Phạt vì dùng ít điện: Chỉ bảo vệ người... bán!

Nhiều ý kiến cho rằng quy định "dùng điện ít cũng bị phạt" đi ngược lại với quy luật thị trường và thiệt cho người dùng.

Bộ Công Thương vừa soạn thảo nghị định hướng dẫn Luật Điện lực (sửa đổi). Theo đó, bổ sung quy định bên mua điện sử dụng điện thấp hơn 50% công suất trong biểu đồ phụ tải được đăng ký trong hợp đồng mua bán điện cũng bị xem là vi phạm và sẽ bị phạt. Lý do đưa ra quy định này là nhằm tránh lãng phí đầu tư trong trường hợp bên mua điện đăng ký công suất cao nhưng thực tế lại dùng rất thấp.

Tuy nhiên, khi văn bản vừa ráo mực, nhiều người đã bày tỏ sự không đồng tình với quy định mới này và cho rằng đây là những "quy định trên trời", nếu áp dụng sẽ thiệt cho khách hàng.

Khách hàng là thượng đế vậy mà sự trách nhiệm, chăm sóc của ngành điện đối với người dùng thì không thấy, chỉ nhăm nhăm bắt chẹt người dùng. Lẽ ra các thông tư mới phải nhằm nâng cao quyền lợi cho người dân nhưng đằng này càng sửa đổi, càng quy định mới càng khiến người tiêu dùng thêm thiệt. Đây là chính là bộ mặt của sự độc quyền”, anh Nguyễn Văn Huy, quận Cầu Giấy, Hà Nội bức xúc.

Cũng theo anh Huy, quy định này là phản lại mục tiêu tăng cường tiết kiệm. “Có thể trong quá trình sử dụng, người dùng không tiêu thụ hết mức điện năng đã đăng ký ban đầu do thu hẹp phạm vi sản xuất, họ tiết kiệm tối đa. Như thế, lẽ ra phải có những quy định động viên, khuyến khích họ đằng này lại làm ngược lại”, anh Huy nói.

Nhân có quy định mới, chị Nguyễn Thị Minh (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) nhắc lại sự "ngược đời" của ngành điện: “Điện cũng là một mặt hàng có người bán người mua như bao mặt hàng khác,  nhưng trong khi những sản phẩm khác dùng nhiều thì được khuyến mại, giảm giá còn điện dùng nhiều thì giá càng cao”.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả cũng cho rằng quy định mới của Bộ Công Thương cũng như cách tính giá của ngành điện đi ngược lại với quy luật thị trường.

Quy định phạt bên mua sử dụng không hết công suất chưa hợp với cơ chế thị trường lắm. Đã là cơ chế thị trường phải dùng nhiều thì giá ít nhưng đằng này lại ngược lại. Điều này cho thấy khâu quản lý quá yếu kém và sự hạn chế trong độc quyền của ngành điện”, ông Long nói.

Cũng theo ông Long, ngành điện hiện nay chưa đáp ứng thoải mái nhu cầu của người sử dụng nên trường hợp sử dụng không hết lượng điện đăng ký trong hợp đồng rất ít hoặc không đáng kể cho nên quy định này không cần thiết. Còn nếu vẫn muốn quy định thì phải áp dụng đều cả hai phía, chứ không chỉ phạt người mua.

Lợi ích người mua, người bán phải bình đẳng nhưng quy định này chỉ bảo vệ được lợi ích người bán. Nguyên nhân của việc bất hợp lý này là do điện chưa có thị trường cạnh tranh thực sự, năng lực quản lý của ngành điện còn hạn chế. Để khắc phục hạn chế đó, lẽ ra nhà nước phải dùng biện pháp khác chứ sử dụng biện pháp hành chính thì không nên”, ông Long góp ý.

Bên cạnh đó, ông Long cho rằng, quy định này cũng có mặt tốt là khuyến nghị, hướng dẫn, răn đe người mua sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên nên xây dựng trên tinh thần phối hợp hai bên cùng có lợi, điều chỉnh để đạt được sự hợp lý.

Ông Long phân tích thêm: “Việc người mua dùng không hết công suất đăng ký cũng có phần lỗi của bên bán vì không tính toán hợp lý. Muốn hạn chế chống lãng phí thì bên bán phải tư vấn cho bên mua để cả hai cùng tính toán đưa ra con số phù hợp chứ không nên để đến lúc dùng xong rồi mới đem nhau ra phạt. Đằng này, lúc ký hợp đồng, người bán cũng muốn bán nhiều, người mua thì có tâm lý để dư ra còn tốt hơn thiếu”.

Để chấm dứt tình trạng có những quy định ngược đời tương tự, ông Long đưa quan điểm phải đẩy nhanh tiến trình phát triển điện, phát triển thị trường điện, tăng cường sự cạnh tranh.

“Giá điện là một thứ rất nhạy cảm, tác động sát sườn đến đời sống của người dân nên nhà nước can thiệp mạnh nhưng nhiều cái can thiệp trái quy luật, trong đó có việc quy định giá điện dùng càng nhiều thì giá càng cao và quy định mới này”, ông Long nhận định.