Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong hai ngày 5 và 6/5, thí sinh làm bài thi ngoại ngữ trên máy tính, là một trong các môn học tiếng Anh (D1), tiếng Nga (D2), tiếng Pháp (D3), tiếng Trung Quốc (D4), tiếng Đức (D5) và tiếng Nhật (D6), gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài 90 phút. Kết quả bài thi ngoại ngữ chỉ có giá trị ngay trong năm dự thi để xét tuyển.
Từ ngày 7 - 8/5 và 13 - 15/5, thí sinh làm bài thi bài Đánh giá năng lực, bao gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 195 phút. Kết quả bảo bài thi Đánh giá năng lực này được bảo lưu trong 2 năm.
Lịch thi Đánh giá năng lực đợt 1 vào Đại học Quốc gia Hà Nội.
Kỳ thi Đánh giá năng lực tạo cơ hội cho thí sinh xét tuyển vào các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà nội và 8 trường khác bao gồm: Kiến trúc Đà Nẵng, Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Tài nguyên và Môi trường, Nguyễn Trãi, Thủ Đô, Công nghiệp thực phẩm TP HCM và Đại học Đông Á Đà Nẵng.
Theo lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, đề thi bao gồm 2 phần trắc nghiệm: Phần bắt buộc và phần tự chọn. Độ khó của các câu hỏi thi thuộc mỗi phần được phân định theo tỷ lệ 20% cấp độ dễ, 60% cấp độ trung bình và 20% ở cấp độ khó.
Cơ cấu kiến thức trong phần bắt buộc được phân bổ như sau: 10% Kiến thức trong chương trình lớp 10; 20% Kiến thức trong chương trình lớp 11; 70% Kiến thức trong chương trình lớp 12.
Chuẩn bị kỹ thuật trước ngày thi. Ảnh: Lê Hiếu.
Phần bắt buộc gồm tư duy định lượng (kiến thức Toán) và tư duy định tính (kiến thức Ngữ văn). Phần tự chọn, thí sinh chọn một trong hai nội dung: Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Thí sinh lựa chọn một trong hai nội dung trên. Sau thời gian 2 phút nếu thí sinh không chọn một trong hai nội dung, máy tính sẽ mặc nhiên chọn nội dung Khoa học tự nhiên.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin: Ngoài việc tập trung môn quan trọng như Toán, Vật lý, Ngữ văn, các em cần quan tâm các môn học khác để có kiến thức toàn diện. Các câu hỏi của kỳ thi Đánh giá năng lực không đánh đố mà cần năng lực giải quyết thực sự.
Đồng thời, độ khó của các bài thi Đánh giá năng lực đợt 1 và đợt 2 là cân bằng. Tuy nhiên, cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn với thí sinh đăng ký thi từ đợt đầu. Đến đợt thi sau, đương nhiên chỉ tiêu còn lại sẽ ít hơn. Thí sinh có nguyện vọng vào trường nên tham gia ngay từ đợt 1.
Những điều thí sinh lưu ý khi dự thi:
Thí sinh có mặt tại địa điểm thi trước giờ ghi trên giấy báo dự thi ít nhất 30 phút. Tại mỗi buổi thí, thí sinh phải xuất trình Giấy chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân; nộp một ảnh cỡ 4x6, mặt sau ảnh ghi rõ họ và tên, số Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân, số báo danh (ảnh chụp không quá 3 tháng tính đến thời điểm dự thi, là ảnh gốc, không được chỉnh sửa, phông nền của ảnh là phông xanh hoặc trắng).
Danh sách các máy tính cầm tay thông dụng (làm được các phép tính số học, các phép tính lượng giác và các phép tính siêu việt) mà thí sinh được phép mang vào phòng thi bao gồm:
Casio FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500 MS, FX 500 ES, FX 500VNPlus, FX 570 MS, FX 570 ES, FX 570 ES Plus và FX 570 VN Plus; VinaCal 500MS, 570 MS, 570 ES Plus và 570 ES Plus II; Vietnam Calculator VN-500RS, VN 500 ES, VN 500 ES plus function; VN 570 RS, VN 570 ES và VN-570ES Plus; Sharp EL 124A, EL 250S, EL 506W, EL 509WM; Canon F-788G, F-789GA; và các máy tính tương đương.