Sân bay Long Thành là sự... sửa sai!

Dự án sân bay Long Thành không phải là chủ đề thảo luận tại Quốc hội nhưng một số ĐBQH đã mang chính Long Thành ra để phân tích những yếu kém trong quản lý hàng không.

Chỉ đạo giá mì tôm: Cần thiết nhưng có vấn đề

ĐBQH Nguyễn Thanh Thụy dẫn số liệu 6 tháng đầu năm 2014 cho biết, có tới 40% số chuyến bay bị chậm chuyến, hủy chuyến do nhiều nguyên nhân, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như quyền lợi của khách hàng. Bà đề nghị ngay trong Luật Hàng không dân dụng này phải có cơ chế để bảo vệ hành khách, bởi nếu việc quy định chỉ chung chung mà không quy định rõ trách nhiệm bồi thường cũng như cơ quan giải quyết khiếu nại, sẽ khó khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến. Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cũng chỉ ra những mâu thuẫn trong việc quản lý giá dịch vụ chuyên ngành hàng không. Theo bà, việc định giá đi và đến đang có sự “chồng chéo về giá”.

ĐBQH Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) thì “hiến kế” rằng, để làm tốt hơn nhiệm vụ này thì cần giao cho Bộ GTVT có những quy định cụ thể về trách nhiệm, để khắc phục hơn nữa tình trạng chậm, hủy chuyến bay.

Đặt câu hỏi về việc liệu cơ quan nhà nước có quản lý được từng chai nước, từng bát mì tôm ở sân bay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Đức Kiên nhắc lại chuyện Bộ trưởng Đinh La Thăng từng phải chỉ đạo giá bán mì tôm ở sân bay. Theo ông, giá dịch vụ ở sân bay phải được đưa ra đấu thầu. Việc Bộ trưởng Bộ GTVT phải chỉ đạo giá từng bát mì tôm là cần thiết. Nhưng xét về góc độ quản lý nhà nước là có vấn đề, bởi giá dịch vụ phải tuân theo nguyên tắc thị trường.

Ông bay ngắn, ông bay dài

Dù dự án sân bay Long Thành không phải là chủ đề thảo luận tại QH hôm qua, tuy nhiên, một số ĐBQH đã mang chính Long Thành ra để phân tích những yếu kém trong quản lý hàng không tồn tại trong một giai đoạn dài vừa qua. Cho biết từng có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngay sau giải phóng, ĐBQH Lê Nam nói, ông xót xa với tình trạng sân bay này hiện nay. Nguyên nhân, theo ông Nam, là do những yếu kém trong quản lý nhà nước, do phân cấp không rõ ràng giữa các bộ, ngành, giữa T.Ư và địa phương. “Chính phủ làm sân bay Long Thành là cần thiết, nhưng đây là trả giá cho những yếu kém”. Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa cho rằng, ngay trong luật này, quản lý nhà nước phải được hiểu không phải chỉ là quản lý đất sân bay, mà phải là quản lý vùng ảnh hưởng.

Đồng ý với ông Lê Nam, bà Trần Thị Quốc Khánh - ĐBQH TP.Hà Nội - cũng nhìn nhận “Chúng ta có những bài học phải trả giá”. Theo bà, sự thiếu đồng bộ trong phối hợp khiến sân bay Tân Sơn Nhất quá tải và phải sửa sai bằng Long Thành. “Tôi cho rằng, cần bổ sung tính đồng bộ trong quản lý điều hành giữa các cơ quan quản lý” - bà Khánh nói. Nữ ĐBQH Hà Nội cũng ta thán về chuyện nhân viên ngành hàng không “đáng lẽ bay ở chỗ này thì lại bay sang chỗ khác”. Và dù “đồng chí Bộ trưởng đã có những chấn chỉnh”, tuy nhiên, bà Khánh đề nghị cần rà soát quy định rõ trong luật để hành khách đi được yên tâm hơn.

 ĐBQH Nguyễn Đức Kiên: Giá dịch vụ sân bay phải được đưa ra đấu thầu.

ĐBQH Trần Du Lịch thì quan tâm đến việc phát triển hàng không giá rẻ. Lấy ví dụ từ cái nhà tôn trong một sân bay ở Đức, “nó chỉ là cái nhà tôn, vì giá cực kỳ rẻ”, ông đặt vấn đề: Tại sao khi xây dựng sân bay mới chúng ta không dùng hạ tầng, sân bay cũ khi bản chất hàng không giá rẻ là tận dụng hạ tầng kỹ thuật mặt đất giá rẻ để giảm giá. “Sẽ cực rẻ nếu tận dụng dịch vụ cũ” - ông Lịch nói.

Ông cũng nêu nghịch lý đang tồn tại là tình trạng giá vé các chuyến bay ngắn vô cùng đắt đỏ. Ở Mỹ, cơ quan quản lý nhà nước bắt các hãng hàng không phải bay kèm, được đường bay tốt, đường bay dài thì phải bay kèm cái ngắn, nôm na như bia kèm mồi, Nhà nước không bù gì hết, các hãng tự phải bù và giá vé được minh bạch. “Quy định (bay) ngắn là lỗ, nhưng để được (bay) cái dài. Không ai như “ông” VN, ông chuyên bay dài, ông chuyên bay ngắn và lấy giá cao để không lỗ.

Dự án sân bay Long Thành qua các con số:

Được trình QH xin phép chủ trương đầu tư vào hôm qua, Long Thành sẽ là một dự án sân bay có tổng mức đầu tư lên tới 18,7 tỉ USD. Cùng Lao Động nhìn nhận lại những con số xung quanh dự án này, qua tờ trình của Chính phủ:

Cơ cấu nguồn vốn dự kiến:

Vốn nhà nước (vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ, ODA...) giai đoạn 1 là 84.624 tỉ đồng.

Vốn huy động khu vực ngoài nhà nước (vốn DN, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công - tư (PPP) là 79.965 tỉ đồng.

Các phương án huy động vốn:

Nguồn vốn ODA: Huy động từ sự hỗ trợ tài chính của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á hoặc từ Chính phủ các nước như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, thông qua các cơ quan thực hiện ODA như JICA, AFD, EDCF…

Nguồn vốn thông qua các dự án PPP, BOT:

Long Thành thuộc danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020. Hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Tập đoàn ADPi của Pháp, Tập đoàn Samsung, Cty cảng hàng không Incheon (Hàn Quốc), các tập đoàn của Nhật Bản… quan tâm và bày tỏ sẵn sàng hợp tác đầu tư vào các hạng mục của dự án, dưới nhiều hình thức khác nhau như PPP, BOT.

Nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua việc tiến hành cổ phần hóa Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam.

Nguồn vốn đầu tư từ các hãng hàng không và các nhà đầu tư tư nhân thông qua việc đầu tư vào các hạng mục có khả năng thu hồi vốn cao (nhà ga hàng hóa, trạm nhiên liệu, hệ thống cấp điện bên ngoài, hệ thống cấp nhiệt, viễn thông…).