Cuối tuần rồi, tôi và bạn trai đi thăm một người bạn. Cô ấy vừa sinh con xong gần 1 năm, hiện đang ở nhà nội trợ và chăm con. Vài tháng, chúng tôi lại đến chơi. Và vài tháng, tôi, dù không muốn nói thẳng, vẫn phải nhắc nhở cô ấy về chuyện dành chút thời gian ngó ngàng, chăm sóc bản thân. Bởi, mỗi lần gặp cô, tôi lại cố gắng tìm kiếm hình ảnh của cô bạn xinh đẹp, hot girl một thời nhưng đều vô vọng.
Trong những lần gặp gỡ sau khi cô sinh con, là hình ảnh như thể của một bà nội trợ sồn sồn nào đó. Cô chẳng mấy chú ý tới ăn mặc, đầu tóc rối bời, ngay cả bộ đồ ngủ cũng là quần nọ, áo kia, nhăn nhúm. Lần nào tôi nhắc, cô cũng chặc lưỡi: Tao chán lắm mày ơi, chồng chê hoài à. Nhưng, cả ngày, mở mắt ra là tất bật với thằng nhỏ, thời gian đâu mà để ý cho mình nữa. Thôi kệ, đợi mai mốt con lớn, chăm sóc bản thân mình cũng chưa muộn.
Tôi, cũng chẳng biết nói gì hơn, tự hỏi, sự chờ đợi ấy, cần bao nhiêu thời gian? Tuổi thanh xuân, những năm tháng còn tươi đẹp của người đàn bà, liệu có dừng lại để chờ đợi mình?
(Ảnh minh họa)
Một câu chuyện khác, cũng về một người bạn khác của tôi. Cô vừa ly hôn, hiện đang sống độc thân. Cô có công việc tốt, kiếm được nhiều tiền. Rời khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cô bắt đầu tận hưởng cuộc sống “độc thân tuyệt vời” đúng nghĩa. Đi du lịch, spa, mua sắm, giảm cân… Mỗi lần gặp nhau, là một lần ngạc nhiên về cô: Tươi tắn, xinh xắn, mỗi ngày đẹp hơn, ăn mặc táo bạo hơn.
Trước đây, khi cô còn trong cuộc hôn nhân, tôi thường chẳng mấy khi gặp được cô, bởi cô còn bận bịu với gia đình nhỏ. Cô vốn là một cô gái đẹp, nhưng từ khi kết hôn, lại chẳng mấy khi chăm chút cho bản thân. Ăn thả cửa, quần áo vơ được cái nào mặc cái đó, miễn là tiện dụng, mát mẻ, dễ vận động. Tôi, cũng có lần thắc mắc khi cô chọn cuộc sống khác biệt với cô thời con gái như thế. Chồng cô là người thành đạt, trong nhà có người giúp việc, cô cũng không vất vả gì nhiều. Nhưng, dường như, cô luôn thiếu thời gian dành cho bản thân, hoặc không đoái hoài tới nó. Cô nghĩ, đơn giản, có chồng rồi, quen mặt rồi, cần gì phải để ý tới bản thân nữa, “tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh”.
Vài năm trong cuộc hôn nhân, cô tăng gần 20 kg, chẳng mua sắm quần áo mới, chẳng thiết tha son phấn mỹ phẩm. Cô trở nên lười ra đường với chồng, vì lười chuẩn bị, lười thay đổi bản thân. Người ngoài nhìn vào cũng có thể thấy rõ ràng họ như thể đang sống ở hai thế hoàn toàn khác nhau. Với cô, điều đó chẳng có gì quan trọng, miễn chung một nhà, miễn là yêu nhau. Mấy cái râu ria, tiểu tiết kia, để ý làm gì.
Thế rồi, vợ chồng cô chia tay bằng một lý do hết sức phổ biến: Chồng ngoại tình, và cô thì không bao giờ tha thứ.
Sau khi ly hôn, cô lao vào công cuộc tìm lại bản thân, chăm chút từng cm trên cơ thể. Cô, dĩ nhiên, trở nên xinh đẹp, lộng lẫy hơn nhiều. Sự lộng lẫy tỉ lệ thuận với những lời oán trách, những lời chán chê, xem thường đàn ông mà cô thốt ra. Trong đôi mắt cô, vẫn chưa thể quên đi được người chồng phản bội. Và, tất cả những gì cô đang làm, tựa như một cuộc trả thù. Sẽ còn rất lâu nữa, cô mới thanh thản, mới có thể an nhiên bước qua cuộc hôn nhân tan vỡ, tìm được hạnh phúc thật sự của bản thân.
Câu chuyện này của bạn tôi, thấy có vẻ quen quen, vì nó là tâm lý chung của phụ nữ. Sau cuộc chia tay, sau khi ly hôn, họ thường làm nhiều thứ, dành hết sức lực chăm chút cho bản thân, đôi khi chỉ để thoả mãn sự hiếu thắng của bản thân, để chứng minh với đối phương rằng: Không có anh, tôi sống tốt hơn, xinh đẹp hơn, và sẵn sàng có hàng tá đàn ông quỵ luỵ dưới chân tôi.
(Ảnh minh họa)
Sau cuộc đi thăm cô bạn cũ, trên đường về, tôi kể với bạn trai câu chuyện thứ hai ấy, bạn trai tôi buột miệng: “Cũng là tội nghiệp cho người chồng, nếu cô ấy làm những điều kia sớm hơn, chắc họ đã không có kết cục như vậy. Phụ nữ, thường nghĩ mình quên đi các nhu cầu của bản thân là sự hy sinh, là đáng được ghi nhận, đáng được thương yêu. Nhưng trước tiên, phải là nghĩ cho bản thân mình”.
Câu nói ấy, khiến tôi chột dạ. Bạn trai tôi, thời gian đầu mới quen nhau, tôi khá bị sốc khi hỏi rằng:“Anh yêu điều gì nhất?”, anh ấy lại trả lời: “Anh yêu bản thân anh nhất, và em cũng phải vậy, phải yêu bản thân em nhất”.
Tôi sốc vì sự thực tế ấy, vì sao anh lại có thể lạnh lùng như thế, ích kỷ như thế, sao không có thể nói những lời ngọt ngào (dù giả dối cũng được – phụ nữa yêu bằng tai kia mà). Nhưng rồi thời gian, rồi tĩnh tâm, tôi nhận ra, đó là thực tế. Phụ nữ phải biết yêu thương bản thân mình trước khi yêu thương một ai đó. Nhờ vậy, chúng tôi đã có một mối quan hệ nhẹ nhàng, dễ chịu, không cật vấn, oán trách đối phương vì những lý do như “Anh có biết em hy sinh vì anh nhiều như thế nào không? Tại sao anh lại vô tâm như thế?”...
Phụ nữ chúng mình, khi yêu thường dại dột lắm. Sự dại dột ấy, nôm na, có thể chia làm hai “trường phái”:
Có thể từ bỏ bản thân, có thể quên đi tất cả các nhu cầu của bản thân, hy sinh cho đối phương, thường nghĩ rằng mình hy sinh, sẽ được ghi nhận, và đối phương sẽ cảm động, sẽ yêu thương mình hơn.
Một trường phái khác của sự “hy sinh” là tự tước đoạt đi các nhu cầu chính đáng của bản thân, nhưng trong lòng thì luôn dằn vặt, luôn thấy mình không đáng phải làm những điều này, nên thỉnh thoảng lại la chó mắng mèo, lại share mấy đoạn tâm trạng dằng dặc, bóng gió trách móc đối phương rằng sao anh vô tâm đến vậy, sao anh không ngó ngàng gì đến sự hy sinh của em?
Tôi, đơn thuần, chỉ kể hai câu chuyện trên, như một lời nhắc nhở chính bản thân mình. Có thể, vì tôi chưa kết hôn, nên cái nhìn còn khá “lạc quan”. Nhưng, tôi chắc chắn một điều rằng, dù làm gì, tôi cũng sẽ lắng nghe tiếng lòng mình. Mình có thật sự hạnh phúc khi mình làm tất cả những việc này không? Bản thân mình có đáng bị mình lãng quên? Không có sự gắng gượng nào có thể mang lại hạnh phúc lâu dài. Nếu “hy sinh” mà thực lòng không muốn, thì chẳng khác nào một cuộc thi “gồng”. Liệu sức của mình sẽ chịu được bao lâu đây? Thành thật với bản thân, rồi thì sẽ vui vẻ, sẽ hạnh phúc, dù rằng hạnh phúc ấy mất thời gian để tìm kiếm.
Ở hai câu chuyện trên, tôi và bạn trai cùng đi đến một thoả thuận rằng, sau này, dù ngay cả khi kết hôn, ngay cả khi có con, tôi vẫn phải được làm điều tôi thích, mua món tôi muốn. Và, chẳng may, khi nào tôi lười biếng, xuề xoà, chồng phải nhớ nhắc nhở. Đừng để mọi chuyện thành “quen mắt”, thành “sao cũng được”.
Thực tế thì, trong mỗi người đàn ông, đều có ý thức muốn “diện vợ ra đường”. Chẳng ai lại không muốn bước ra ngoài có thể hãnh diện về vợ xinh, con ngoan. Chỉ vì lý do nào đó, đôi khi vì tình yêu quá lớn mà bỏ qua sự xuề xoà của đối phương. Lâu dần, rồi thành nhàm chán, và mấy ai dám hứa được, đứng trước một bông hoa đẹp khác, người ta lại không nổi lên ham muốn đến gần, chạm vào nó, cảm nhận sự xinh đẹp, mới lạ? Tôi biết chứ, làm đẹp là một công cuộc cần nhiều thời gian, nhiều sự tốn kém, cần nhiều sức lực.
Có những buổi sáng thức dậy, tay chân rã rời, chẳng còn đủ chút sức lực nào mà làm đẹp. Vơ vội món đồ mặc lên người, rồi thì lao mình vào công việc, có khi còn quên cả chải tóc. Đó là ngay cả khi có điều kiện, có thể mua sắm món mình thích, cũng có thể vì bận rộn quá, vì tham công tiếc việc mà bỏ lơ luôn bản thân. Còn khi cuộc sống vất vả, nhận lương đầu tháng, giữa tháng đã thâm hụt, bao nhiêu tiền đều để dành chăm lo cho con cái, thì còn dám nghĩ tới bản thân mình, tới chuyện làm đẹp? Có thể không đủ tiền mua món đồ đắt tiền, nhưng tuyệt đối đừng xuề xoà, đừng khiến chính mình cũng phải chán mình.
Làm phụ nữ thời nào cũng khó. Xuề xoà, bộn bề, không chăm sóc bản thân thì bị chồng chê, (có khi mất hạnh phúc, mất tất cả). Chăm chút bản thân một chút, yêu thương bản thân một chút, dễ bị soi mói, “Suốt ngày quần quần áo áo, liệu có làm được chuyện gì không?”.
Xã hội thường không đánh đồng những người phụ nữ đẹp với những người phụ nữ giỏi giang, biết quán xuyến, chăm sóc gia đình. Chúng mình, thay vì than thở, thay vì trách móc, thử làm những gì mình thích đi nào. Có thể thật xinh đẹp, thật tươi tắn, mà vẫn nấu ăn ngon ngày ba bữa, chăm sóc con cái, làm việc chăm chỉ, kiếm tiền. Cuộc sống là của mình, xoay chuyển nó thế nào, hẳn cũng không quá khó khăn đâu. Quan trọng là, có dám thử và dám thay đổi hay không?
Phụ nữ phải biết yêu thương bản thân mình, bảo vệ quan điểm của mình, rồi mới tính chuyện xa xôi, mưu cầu xa xôi.