Rau Tết sạch vẫn bình ổn giá
Để đáp ứng nhu cầu rau Tết cho thị trường, những nguồn cung cấp rau sạch chủ yếu cho Hà Nội ở Thường Tín, Sóc Sơn, Đông Anh…. những ngày này trở nên tất bật hơn để chuẩn bị hàng hóa, đảm bảo cho thị trường Tết không bị thiếu hụt về rau sạch.
Cuối năm 2014, đầu năm 2015, thời tiết không quá lạnh, ít mưa bão đã tạo điều kiện cho các loại rau, củ, quả phát triển tốt.
Để chuẩn bị rau sạch cho thị trường Tết, đa số các cửa hàng thực phẩm sạch đều tăng cường nhập các loại củ, quả như bí, khoai tây, cà rốt, su hào…. vì những loại thực phẩm này có thể tích trữ được và sẵn có. Còn các loại rau dùng ăn lẩu như cải, cải cúc, cải xoong,.... được “lên ngôi” trong dịp Tết vì lượng tiêu thụ tăng gấp bốn, gấp năm ngày thường.
Chị Phạm Thị Tuyến, chủ cửa hàng thực phẩm sạch “Súp Lơ Xanh” (Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tất cả những loại rau, quả cửa hàng nhập về đều đã qua kiểm định. Rau có nguồn gốc rõ ràng chứ không phải nhập từ những nguồn trôi nổi. Những sản phẩm rau sạch đều được dán tem đảm bảo. Rau sạch thường không tươi mỡ như rau ngoài chợ nhưng ăn ngon và ngọt hơn nhiều”.
Các mặt hàng đu đủ, bưởi vào dịp Tết bán chạy hơn
Chị Tuyến cho hay, tất cả các loại rau đều có giá là 8 nghìn đồng/bó, mỗi bó khoảng 300 – 400 gram, đối tượng tiêu thụ hầu hết là những người có điều kiên.
Không chỉ có cửa hàng rau sạch của chị Tuyến mà đa số những cửa hàng rau sạch khác đều hướng đến những đối tượng khách hàng này vì rau tuy an toàn nhưng giá đắt hơn rau chợ nên sức mua vẫn có phần “ảm đạm”.
Cải bắp sạch cũng được khách lựa chọn để làm dưa muối vào dịp Tết
Bên cạnh việc nhập rau sạch từ những công ty rau sạch trên địa bàn Hà Nội, vào dịp cuối năm, nhiều cửa hàng rau sạch còn tăng cường nhập thêm nhiều loại rau, củ, quả từ những nơi cung cấp thực phẩm sạch nổi tiếng như Đà Lạt, Ninh Thuận, Tiền Giang…
Không chỉ nhập khẩu rau sạch để ăn, nhiều loại rau quả như bắp cải tím, xà lách, cà chua, hay những giỏ quà làm bằng nông sản… còn được dùng làm cây cảnh, giỏ quà để trang trí cho không gian nhà ở trong dịp Tết Ất Mùi sắp tới.
Chị Nguyễn Thị Loan, một nhân viên cửa hàng rau sạch cho biết thường thì rau sạch được bán ở các cửa hàng rau an toàn, được kiểm định chất lượng và có giấy chứng nhận của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội sẽ đắt hơn rau được bán ở ngoài chợ nên sức cạnh tranh sẽ giảm đi. Tuy nhiên người mua sẽ được đảm bảo về chất lượng.
Dự báo, thị trường rau sạch tại các cửa hàng rau hữu cơ an toàn phục vụ Tết nguyên đán Ất Mùi 2015 sẽ có sức mua lớn, giá cả cao hơn ngày thường nhưng ổn định và đặc biệt sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các cửa hàng rau sạch với các loại rau được bày bán ngoài chợ. Rau sạch giá sẽ cao hơn giá rau ngoài chợ dao động từ 5 – 10%.
Anh Nguyễn Văn Khởi, chủ cửa hàng “Thực phẩm Việt” (Hoàng Cầu, Hà Nội), cho biết: Vào dịp Tết, các mặt hàng rau, củ, quả tăng mạnh và được khách lựa chọn nhiều nhất. Tuy nhiên, về giá cả do có sự liên kết với nhà sản xuất rau sạch nên sẽ bình ổn về giá thành, thậm chí khách còn được chiết khấu 5-10% tùy theo sản phẩm.
Thực phẩm sạch như: thịt lợn giá dao động từ 120.000 đồng -150.000 đồng/kg; đặc sản thịt lợn mán khoảng 200.000 đồng/kg. Vào giáp Tết, khoai tây, bắp cải, bí đỏ bán chạy nhất tại cửa hàng. Giá rau cải sạch 10.000 đồng/ 1 bó, cà chua 16.000 đồng/ 5gram.
Khảo sát tại cửa hàng thực phẩm sạch “ 3E Foods”, những ngày này, các mặt hàng như: măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, thịt lợn… được huy động và đắt khách nhất. Anh Nguyễn Hữu Nhã, chủ cửa hàng “3E Foods” cho biết: Nắm bắt được thị hiếu của khách vào dịp Tết, cửa hàng chú trọng vào những thực phẩm như: cà rốt, măng, giò chả… Nhiều gia đình làm cơm Tết hoặc có khách đột xuất sẽ tiện hơn khi mua những thực phẩm có sẵn.
Bí quyết nhận biết rau xanh an toàn
Gọi là rau sạch vì rau được sản xuất, sơ chế, vận chuyển, bảo quản theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Rau không bị hư hại hay được ủ bằng hóa chất độc hại, không có vi sinh vật gây hại cho sức khỏe con người và dư lượng các chất thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng Nitrat NO3, hàm lượng kim loại nặng ở dưới mức cho phép.
Các loại nông sản sạch nhìn bề ngoài không đẹp mắt bằng những loại phun thuốc và sử dụng chất hóa học
Tất cả chủ những cửa hàng rau sạch đều thừa nhận rau sạch thường không bóng bẩy, non mượt như rau được phụ nhiều thuốc kích thích. Thân cây thường không mập, nhưng cũng không quá ốm. Phần lá và thân hơi cứng nhưng ăn sẽ thấy ngọt tự nhiên và không có mùi lạ.
Rau sạch thường rất giòn, trọng lượng nặng, rắn chắc chứ không mền oặt như loại rau trồng bằng phân bón hóa học hoặc thuốc kích thích tăng trưởng. Những loại rau an toàn thường lâu héo, dễ bảo quản, lâu bị hư, nhất là đối với thời tiết lạnh như thế này có thể để rau vài ngày mà không bị úa.
Khi cây bị héo chỉ cần phun nước sơ sơ là cây có thể phục hồi không như rau phun nhiều kích thích hay phân bón hóa học, phun nước vào là cây sẽ hỏng. Đối với rau cải, cải cúc…. chỉ cần sấp nước để qua đêm là rau sẽ bị ủng, rụng lá.
Rau an toàn nhìn bề ngoài không được đẹp mắt như rau được phun thuốc
Đối với những loại củ, quả sạch vì không ngâm thuốc để bảo quản trong thời gian dài nên phần cuống vẫn còn tươi mới. Ngược lại những loại củ quả nhìn thì căng mượt như mới hái nhưng để ý kỹ sẽ thấy phần cuống đã ngã màu héo úa.
Đặc biệt không nên mua rau, củ, quả trái vụ, vì đại đa số những thứ trái vụ năng suất không cao. Để nâng cao năng suất người trồng phải sử dụng nhiều thuốc kích thích, thuốc trừ sâu hay sử dụng phân hóa học với hàm lượng lớn.
Anh Khởi (chủ cửa hàng Thực phẩm Việt) cũng bật mí để phân biệt rau “sạch” và rau “bẩn”: Trên thị trường có 3 loại rau: Rau hữu cơ, rau thị trường và “rau bẩn”.
Rau hữu cơ là loại rau không sử dụng bất cứ chất hóa học nào, nhìn mắt thường thấy rau xấu hơn, không đẹp mắt. Khi chế biến rau ăn giòn, đậm hơn và sợi cứng hơn sợi rau bình thường.
Rau thị trường là loại rau có sử dụng:đạm, lân, kali nhưng trong mức cho phép. Khi phun thuốc, họ thu hoạch rau cách ngày, phun thuốc khoảng 7-10 ngày sẽ thu hoạch và bán ra thị trường. Rau khi sử dụng đạm, lân và thuốc hóa học khi nhìn bằng mắt thường sẽ non hơn, đẹp mắt hơn. Khi chế biến rau sẽ mềm, nhũn.
Cách phân biệt rõ nhất giữa rau an toàn và “rau bẩn” là: trên bao bì của sản phẩm rau an toàn có nguồn gốc, xuất xứ sản xuất rõ ràng, có tem mác.
Anh Nhã ( Chủ cửa hàng "3E Foods") chia sẻ bí quyết về nhận biết thực phẩm an toàn: Mua thịt lợn về các bạn có thể nhận biết bằng cách chần thịt qua nước sôi trước khi xào, nấu. Nếu lợn ăn nhiều cám, thuốc tăng trọng khi chần nước sẽ sủi bọt màu đen, đậm. Nếu lợn ăn ít cám đậm đặc khi chần qua nước sẽ sủi bọt trắng hoặc màu ghi.