Sáng nay, dự kiến bão số 7 vào đất liền

Trước diễn biến phức tạp của bão số 7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa quyết định cử đoàn công tác vào Bình Định lập Ban Chỉ huy tiền phương phòng chống bão.

Trưa 5/10, chủ trì cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chỉ đạo các biện pháp ứng phó với bão số 7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ những yếu tố nguy hiểm của cơn bão kèm mưa lớn và đường đi phức tạp.

Ban Chỉ đạo cần xác định vùng nguy hiểm trên biển từ Huế đến Khánh Hoà. Các tỉnh căn cứ vào diễn biến mới của bão để quyết định phương án ứng phó phù hợp, cấm biển và kiên quyết yêu cầu các phương tiện trong vùng nguy hiểm di chuyển tránh, trú bão.

Các địa phương tiếp tục tổ chức, rà soát công tác sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, tùy vào tình hình cụ thể, quyết định thời điểm di dời dân cư đến nơi an toàn.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý tình trạng mưa lớn gây úng ngập, lũ quét, lở đất và gây ảnh hưởng đến hệ thống giao thông, các hồ chứa. Các nhà máy thuỷ điện, các khu vực có địa hình dốc như Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi,… cần tập trung vào các biện pháp ứng phó với mưa lũ.

Phó Thủ tướng cử một đoàn công tác vào Bình Định lập Ban Chỉ huy tiền phương phòng chống bão. Riêng tại Thủy điện Sông Tranh 2, một đoàn công tác khác làm nhiệm vụ trực tại hiện trường để ứng phó, đánh giá về tình trạng công trình trước các hiện tượng thiên nhiên, bão lũ.

Hồi 16h ngày 5/10, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Quãng Ngãi - Phú Yên khoảng 640 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16h ngày 6/10, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Phú Yên khoảng 190 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km/g), giật cấp 10, cấp 11.

Trong khoảng 24-48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km, đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới; sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Đến 16h ngày 7/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp vào khu vực Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/g).

Trong khoảng 48-72 giờ tiếp theo, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, suy yếu và tan dần.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Từ sáng mai 6-10, vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.

Từ chiều tối và đêm ngày 6/10, ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; các tỉnh Bắc Tây Nguyên có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.

Từ chiều 6/10, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và bắc Tây Nguyên sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Mây đen vần vũ bầu trời gây mưa lớn tại TP. HCM do ảnh hưởng của bão số 7

Bình Định: tất cả tàu thuyền tránh bão

Theo báo cáo của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, sáng 5/10 tất cả tàu thuyền hoạt động trong vùng bão đã nhận được thông tin và chạy đến nơi tránh trú bão.

Cả tỉnh Bình Định có 7.586 chiếc tàu đang hoạt động đánh bắt gần và xa bờ. Vì bão số 7 xuất hiện vào mùa trăng, phần lớn các tàu cá còn đang nằm bờ nên không khó khăn trong việc nhận thông tin bão.

Tàu neo đậu tránh bão trên cảng cá Quy Nhơn

Trên sơ đồ ghi nhận tàu cá đánh bắt ngoài khơi vùng giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước ngày 30/9 có hàng ngàn tàu đang đánh bắt, nhưng đến ngày 5/10 chỉ còn hai tàu đang trên đường về nơi an toàn.

Tuy trời chưa mưa, gió nhẹ nhưng công tác chuẩn bị đối phó với bão số 7 ở Bình Định đang hết sức khẩn trương. Tàu cảnh sát đường thủy liên tục kêu gọi các tàu vào bờ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã gửi công điện đến chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh chủ động đối phó với cơn bão số 7. Nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi; khẩn trương thu hoạch các loại nông, lâm, thủy, hải sản đến kỳ thu hoạch...

Quảng Ngãi: hối hả chống bão số 7

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 7, rạng sáng 5/10 mưa lớn và kéo dài. Song từ 6h trở đi trời tạnh và mưa lất phất, âm u. Ngay từ sáng nay, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đi về các địa phương để chỉ đạo công tác phòng chống bão số 7.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng tức tốc bay từ Hà Nội về ngay trong buổi sáng cùng với lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống bão ở các xã ven biển Bình Hải, Bình Châu. Theo UBND huyện Bình Sơn, công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ đã cơ bản hoàn tất. Huyện đã lên phương án sẽ di dời khẩn cấp hơn 1.500 hộ dân ở vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng bão số 7.

Biên phòng cùng dân địa phương đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão

Tại khu vực thôn An Cường, Phước Thiện thuộc xã Bình Hải, người dân đã chủ động chèn chống nhà cửa, sẵn sàng mọi phương án để di dời khẩn cấp.

* Tại các xã ven biển Nghĩa An, Nghĩa Phú (huyệnTư Nghĩa), ghi nhận sáng 5-10, người dân bắt đầu công việc chèn chống nhà cửa để chống bão. Loa phát thanh liên tục phát các thông báo về bão số 7 và khuyến cáo người dân chuẩn bị các công việc đối phó với bão.

* Tại huyện Đức Phổ (phía nam tỉnh Quảng Ngãi, giáp giới với Bình Định) - nơi dự kiến là “tâm bão” số 7 đổ bộ vào đất liền, người dân cũng khẩn trương chuẩn bị phòng chống cơn bão. Sáng 5/10, nhiều ngư dân ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ đã đưa tàu thuyền vào neo trú ở cảng cá Mỹ Á.

“Do cửa biển bị bồi lấp nghiêm trọng nên tôi cùng với các ngư dân khác phải đợi lúc thủy triều dâng cao mới đưa được tàu vào bến, gần 20 tàu cá công suất lớn của ngư dân trong xã phải chạy về cảng cá Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh để tránh bão” - ông Nguyễn Xếch, vạn trưởng vạn chài thôn Hải Tân, cho biết.

Hai cha con ông Huỳnh Minh Hùng dùng bao cát chắn mái nhà

* Tại huyện đảo Lý Sơn, đến 9h sáng 5/10, toàn huyện còn 40 tàu với trên 500 lao động còn ở trên biển. Trong đó, có 6 tàu với 87 lao động đang hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa, 24 tàu với trên 360 lao động tại ngư trường Trường Sa và một số vùng biển khác.

Để đảm bảo cho số tàu cá còn ở trên biển biết hướng đi của bão số 7, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo Đồn biên phòng 328 Lý Sơn phối hợp với các xã tổ chức kiểm đếm số tàu thuyền, đồng thời phối hợp với các đài canh Icom cộng đồng thường xuyên liên lạc, thông báo, kêu gọi, hướng dẫn số tàu cá trên nắm bắt tình hình cường độ và hướng di chuyển của bão số 7.

Tàu cá ngư dân Lý Sơn neo đậu tránh bão số 7 tại vũng neo trú tàu thuyền An Hải

Tàu ngư dân Nghĩa An, Nghĩa Phú neo trú tránh bão số 7 trưa 5-10 tại khu neo trú Nghĩa Phú