Nhu cầu rau của toàn Thành phố Hà Nội khoảng 2.000 – 3.000 tấn/ngày, trong khi mức cung cấp rau an toàn đạt khoảng trên 290.000 tấn/năm. Do đó, nhu cầu về rau an toàn cho người dân Hà Nội là rất bức thiết.
Trong những năm qua, Hà Nội đã đầu tư nhiều công sức để phát triển các dự án sản xuất, cung ứng rau an toàn nhưng chưa bền vững, chưa xây dựng được hương hiệu sản phẩm đạt được niềm tin của người tiêu dùng.
Chất lượng rau tại các chợ đầu mối Hà Nội khó kiểm soát
Số liệu thống kê của UBND Thành phố Hà Nội cho thấy, với dân số khoảng 9 triệu người, nhu cầu sử dụng rau toàn thành phố lên đến 2.000 – 3.000 tấn/ngày.
Trong khi đó, ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho hay, đến năm 2013, thành phố có 4.500 ha rau an toàn, sản lượng ước đạt 290.000 tấn/năm. Năm 2014 vừa qua, Thành phố cũng đã rà soát và định vị được thêm 500 ha ra an toàn để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, mức sản lượng này chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu rau xanh toàn thành phố. Nếu tính chung về sản lượng rau Hà Nội tự cung ứng thì con số này lên tới 60% nhu cầu của người dân. Còn lại 40% được đưa về từ các tỉnh gần Hà Nội như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hưng Yên.
Đáng chú ý, ngoài các nguồn trên, mỗi ngày có khoảng 200 tấn rau, củ Trung Quốc đưa về các chợ đầu mối rau của Hà Nội. Từ đó, phân phối ra hệ thống các chợ dân sinh trên toàn thành phố.
Nhận định về chất lượng rau tại 6 chợ đầu mối của Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, các loại rau củ tiêu thụ tại đây đều không được kiểm soát về an toàn thực phẩm và nguồn gốc, xuất xứ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cũng cho hay, trong thời gian qua, kết quả xét nghiệm một số sản phẩm rau có hàm lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đã gây lo ngại cho người tiêu dùng. Do đó, cần có giải pháp nâng cao chất lượng, đem lại niềm tin cho người tiêu dùng, đặc biệt là trong việc vận hành chuỗi cung ứng rau an toàn cần rõ ràng, minh bạch.
Rau an toàn tại Hà Nội sẽ được truy xuất nguồn gốc
tới tận ruộng sản xuất. Ảnh: Bảo Anh
uy nhiên, sản xuất rau an toàn trong những năm qua lại khó phát triển. Hà Nội đã có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các cửa hàng bán rau an toàn như hỗ trợ kinh phí thuê mặt bằng… nhưng không vẫn rất khó phát triển. Khoảng hơn 60 điểm bán rau an toàn nhưng lượng tiêu thụ trung bình chỉ đạt con số rất nhỏ là 50kg - 100kg/ngày.
Ông Nguyễn Duy Hồng Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội nhận định, có tới 180.000 hộ sản xuất rau an toàn tại TP Hà Nội nhưng chủ yếu manh mún. Còn về các tổ chức hợp tác xãrau an toàn thì hầu hết là kiểu cũ, không có nhiều vai trò trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ.
Thành lập Ban điều phối Chương trình cung cấp rau an toàn cho Hà Nội
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) vừa có quyết định số 15 về việc thành lập Ban điều phối và Tổ công tác giúp việc Ban điều phối Chương trình cung cấp rau, thịt an toàn cho Thành phố Hà Nội do đích thân Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám làm Trưởng ban, ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm Phó Trưởng ban. Ngoài ra còn có nhiều đại diện các ngành liên quan và đại diện của 21 Sở NN-PTNT của 21 tỉnh, thành phố phía Bắc. Điều này thể hiện sự quyết tâm của Bộ NN-PTNT và TP Hà Nội trong việc cung cấp đủ nguồn rau an toàn cho người tiêu dùng.
Trước đó, Bộ NN-PTNT xây dựng Đề án chuỗi cung cấp rau an toàn cho TP Hà Nội giai đoạn 2015-2020 với kinh phí dự kiến lên tới 950 tỷ đồng.
Mục tiêu Bộ Nông nghiệp đặt ra là đến năm 2020, tất cả sản phẩm rau an toàn khi đưa đi tiêu thụ, bán lẻ phải được dán tem nhận diện “Rau an toàn”, có mã số để tra cứu và truy xuất nguồn gốc. Về sản lượng, sẽ đáp ứng được trên 80% nhu cầu tiêu dùng rau an toàn cho toàn TP. Đề án khắc phục những tồn tại hiện nay trong khâu tiêu thụ, với mục tiêu 80% sản lượng rau an toàn của xã viên được tiêu thụ thông qua doanh nghiệp.
Một nguyên nhân khiến cho rau an toàn chưa có chỗ đứng bền vững tại thị trường Hà Nội theo đánh giá của ông Nguyễn Duy Hồng do niềm tin của người tiêu dùng bị giảm sút do rau an toàn bị trà trộn. Do đó, điều đặc biệt trong đề án là tránh tình trạng trà trộn, trá hình rau an toàn như hiện nay, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng vào rau an toàn, đề án đặt mục tiêu sẽ quy định bắt buộc các cơ sở được cấp Giấy chứng nhận kinh doanh rau an toàn phải bán 100% rau, củ an toàn, truy xuất được nguồn gốc.
Về phía các doanh nghiệp sản xuất rau an toàn, việc lấy lại niềm tin của người tiêu dùng cũng đang được đặc biệt chú trọng, hiện tại nhiều doanh nghiệp đã thử nghiệm và đưa vào vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc rau an toàn tới từng thửa ruộng sản xuất.
Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Marketing thương hiệu rau sạch Liên Thảo cho hay: “Chúng tôi đã đầu tư hệ thống truy xuất nguồn gốc tới từng ruộng sản xuất của người dân chứ không chỉ truy xuất tới vùng sản xuất như trước đây”. Theo bà Nguyễn Thu Hà, điều này sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt nhất chất lượng rau của từng hộ sản xuất, mỗi thửa ruộng đều được công ty này cắm biển mã ruộng và quản lý trên hệ thống. Từ đó truy xuất được ruộng nhà ai, sản xuất sản phẩm gì và quy trình sản xuất ra sao. Ngoài ra, trên mỗi bó rau đều được dán tem C/O (tem truy xuất nguồn gốc) để người tiêu dùng có thể tra cữu mã tem trên hệ thống website của công ty để biết được xuất xứ sản phẩm rau mình đang dùng, bà Nguyễn Thu Hà cho hay.