Không đồng thuận, dễ mâu thuẫn
Theo quy định của Bộ Luật Dân sự (BLDS) hiện hành: “Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia, nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”. Kết quả khảo sát được đưa ra trong đánh giá tác động Dự án BLDC (sửa đổi) của Bộ Tư pháp cho thấy: Thông qua 1099 đối tượng cho ý kiến về việc “khi người vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung di chúc chung có cần thiết có sự đồng ý của bên kia không?” cho thấy những quan điểm trái ngược nhau: 65,1% ý kiến thẩm phán được hỏi cho rằng việc sửa đổi, bổ sung di chúc không cần thiết phải được người kia đồng ý, còn ý kiến của chuyên gia pháp luật đồng ý với phương án này là 72,7%. Ngược lại đa số người dân (72,4%) lại cho rằng pháp luật cần quy định khi một người muốn sửa đổi di chúc chung, phải được sự đồng ý của bên kia.
Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành BLDS cho thấy, trường hợp việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung đạt được do cơ sự đồng thuận giữa vợ và chồng thì sẽ không làm phát sinh những vấn đề pháp lý cần phải giải quyết. Tuy nhiên, nếu vợ, chồng không có sự đồng thuận thì rất dễ gây nên xung đột về quyền lợi giữa hai người, dẫn tới mâu thuẫn và căng thẳng trong quan hệ vợ chồng, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Khắc phục bất cập nêu trên, Dự thảo Bộ luật quy định: Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Nếu người kia không đồng ý thì mỗi người có quyền lập di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
Khắc phục tình trạng chia thừa kế nhiều lần đối với di sản
Về hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng BLDS hiện hành quy định: “Di chúc chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết”. Theo Bộ Tư pháp, quy định này hiện đang làm phát sinh nhiều hạn chế, bất cập. Điển hình là từ quy định này, phải thực hiện chia thừa kế nhiều lần đối với di sản của người vợ hay người chồng chết trước. Vì trong thực tế đời sống xã hội, một cá nhân có thể có nhiều tài sản, bao gồm tài sản riêng của cá nhân và tài sản chung của vợ, chông… Nếu xác định di chúc chung có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết, thì sẽ có ít nhất hai lần “chia thừa kế” đối với di sản của người vợ hay người chồng chết trước. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người thừa kế của người chết trước, làm phức tạp thêm tính chất của vụ việc mà còn gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc giải quyết tranh chấp thừa kế.
Quy định về di chúc chung vợ, chồng: Quá nhiều bất cập (Ảnh minh họa)
Quan trọng hơn, theo Bộ Tư pháp luật, quy định nói trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ hay người chồng chết trước và làm ảnh hưởng đến thời hiệu khởi kiện thừa kế đối với di sản của người chết trước.
Để khắc phục những bất cập nêu trên. Dự thảo Bộ luật quy định theo hướng, trong trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật, nếu vợ, chồng có thỏa thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết, thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó, thay cho quy định hiện hành là di chúc chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định nói trên sẽ giúp người dân giảm thiểu những chi phí trong việc thực hiện quyền định đoạt cá nhân khi để lại di sản, sự bình đẳng giữa những người thừa kế về hướng di sản và sự ổn định của các giao dịch liên quan đến di sản được định đoạt trong di chúc chung.