Từ câu chuyện đắng lòng của số 1...
Thời chiến, phụ nữ tham gia thể thao đỉnh cao chẳng ít và không ít người gặt hái được thành công trên đấu trường trong nước và quốc tế. Nhưng thời đó, mọi lĩnh vực, mọi nhiệm vụ đều phục vụ cho công cuộc xây dựng, thống nhất đất nước, nên thể thao chủ yếu vẫn là phong trào, nâng cao sức khỏe cho toàn quân, toàn dân. Chẳng hề có khái niệm ngôi sao và cũng chẳng ai bàn tới chuyện thiệt hơn vào thời ấy...
Thực tế là cũng tới tận bây giờ, thời của kinh tế thị trường với "thước đo" là giá trị vật chất, thì những thiệt thòi mà phụ nữ phải chịu trong thể thao mới trở nên rõ ràng hơn. Và trường hợp đầu tiên được báo giới ghi nhận chính là gương mặt được tôn vinh là số 1 của Thể thao Việt Nam - nữ VĐV điền kinh Trần Thị Soa.
Trưởng thành từ chính phong trào "Vai trăm cân, chân nghìn dặm", cô gái sinh ra tại tại xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh từng làm các chuyên gia thể thao phải choáng váng khi không hề được đào tạo bài bản, nhưng vẫn đủ sức thống lĩnh mọi đường đua. Với đôi chân trần phá mọi kỷ lục trên các đường chạy 800m; 1.500m và 3.000m cấp quốc gia, năm 1980, nữ VĐV Hà Tĩnh này được tham gia tranh tài tại Olympic Moscow và được báo giới trong nước bầu chọn là VĐV tiêu biểu toàn quốc số 1, khi lần tiên cuộc bầu chọn được tổ chức.
Nhưng rồi khi mọi ánh hào quang cùng tắt, cái tên Trần Thị Soa cũng mờ dần trong ký ức của những con người và những lời hứa hẹn. Bây giờ người ta chỉ biết đến một bà Soa làm lao công ở sân Vinh với gia cảnh nghèo khổ. Rồi "nữ hoàng chân trần" phải hơn 20 năm mới lại được đặt chân lên đường phố Hà Nội, nơi bà từng chinh phục nhiều kỷ lục nhờ đến Đại hội Hiệp hội điền kinh Việt Nam năm trước có lời mời ôn cố tri tân.
Nói với báo chí, bà bảo rằng lúc còn trẻ mình chỉ biết một điều duy nhất là cống hiến cho môn điền kinh xứ Nghệ, cho ngành Thể thao Việt Nam. Nay bà vẫn cố sống để giữ lấy những tình cảm tốt đẹp của những người đã cảm thông đến gia cảnh ngặt nghèo của mình... cái gia cảnh mà chẳng ai nghĩ lại đến với người từng là số 1 của cả nền thể thao quốc gia.
... Đến những “bóng hồng” trên sân cỏ
Câu chuyện đắng lòng của bà Soa cũng là câu chuyện điển hình cho thể thao Việt khi chuyển từ cơ chế bao cấp sang thị trường. Thế nhưng, ngay cả khi nền thể thao chuyển sang mô hình chuyên nghiệp, sự thiệt thòi của phụ nữ cũng chẳng hề giảm, nếu không muốn nói là càng có chiều hướng gia tăng tới mức phi lý, mà câu chuyện dài tập của bóng đá nữ là ví dụ điển hình.
So với những nam đồng nghiệp, các cô gái đá bóng Việt Nam đã gặt hái tất cả những vinh quang, đứng đầu khu vực Đông Nam Á, 6 lần vô địch SEA Games và lúc này là cận kề giấc mơ lần đầu tham dự World Cup. Thế nhưng, những gì mà các nữ cầu thủ được đãi ngộ so với thứ mà họ cống hiến thì quá nhỏ nhoi. Một giải VĐQG quanh quẩn cả chục năm nay chỉ có 6 đội tham dự với những khán đài trống vắng. Bóng đá nữ - ai cũng khen ngợi, tôn vinh, nhưng để tìm nguồn tài trợ chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Ai cũng biết, bóng đá nữ là thứ gần nhất để bóng đá Việt Nam tiệm cận với mặt bằng châu lục, thế giới, chỉ có điều chưa bao giờ, bóng đá nữ được đầu tư cho đúng những gì mà những cầu thủ nữ đã đóng góp.
Thay cho lời kết
Là phụ nữ và làm đầy đủ các thiên chức của người phụ nữ - đó là mong ước lớn nhất, cháy bỏng của bất kỳ người phụ nữ nào, ở lĩnh vực nào. Thể thao Việt Nam cũng chẳng là ngoại lệ, bởi có được thành công như hôm nay, phụ nữ còn đóng góp còn... hơn cả nửa còn lại. Chỉ tiếc, có ai nhớ đến phụ nữ thể thao, nếu không có ngày... 8-3!