Tất nhiên con số 30 tỷ chỉ để có quyền phát sóng giải AFF Cup 2012 khiến nhiều đài phải suy nghĩ đắn đo. Chẳng hạn đối với người hâm mộ Việt Nam, thì cũng chỉ quan tâm chủ yếu mấy trận mà thầy trò Phan Thanh Hùng ra sân, cũng ít người nhiệt tình theo dõi những trận đấu cỡ Lào gặp Campuchia.
Nhưng vấn đề ở đây là bán trọn gói, chứ không có kiểu “xé lẻ” để mua. Bởi vậy tình hình là các đài ngồi lại với nhau, “mặc cả” với đơn vị nắm giữ bản quyền truyền hình để hy vọng cái giá 30 tỷ rút xuống cho vừa túi tiền.
Nếu đối tác vẫn quyết tâm giữ giá thì sao? Khả năng người hâm mộ “nhịn” AFF Cup là hoàn toàn có thể.
Nhiều người so sánh bản quyền AFF Cup và bản quyền EURO, bản quyền giải Ngoại hạng để đặt vấn đề là liệu có một cuộc tranh giành nào hay không? Tất nhiên, điểm khác biệt giữa một giải đấu Đông Nam Á và một giải đấu tầm cỡ như EURO, Premier League không chỉ là vấn đề chất lượng mà còn là câu chuyện về nhu cầu.
AFF Cup là một giải đấu mà nếu đối tác nắm bản quyền không chịu hạ giá thì họ cũng… chẳng bán được cho ai nên khả năng hạ giá cũng là rất lớn. Đây là lúc các nhà đài cần nắm tay, ngồi lại với nhau để đàm phán thay vì chơi chiêu độc nhằm “độc quyền” hình ảnh đội tuyển ở AFF Cup khiến cho người hâm mộ một lần nữa ngơ ngác.
Tiền - ở đây là ngoại tệ vẫn chảy ra nước ngoài còn người hâm mộ lại chưa chắc được xem miễn phí đội tuyển thi đấu.
Đó là cách để ĐTVN không bị đối tác nước ngoài coi là con vịt béo để… vặt lông.
Tuy nhiên, cũng thời điểm này, người ta nhắc đến hiện tượng “vặt lông” lẫn nhau xung quanh câu chuyện về đội tuyển.
Khu liên hợp thể thao Quốc gia, có sân Quốc gia, tất nhiên là phải phục vụ những vấn đề liên quan đến Quốc gia. Trong trường hợp này là Đội tuyển Quốc gia.
Vấn đề là ở chỗ, cái sân ấy mỗi năm chỉ phục vụ chưa đến 10 trận bóng của đội tuyển. Trong khi đó để duy tu bảo dưỡng công trình đã từng tốn hơn 50 triệu USD cách đây 9 năm, người ta phải bỏ ra gần 10 tỷ đồng.
Hiển nhiên đó là tiền nhà nước, mấy năm nay, khu Liên hợp thể thao quốc gia trở thành đơn vị sự nghiệp có thu. Hiểu nôm na là được nhà nước giao cho hệ thống cơ sở vật chất để làm… dịch vụ, từ đó lấy tiền bảo dưỡng, nộp ngược lại ngân sách.
Dịch vụ và nghĩa vụ đôi khi là rất xa nhau.
Cũng khó có thể nói Ban quản lý sân “bắt chẹt” hay gây khó cho VFF khi đưa ra giá cao. Ở đây là câu chuyện đồng tiền, nói theo cách dí dỏm thì “tôi thương họ - ai thương tôi”.
Đôi khi chỉ có thể đòi hỏi trách nhiệm tuyệt đối thì có những điều kiện miễn phí tuyệt đối.
Bởi vì lâu nay, khi đội tuyển thi đấu ở sân nhà thì vẫn là cơ hội để… vặt lông.