Phút xé lòng của người bố thấy con trai bị tường đè chết

Nam, Thành, Dũng, Bảo đều là những đứa trẻ con ngoan trò giỏi. Chỉ trong tích tắc, các cháu đã phải bỏ mạng, để lại nỗi đau tột cùng cho người thân.

Một ngày sau khi xảy ra vụ sập tường tại xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) khiến 4/5 cháu nhỏ tử vong là Bùi Văn Nam (SN 2004), Trương Văn Thành (SN 2003), Phạm Văn Dùng (SN 2001) và Bùi Phạm Lương Bảo (SN 2004), thôn Quang Hợp, xã Quang Trung, nơi gia đình 4 cháu nhỏ xấu số cư trú, chìm trong đau đớn tột cùng khi cả 4 cháu tử vong, nhà chỉ cách nhau chừng vài trăm mét.

Kiếp mồ côi mẹ và cảnh "gà trống nuôi con"

Gia đình anh Bùi Lương Việt (SN 1977, bố đẻ cháu Bảo) có lẽ là một trong những hộ bất hạnh nhất. “Mẹ nó mất khi nó mới được gần 6 tuổi nên rất thiếu thốn tình cảm. Nhà nghèo, bố phải đi làm ăn xa, cháu ở với bà nội từ nhỏ nhưng học rất giỏi”, một người thân kể về cháu Bảo. Trong ngôi nhà mái kè dột nát rộng chưa đầy 20m2, bàn thờ cháu Bảo đặt giữa nhà.

Anh Việt buồn bã kể, anh cưới vợ từ năm 2001, hai năm sau, cháu Bảo được sinh ra. Để lo cuộc sống mới, anh Việt đưa vợ con vào miền Nam ở và làm ăn. Khi cuộc sống bắt đầu ổn định, có của dư giả thì bất hạnh bắt đầu ập xuống khi vợ anh được phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo. Mọi tài sản trong gia đình, anh Việt đều bán để lấy tiền mua thuốc điều trị bệnh cho vợ, bản thân anh phải làm việc cật lực hơn trước nhưng tất cả đều vô vọng.

Cả bốn cháu nhỏ tử vong đều đang học tiểu học, gia cảnh hết sức khó khăn.

Năm 2008, vợ anh Việt qua đời, khi đó Bảo mới gần 6 tuổi. Vượt qua nỗi đau, sống cảnh gà trống nuôi con, sau khi lo việc 49 ngày cho vợ xong, anh Việt đưa cháu Bảo về quê ở với bà nội, còn anh ở lại làm việc. “Bảo là cháu đầu và cũng là đứa con duy nhất của vợ chồng tôi. Hiện, cháu đang học lớp 4, năm nào cũng được học sinh tiên tiến. Suốt mấy năm sống xa nhà nhưng ngày nào bố con tôi cũng liên lạc qua điện thoại. Bảo hứa với tôi rằng, cháu sẽ cố gắng học giỏi và sau này thành đạt để nuôi bà, nuôi bố”, anh Việt tâm sự.

“Dù vợ đã qua đời từ lâu và nhiều người khuyên Việt nên cưới thêm vợ để cuộc sống đỡ vất vả, nhưng Việt không nghe vì tính nó thương vợ, thương con lắm, chẳng mấy khi nghĩ cho bản thân”, bà nội của Bảo nói.

Buổi sáng hôm xảy ra tai nạn, anh Việt đang làm bốc vác thuê gần nhà. “Buổi sáng hôm đó tôi có linh tính điều gì đó không lành nhưng vì miếng ăn nên vẫn phải đi làm, Bảo ở nhà với bà nội. Đang bốc được gần hết 2 tấn hàng thì bất ngờ điện thoại tôi reo chuông rồi báo về gấp, tưởng cháu chỉ bị nhẹ chứ ai ngờ…”, anh Việt đau buồn kể lại.

Sau khi chạy ra, 4 cháu nhỏ vẫn đang bị bức tường đè lên người, anh Việt như chết đứng khi chứng kiến con trai mình nằm bẹp dưới đống đất đá nhưng vẫn cố tỏ ra mạnh mẽ, cùng người dân bới móc gạch đá đưa các cháu nhỏ ra ngoài. “Người thì lấy xẻng đào, người thì tập trung khiêng từng tảng đá lớn hàng mấy tạ. Hi vọng các cháu vẫn còn sống nên ai ai cũng cố gắng bốc vác. Nhưng rồi tất cả đều tắt hi vọng khi từng cháu được đưa lên đều bị thương rất nặng, 2 cháu chết tại chỗ, 2 cháu đưa đến bệnh viện cũng tử vong sau đó. Bậc làm cha làm mẹ, chứng kiến con mình như thế làm sao mà chịu nổi”, bác Bình, một người dân nói.

Bà nội bất lực nhìn cháu kêu cứu

Tại gia đình anh Trương Văn Dũng (39 tuổi, bố đẻ cháu Thành), cách gia đình anh Việt chừng 100m, sự đau xót và tiếc thương cho phận đời ngắn ngủi của Thành vẫn thể hiện trên từng nét mặt của người thân. Đặt giữa nhà, bàn thờ Thành nghi ngút khói hương, nằm phía bên trong, chị Diện (mẹ của Thành) vật vã, khóc ngất vì mất con.

Chị Diện (mẹ cháu Thành) khóc ngất suốt mấy ngày nay trước cái chết thương tâm của con trai mình.

Thành là con đầu và duy nhất của vợ chồng anh Dũng. Nhà nghèo, cuộc sống khó khăn nên vợ chồng anh Dũng thường xuyên đi làm ăn xa, để Thành ở nhà sống với ông bà nội. Dù tuổi còn nhỏ nhưng Thành đã tỏ ra là một đứa trẻ thông minh, chịu khó giúp việc ông bà nội và học giỏi, hiện Thành đang học lớp 4. “Vợ chồng tôi ra Hà Nội đi làm thuê từ mấy năm nay nên từ nhỏ, Thành đã sống tự lập với ông bà nội, bản thân cháu rất ngoan, nghe lời ông bà, bố mẹ”, anh Dũng tâm sự.

Vợ chồng anh Dũng về quê thăm con được vài ngày thì sự việc trên xảy ra. Anh Dũng kể, hôm đó, anh Dũng và vợ đang đi công việc ở xóm bên, Thành ở nhà chơi với ông bà. “Tôi biết khu vực bờ tường đó rất nguy hiểm nên đã nhiều lần nhắc cháu không ra đó chơi, cháu cũng đã nghe lời nhưng ai ngờ lúc tường sập cũng là lúc con tôi và mấy đứa trẻ đang ngồi đó”, anh Dũng nói thêm.

Có lẽ với bà Trương Thị Khoảnh (bà nội của Thành), nỗi đau vẫn còn ám ảnh mãi, bởi bà Khoảnh là một trong những người đầu tiên đến hiện trường. Bà Khoảnh, hôm đó là ngày thứ bảy nên Thành được nghỉ học, hai bà cháu đưa nhau sang nhà hàng xóm chơi. Bà Khoảnh đang ngồi trong nhà, còn Thành chơi cùng mấy đứa bạn cùng lứa ở ngoài đường. Khi chưa kịp uống hết ly nước thì bà Khoảnh bất ngờ nghe thấy tiếng tường đổ. “Tôi chạy ra thì thấy cháu tôi và mấy đứa trẻ đang bị vùi dưới đống gach đá, rồi tôi chẳng biết gì nữa, lao vào lôi cháu ra nhưng không thể, mấy đứa trẻ chỉ kịp ú ớ một vài tiếng rồi chết trước sự bất lực của chúng tôi. Tại sao tuổi già như chúng tôi không chết thay cho mấy đứa trẻ chứ…”, bà Khoảnh đau buồn nói.

Anh Dũng, bà Khoảnh (bố và bà nội cháu Thành) vô cùng đau buồn trước cái chết thảm của cháu.

Ông Bùi Văn Lương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quang Trung cho biết: “Tất cả gia đình 4 cháu nhỏ đều trong diện rất khó khăn, nhà đơn người. Bước đầu, chính quyền địa phương đang cố gắng cùng với gia đình lo mai táng cho các cháu, việc giúp đỡ họ thì rất cần sự chung tay của cả cộng đồng”.

Không chỉ gia đình cháu Bảo, cháu Thành, mà 2 gia đình có con cháu chết trong vụ việc trên cùng đều rất khó khăn và đau xót. Cả 4 đứa trẻ tử vong đều là những con ngoan, trò giỏi…