Bình; cấm ôtô từ Phùng Hưng - Trần Phú (Hà Đông) đi đường Thanh Bình trong giờ cao điểm sáng từ 6h đến 9h, chiều từ 16h đến 19h.
Các phương tiện từ Cầu Trắng (Hà Đông) đi Ngã Tư Sở theo các hướng: Chu Văn An - Vạn Phúc - Tố Hữu hoặc Phùng Hưng (Hà Đông) - Cầu Bươu - Cầu Tó - Kim Giang. Đối với xe buýt, xe máy đi theo hướng Phùng Hưng - đường 19-5 - đường Khu đô thị Văn Quán - Nguyễn Khuyến - Trần Phú - Nguyễn Trãi. Cấm ôtô từ Khu đô thị Văn Quán ra đường Phùng Hưng (Hà Đông) theo đường 19-5 trong giờ cao điểm, sáng từ 6h đến 9h, chiều từ 16h đến 19h.