Nhiều đám ma ồn ào chẳng khác nào chương trình tạp kỹ với ca hát, biểu diễn xiếc, múa lửa... Tuy nhiên, phần hồn quan trọng nhất vẫn là âm nhạc. Bất cứ đám tang nào cũng phải có kèn tây. Nghề thổi kèn đám ma vì thế thịnh hành từ lâu.
Nhiều ngày theo các đám ma, tôi mới hiểu thực chất có hai loại nhạc đám: Lễ nhạc và tân nhạc. Lễ nhạc là nhạc truyền thống gồm trống kèn, đờn cò. Tân nhạc thì chơi kèn Tây. Trong đời sống ma chay hiện đại, Lễ nhạc dần mất vị thế, nhiều đám không mời đến, Tân nhạc mới là “một phần tất yếu của đám ma”.
Chạy sô như ca sĩ
Một ngày của anh Hưng, “lính ruột” đội kèn Nghĩa Bình được bắt đầu như bao ngày khác. 3h sáng, giữa lúc mọi người còn bình yên trong giấc ngủ, anh thức dậy chuẩn bị “đồ nghề” cho một ngày làm việc mới. Tất tật mọi thứ anh đều cố gắng làm thật nhẹ nhàng để không ảnh hưởng tới giấc ngủ những người trong gia đình. Ngày hôm nay, đội kèn của anh phải tới lễ động quan và hạ huyệt cho một tang chủ ở Q.5, xong việc lại chạy qua đám ma ở đường 3/2 (Q.10), chiều lại qua mấy đám ở Q.1, Tân Bình, Q.3. “Ngày nào cũng vậy, làm quần quật từ sáng sớm tới đêm khuya. Cái nghề này thời gian ăn, ngủ, nghỉ, làm việc bất thường lắm. Sáng ra khỏi nhà chưa ai dậy, tối về nhà chẳng còn ai thức là chuyện bình thường. Ở trong môi trường khói nhang nghi ngút suốt ngày nên vợ con tôi vẫn thường chọc là “người cõi trên””, anh Hưng chia sẻ. Đội kèn của Nghĩa Bình có khoảng 50 người, phần lớn đều đến từ nhiều địa phương khác nhau. Kẻ Bắc, người Nam, họ tập hợp nhau lập thành đội kèn và cùng nhau tồn tại. 15 năm trôi qua, từ một nhóm nhỏ chỉ có 7-8 người, họ dẫn dắt người quen, họ hàng vào nhóm thành một “tiểu đoàn” hùng hậu. Phần lớn những người trong đội đều không được học qua trường lớp, bài bản (vì không có trường dạy thổi kèn đám ma). Thành thử, một người biết rồi chỉ cho nhiều người. Nhạc cụ sử dụng phần lớn đều là hàng “second hand” trôi nổi trên thị trường “Chịu khó cũ một tí, nhưng dùng tốt hơn, lại đỡ tốn kém. Ngay đến bản thân tôi theo nghiệp từ ngày đầu cũng chưa sắm cho mình một cây đàn nào tử tế”, nhạc trưởng đội kèn Nghĩa Bình chia sẻ.
Người ta gọi đội kèn đám ma là đội nhạc hiếu, phường bát âm, nhạc kèn đưa đám. Trong tang lễ, có ba nghi thức không thể thiếu đội quân thổi kèn: tẩm liệm, động quan và hạ huyệt. Nhưng tùy theo yêu cầu gia chủ, đội quân này có thể “hoạt động ngoài giờ” vào những lúc khách tới phúng viếng. Số lượng người tham gia tùy theo đó mà thay đổi. Trung bình, mỗi đám cần khoảng 10 người nhưng cũng có khi lên tới gần 30 người theo mức độ “linh đình” mà gia chủ muốn. Đêm trước khi hạ huyệt, có khi đội kèn phải thổi thâu đêm. “Trước nghề này phải thông qua các chủ trại hòm, nay làm ăn chuyên nghiệp rồi, chủ trại hòm là đối tác, nhiều đám ma cũng tự liên hệ với ban nhạc”-ông nhạc trưởng nói. Cả thành phố có gần 50 đội nhạc kèn, tập trung chủ yếu ở Q.Tân Bình. Tính bình quân có cả ngàn người làm nghề chuyên nghiệp. Không ít người có thể “ăn nên làm ra” từ nghề này. Thu nhập tuy không ổn định vì còn tùy thuộc vào “sô” mỗi ngày nhưng họ vẫn dư sức lo cho gia đình một cuộc sống tương đối đầy đủ. Trung bình, sau mỗi đám tang (lo trọn gói), đội nhạc được trả thù lao từ 3-4 triệu đồng chia đều cho các thành viên. Mỗi ngày thổi vài đám thì coi như “sống khỏe”.
“Nghe qua thì ngon lành, nhưng cái nghề này cũng bạc lắm”-Bình, một tay kèn trẻ nói với tôi. Cũng như những nghề khác trong giới ma chay, nghề thổi kèn sống lặng lẽ. Sau những đám ma xôm tụ là khoảng trống buồn rười rượi, chẳng ai nhớ đến mình. “Ai vào nghề này cũng là vì chén cơm cả, có mấy ai dám tự hào”-anh tâm sự. Cũng là nghệ thuật, đem âm nhạc cống hiến cho mọi người nhưng công việc họ làm không được nhiều người tôn trọng. Bản thân người thổi kèn rất ngại mỗi khi nhắc tới nghề nghiệp mình làm. Có lần nhóm bạn cũ lâu ngày gặp nhau, ai cũng bô bô kể cho nhau nghe nghề nghiệp của mình. Tới lượt anh cũng nói không hề giấu giếm. Lũ tôi được bữa cười quá xá. Có người còn nói “mai mốt tao chết, mày thổi đám ma cho tao nhé. Biết đó chỉ là câu nói vui, nhưng sao vẫn thấy buồn cháy lòng”.
“Con gái tôi không dám nói bố nó là người thổi kèn đám ma. Nó ngại mỗi khi đi cùng tôi tới chỗ đông người quen biết. Có lần con gái tôi mang cuốn sổ liên lạc về nhà. Mọi thông tin nó đều điền đầy đủ ngoại trừ nghề nghiệp của bố. Tôi không trách con vì đó không phải lỗi của nó”-giọng anh rầu rĩ. Những ngày lễ tết, chỉ có anh em trong đội kèn thường ngồi lại với nhau để chia sẻ, động viên nhau yêu nghề, bám nghề để sống.
Bi hài nhạc đám
Bốn giờ sáng, ban nhạc Hướng Dương, một ban có tiếng ở Sài Gòn vừa có mặt trong một con hẻm ở khu Thanh Đa. Ban nhạc 8 người gồm 1 nhạc trưởng, 2 tay trống, 3 người thổi saxophone, 1 người trompet và một người khác ôm cây kèn dài loằng ngoằng phát ra tiếng ù ụ mà tôi không nhớ nổi loại kèn tên gì. Người vắng số là một cụ ông. Nhạc trưởng tên Luân tức thì tung gậy múa dẻo quẹo, gia điệu bài “Tình cha” vang lên đánh thức cả một con hẻm dài ngoằng. Tiếp sau đó là bài “Công đức sinh thành”. Khi đã “vào phom”, một loạt các bài hát khác vang lên, nhạc ta có, nhạc tây có. Tiếng kèn nhạc, tiếng khóc ai oán của gia chủ xoáy vào nhau tít mù, tôi thoáng thấy thái dương mình căng phồng khó thở. Mới đêm trước, ban nhạc ấy còn ngâm nga gia điệu các bài hát “Kiếp ve sầu”, “Đừng xa em đêm nay”, nghe quá đỗi tình tứ. Anh Luân Gòn giải thích: Luật của nhạc đám ma thật ra không có luật! Hầu hết chỉ theo yêu cầu của gia chủ. “Hầu hết gia chủ đều yêu cầu những bài hát người chết thích nghe lúc còn sống”-anh nói. Nếu gia chủ không có yêu cầu gì thì tùy vào hoàn cảnh mà xướng diễn. Ví dụ: Tang xóm nghèo thì chơi nhạc sến, xóm đạo thì chơi nhạc Thánh. Nếu muốn an toàn thì chơi nhạc Trịnh, đám nào cũng hợp. Anh cho tôi biết, bài hát phổ biến nhất trong các đám ma chính là hai bài “Cát bụi” và “Một cõi đi về” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
“Thổi đâu không biết, riêng mấy đám ở Q.4, nhất thiết phải chơi nhạc “quậy”, càng sôi động càng tốt”-anh nói thêm. Hồi trước mới vào không biết, toàn thổi nhạc buồn, bị la riết. Ở những đám ma như vậy, ban nhạc không chỉ có thổi kèn mà nhiều lúc phải buông kèn hát sống. Nhiều đám gia chủ yêu cầu phải chơi nhạc chế, ban nhạc nào cũng thủ sẵn một bụng nhạc chế. Ví như Hoa trinh nữ, có đoạn “... Khi vua kéo quân về, tình cờ gặp một giai nhân...” bị đổi thành “... Khi quân kéo vua về, tình cờ gặp một ca ve...”, hay bài hát Tóc em đuôi gà, có đoạn “... Tóc đuôi gà trong gió, như làm ngây ngất lòng anh...”, bị cải biên thành “... Tóc đuôi gà không có, em buộc... đuôi chó... làm tóc...”. “Nhiều đám mình hát xong họ vỗ tay cười sặc sụa. Biết thế chẳng hay ho gì. Nhưng mình làm dâu trăm họ, người ta thích thế thì phải hát chứ biết làm sao”-anh lắng lòng.
Hướng Dương thì không có nhưng rất nhiều ban nhạc có kèm một đứa trẻ khoảng 9-12 tuổi, dáng người nhỏ thó (thân hình càng nhỏ càng tốt), đầu tóc thì đủ màu sắc, ngồi trên mâm bằng gỗ. Vị “chỉ huy” dùng đầu của mình đội mâm, làm cho nó xoay vòng vòng. Ở phía trên, đứa trẻ ra sức múa may, nhảy tưng tưng để diễn “xiếc”, hoặc trèo lên hòm của người quá cố mà... gào khóc thật thảm thương, đồng thời mặc những loại trang phục mà nhìn vào chẳng biết của... triều đại nào. Anh cũng chẳng biết từ lúc nào, nghi lễ ấy thành một cái “mốt” ở các đám ma, đặc biệt là người chết trẻ. Thường sau mỗi màn trình diễn như vậy, gia chủ phải “bo” thật “đậm” để được nghe nhiều tiếng vỗ tay của “khán thính giả”. Có nhiều đám chơi sang rước một lúc hai, ba ban nhạc luân phiên thổi ngày này qua ngày khác. Vui nhất là đám người Hoa ở khu Chợ Lớn, mỗi gia đình thông gia đến viếng thường mang theo một con heo quay, tiền vàng và thuê hẳn một ban nhạc đi cùng. Ơ các đám giàu có đông con, thông gia càng nhiều thì có lúc mười mấy ban nhạc chạm mặt, vui như vỡ chợ.
Sáu rưỡi sáng, giờ động quan. Anh Luân lại tung gậy, mặt nghiêm trang. Mấy tay kèn bắt đầu phúng má thổi lên giai điệu “Một cõi đi về quen thuộc”. Chiếc quan tài trên lưng họ đạo lắc lư qua con hẻm dài và hẹp. Ban nhạc đi trước như dẫn đường và chuyển bài “Thương hoài ngàn năm”. Quan tài ra đến xe tang đầu hẻm, chuẩn bị lên đường. Ban nhạc xếp hàng ngay thẳng cạnh xe chơi bản chót “Đời phù du” cho đến giờ lăn bánh. Ông chủ ban nhạc cho tôi hay hợp đồng hôm ấy không thổi ở huyệt mộ. Công việc của ban nhạc đến đây là hết. Họ lại “khóa hậu” bằng một bản nhạc ngắn nhưng rất “sôi” mà lần đầu tôi nghe thấy. Chiếc xe lăn bánh, nhạc công vẫy chào tôi, xếp kèn trống lục tục lên đường, kịp theo đám khác. Lạ. Lần đầu tiên tôi có cảm giác đám ma nghiêm trang xúc động đúng nghĩa. Đó là lúc ban nhạc đã rời đi...
Kỳ cuối: Những bí mật trong giới trại hòm