Số phận éo le
Mấy ngày qua gia đình cô Nghiêm Thị Thu trở nên đông đúc, rộn rã tiếng cười. Hàng xóm biết tin con cô, em Lê Đức Duẩn là thủ khoa Trường ĐH Dược Hà Nội với tổng điểm 29 (chưa làm tròn) nên đến chúc mừng và chia vui.
Ngôi nhà cấp bốn của ba mẹ con cô Thu ở xóm Nhị Khê (xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) trống hoác, tường vôi tróc lở. Thứ đáng giá nhất trong ngôi nhà ấy là những tấm giấy khen của Duẩn và em út tên Mạnh cùng chiếc ti vi màu cũ kĩ.
Trong ngày vui vậy mà cô chỉ nước mắt nghẹn ngào khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình. “Năm Duẩn lên 8 tuổi thì anh trai cháu phát bệnh ung thư máu và qua đời sau 3 tháng chạy chữa. Bốn năm sau bố cháu (chú Lê Văn Tản) cũng phát bệnh ung thư gan, chạy chữa khắp nơi rồi cũng bỏ mẹ con tôi mà đi”.
Nước mắt khóc thương chồng con và ốm đau khiến người mẹ trẻ héo hon như tàu lá chuối khố. Cô giờ chỉ nặng hơn 30kg. Lưng đau quanh năm cộng thêm với bệnh dạ dày mấy năm nay và nỗi lo cơm áo nuôi con ăn học khiến cô già hơn nhiều so với tuổi 48 của mình.
Nhà chỉ có 3 sào ruộng, làm không đủ ăn. Đau lưng nhưng cô vẫn gắng gượng đi phụ hồ. Mỗi năm vài tháng, có người trong làng làm đồ mây tre đan xuất khẩu, cô nhận thêm hàng về hoàn thiện cho họ, kiếm lấy 15.000 đồng – 20.000 đồng/ngày mua thức ăn cho gia đình. Tháng nào nhiều thì tổng thu nhập được 500.000 đồng, tháng không có việc thì cô ra đồng hái rau, bắt con ốc bươu vàng về nấu cơm cho các con.
Anh trai mất, Duẩn trở thành con cả, em út là Lê Văn Đạt kém em 7 tuổi.
Những biến cố cuộc đời và hoàn cảnh gia đình vất vả khiến cậu học trò đã lên lớp 12 nhưng chỉ nặng vỏn vẹn 33kg. Đôi mắt và gương mặt em chỉ vào thôi, dù cười đấy mà cũng vẫn đượm buồn.
Lớn lên từ tình thương của mọi người
“Sau khi bố mất, Nhiều lúc nhìn mẹ và em trai vất vả em cũng tính đến bỏ học, đi làm thuê kiếm tiền cho mẹ bớt khổ. Nhưng nhờ người thân và nhà trường động viên nên em càng quyết tâm học tốt, nghĩ đó là cách thoát nghèo bền vững nhất” – Duẩn tâm sự.
Rời sách vở, Duẩn lại giúp mẹ cạp lại quai cho sản phẩm mây tre đan.
Nhà cách Trường THPT Đồng Quan hơn 10km, ngày ngày Duẩn đạp chiếc xe đạp cũ mèm đã mất một bên bàn đạp, lốp thủng phải buộc tạm bằng dây chun, cóc cách tới lớp.
“Có những ngày mưa, tôi đi bán cá về thấy cháu đang bị bộ vì xe thủng săm, không có tiền vá nghĩ tội lắm. Tôi bảo cháu để cả người và xe ngồi lên xe máy chở cá, tôi đèo về nhà” – cô Nguyễn Thị Ngoan, hàng xóm gần nhà em chia sẻ.
Cô bạn cùng lớp 12A1 của Duẩn cho biết: “Nhà xa nên chúng em thường phải ở trường qua trưa, học chiều rồi tối mới về nhà. Các bạn hoặc đem cơm hoặc ra quán ăn. Riêng Duẩn chỉ có cặp lồng cơm với rau muống và rưa cà thôi”.
Nhiều bữa không còn gì để ăn, tiền cũng hết, cô Thu đành sang hàng xóm vay tạm 5.000 -10.000 đồng mua tạm con tép về nấu cho con mang đi học.
Xóm Nhị Khê nghèo khó, vụ chiêm nắng cháy, vụ mùa ngập sâu nhưng lại rất giàu tình người.
Không phải con cháu trong nhà, nhưng bà Nguyễn Thị Vui, 83 tuổi ở cạnh nhà em cứ sụt sùi: “Bà thương mẹ con thằng Duẩn lắm. Quê nghèo chẳng có gì, bữa có bát canh cua bà lại mang sang cho cháu”.
Cô Ngoan cũng hay dấm dúi cho “thằng Duẩn “còi” vài nghìn hay ít tép mang về nấu ăn. Nhìn Duẩn nhà nghèo học giỏi mà “cô chỉ ước các con cô được phần nào của cháu”.
Không có tiền đi học thêm nhưng suốt 3 năm học THPT Duẩn luôn là học sinh giỏi toàn diện. Lớp 10 thi đạt giải ba môn Toán cấp trường, lớp 11 giải Nhì môn cấp trường, giải Nhất môn Lý cấp trường. Lên lớp 12 em tiếp tục giành giải Nhì môn Toán cấp thành phố.
Chị Nguyễn Thị Hường, giáo viên môn Lý, chủ nhiệm lớp 12A1 cho biết: “Ấn tượng đầu tiên của tôi về em là Duẩn rất bé so với tuổi của mình. Em học giỏi Toán, Lý. Duẩn ngoan nhưng ít nói. Có lẽ là do hoàn cảnh nên vậy”.
Rồi chị bùi ngùi kể lại: “Dường như em chỉ biết đến học. Biết nhà em nghèo nên mỗi lần đi chơi bạn bè, thầy cô thường âm thầm giúp, không muốn em phải đóng tiền. Nhưng Duẩn chỉ lắc đầu, nói “em không đi đâu”.
Họ hàng nhà Duẩn cũng nghèo khó nhưng nhiều anh chị học giỏi. Thương em nên sách vở của Duẩn hầu hết các anh chị trong đã học qua tặng lại.
Không phụ tấm lòng của mọi người, Duẩn luôn là học sinh giỏi. Kết quả đạt thủ khoa của Duẩn là quá trình không ngừng nỗ lực của em.
Thằng Dũng, em út của Duẩn mới lớp 6 ngày nào cũng lăng xăng ra đồng bắt cua hay mang cần đi câu cá để cho anh ăn, có sức đi học.
Cô Thu cho biết: “Thương mẹ, học về cháu lại lao vào đan rổ rá giúp cô. Chỉ có tối là cháu học. Nhiều khi tôi phải nhắc nhở vì con học khuya quá cứ sổ mũi rồi ho, ốm”.
Dép đứt đi thi và ước mơ dược sĩ
Nhà nghèo, bữa ăn còn chạy từng bữa huống chi chuyện ăn mặc. Áo quần suốt 3 năm THPT của Duẩn là 2 chiếc áo dài (mùa hè) và 2 áo ấm mùa đông là đồng phục của trường. Tất cả đã sờn, có cái đã rách, phải vá lại. Mùa đông hay hè em chỉ có đôi dép tổ ong đã mòn gót tới trường.
Thương mẹ, ban đầu Duẩn tính thi vào Học viện An ninh nhân dân để gia đình không phải lo học phí và công việc sau này cho em. Nhưng vì Duẩn gầy quá, không đủ cân nên ước mơ ấy đành gác lại.
Lê Đức Duẩn và chiếc xe đạp trên đường tới trường.
“Em chọn thi vào Trường ĐH Dược Hà Nội vì anh trai, bố em mất bị bệnh, mẹ lại đau ốm luôn. Em muốn tìm ra những phương thuốc và cách chữa trị cho họ. Hơn nữa, nếu làm dược sĩ em sẽ thoát nghèo, có điều kiện lo cho mẹ và em”.
Bác Lê Văn Đạt, bác ruột bên nội của Duẩn nhớ lại: “Bữa đi thi cháu đi dép tổ ong đã rách quai. Bác bảo mang tạm đôi dép của bác, Duẩn không nghe. Thi xong mấy đứa con của bác phải lôi đi mua cho dép và cái quần dài mới đấy”
Hay tin con đỗ thủ khoa từ cô Thu đến bà Vui, cô Ngoan, bác Đạt đều rơm rớm lệ mừng. Rồi người mẹ nghèo khó qua mấy tạ thóc trong nhà đã bán hết lấy tiền cho con đi thi ĐH mà người mua chưa kịp đến lấy.
Cô Thu bảo mình vừa đi vay ở hội phụ nữ của địa phương 8 triệu đồng chuẩn bị cho con lên Hà Nội nhập học. Còn sau đó thế nào nữa cô cũng chưa tính được. Chị Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 giọng buồn rầu: “Nếu không ai đỡ, tôi không biết gia đình có lo cho Duẩn theo học tiếp được hay không? Chứ như hiện nay thì chắc không thể rồi”.
Còn Duẩn quyết tâm: “Em sẽ đi làm thêm hoặc gia sư kiếm tiền đi học....”.