Một quyết định “hỏa tốc” của UBND TP Hà Nội vừa được đưa ra với nội dung yêu cầu Sở GD-ĐT phối hợp với các quận, huyện, thị xã chỉ đạo phòng GD-ĐT và các trường THCS trên địa bàn thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2015-2016 khiến dư luận xã hội hết sức bất ngờ.
Điều đặc biệt gây sự chú ý của hàng nghìn phụ huynh là trong quyết định đề nghị Sở GD-ĐT yêu cầu tất cả các trường THCS trên địa bàn thành phố tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển. Tuyệt đối không trường nào được tổ chức thi tuyển và khảo sát học sinh theo bất kỳ hình thức nào đầu năm học.
Quyết định gấp rút của UBND TP Hà Nội được đưa ra đã “bãi bỏ” sự thống nhất của Sở GD-ĐT thành phố chỉ diễn ra trước đó vài giờ về phương thức tuyển sinh lớp 6 năm học 2015-2016 của 3 trường THCS: Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh và Marie Curie với phương thức xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực học sinh.
Khi tuyển sinh vào lớp 6 được quyết định bằng hình thức xét tuyển cũng là lúc chúng ta
nhìn lại việc đánh giá học sinh Tiểu học theo Thông tư 30 (ảnh minh họa)
Như vậy là bắt đầu từ năm học 2015-2016 này, những trường THCS có số lượng hồ sơ nhiều hơn chỉ tiêu sẽ phải thực hiện nghiêm túc “lệnh cấm” của Bộ GD-ĐT là không được tổ chức thi tuyển hay khảo sát học sinh đầu năm học.
Trước hết, phải khẳng định, “lệnh cấm” tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6 của Bộ GD-ĐT đưa ra hoàn toàn có cơ sở khi mà trong những năm gần đây diễn ra tình trạng học sinh “học lệch”, “học tủ”, chỉ tập trung học các môn văn hóa mà quên đi việc rèn luyện một cách toàn diện về nhân cách, lối sống, đạo đức…
Đặc biệt vấn đề này trở nên bức xúc khi mà có phụ huynh vì muốn con được học những trường THCS “danh tiếng” đã sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để tìm thầy giỏi, trường tốt ôn luyện cho con ngay từ khi các cháu mới chỉ học lớp 2, 3. Điều này đã dẫn đến tình trạng học thêm-dạy thêm ở một số thành phố lớn diễn ra tràn lan, khó kiểm soát.
Tuy nhiên, điều đáng bàn là UBND TP Hà Nội yêu cầu các trường THCS thực hiện phương án chính thức tuyển sinh đầu cấp học chủ yếu tập trung vào xét tuyển. Nếu phương thức xét tuyển dựa chủ yếu vào đánh giá trình độ, năng lực của học sinh ở cấp Tiểu học, nhiều nhà giáo, nhà khoa học và cả phụ huynh vẫn chưa hết lo lắng, băn khoăn về hình thức này.
Những trăn trở trên hoàn toàn có cơ sở nếu chỉ dựa vào xét tuyển học bạ cấp Tiểu học không chính xác vì phụ huynh có thể “xin”, “chạy” thầy cô giáo để con có học bạ đẹp nhằm được xét tuyển vào các trường THCS “uy tín”.
Ngoài ra, cho đến nay, chúng ta chưa có đánh giá cụ thể, chính xác, khách quan về việc thực hiện không chấm điểm học sinh ở cấp Tiểu học sau khi các trường thực hiện Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, trong đó có quy định không dùng điểm số đánh giá thường xuyên đối với học sinh.
Những bất cập trong nhận xét, đánh giá học sinh
Chắc chúng ta vẫn còn nhớ, cuối tháng 1/2015, Hội nghị sơ kết trực tuyến học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II cấp Tiểu học năm học 2014-2015 do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức đã diễn ra không như mong đợi. Thay vì không khí sôi nổi, đóng góp nhiệt tình là sự im lặng khó hiểu của hơn 700 hiệu trưởng các trường Tiểu học đối với Thông tư 30.
Phải chăng sự im lặng khó hiểu của hơn 700 hiệu trưởng các trường Tiểu học ẩn chứa những bất cập trong việc nhận xét, đánh giá học sinh thay vì không dùng điểm số?
Sau một thời gian thực hiện Thông tư 30 đã cho thấy, không phải ngày nào giáo viên cũng có đủ thời gian để ghi nhận xét tất cả học sinh trong lớp. Đặc biệt là tại các trường học ở tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP HCM, mỗi lớp học thường rất đông (từ 50 đến 60 học sinh).
Áp lực về thời gian, công việc, cuộc sống gia đình khiến trung bình mỗi ngày, giáo viên chỉ nhận xét được từ 1/3 đến 1/2 học sinh trong một lớp (bao gồm cả học sinh có năng lực học tập giỏi, trung bình và yếu) cho cả hai môn học Toán và Tiếng Việt. Những học sinh còn lại không có nhận xét của giáo viên trong ngày hôm đó.
Mặc dù những học sinh chưa được nhận xét của ngày hôm nay sẽ được giáo viên nhận xét tiếp ở những ngày tiếp theo trong tuần nhưng sự quay vòng nhận xét phải từ 2-3 ngày sau mới đến lượt các em. Như vậy, việc nhận xét, đánh giá kiến thức, kỹ năng cho 1 học sinh sẽ không liên tục.
Đối với giáo viên chủ nhiệm trực tiếp giảng dạy Toán và Tiếng Việt thì việc nhận xét là như vậy. Còn với những giáo viên giảng dạy các môn học Năng khiếu như: Thể dục, Họa, Nhạc đang bị rơi vào tình trạng “rối bời” vì quản lý quá nhiều sổ sách khi phải ghi nhận xét cho từ 750 đến 1.000 học sinh của 15 đến 20 lớp học của một trường có từ 50-60 học sinh/lớp. Vì phải kiêm nhiệm giảng dạy nhiều lớp, giáo viên không thể nhớ hết năng lực rèn luyện, học tập của tất cả học sinh trong cùng một lớp học.
Về phía Ban giám hiệu nhà trường cũng rất khó khăn trong việc quản lý hồ sơ, học bạ của tất cả các khối lớp và nhiều môn học khác nhau.
Thông tư 30 ra đời khiến chúng ta đặt câu hỏi là liệu có thể chỉ áp dụng ở tất cả các trường Tiểu học dân lập chất lượng cao, mô hình trường học mới có ít học sinh (có khoảng từ 30 em trở xuống)? Nếu áp dụng đại trà ở các trường công lập như tại một số tỉnh, thành có số lượng dân cư đông như ở Hà Nội và TP HCM thì liệu rằng, những nơi này có quyết tâm nâng cấp, đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng trường, lớp học hay không? Đặc biệt là ngành GD-ĐT ở những nơi có địa bàn đông dân cư có “mạnh dạn” giãn sĩ số ở mỗi một lớp học ở các trường công lập xuống còn 25-30 học sinh hay không?
Quyết định “hỏa tốc” của UBND TP Hà Nội với yêu cầu tất cả các trường THCS chỉ thực hiện tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển được đưa ra trong lúc mùa tuyển sinh đang đến gần cần phải đi kèm với những hướng dẫn, giải pháp cụ thể, hiệu quả.
Nếu phương thức xét tuyển dựa chủ yếu vào đánh giá năng lực, trình độ của học sinh ở cấp Tiểu học thì chắc chắn thành phố Hà Nội và ngành Giáo dục thủ đô phải nhìn nhận lại, đánh giá nghiêm túc quá trình thực hiện Thông tư 30 khi mà chúng ta đang thực hiện Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo”.