Theo đó, sau thời gian khai quật tại khu vực trung tâm ngôi đền tháp Chămpa thuộc tổ 3, làng Phong Lệ (P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng), đoàn khai quật đã phát hiện một hố tháp Chămpa mới lạ cùng với nhiều hiện vật độc đáo như đá cuội nhẵn, thạch anh, gạch vuông... khiến giới khảo cổ bất ngờ vì chưa từng phát hiện kiểu kiến trúc tương tự.
Hố tháp này có diện tích trong lòng 4,25x4,25m, sâu 1,8m và nằm ở khu vực trung tâm của khu vực được coi là dấu tích của một khu tháp Chămpa cổ xưa đang được các nhà nghiên cứu tiến hành khai quật, tìm hiểu. Trong khu vực hố thiêng có 8 ô cửa nhỏ nằm ở 4 mặt sát đáy hố (mỗi phía 2 cửa nằm lệch hướng nhau).
Theo Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng Võ Văn Thắng, khu vực này được tiến hành khai quật từ ngày 8/7/2012, đến nay thì hình dạng kiến trúc của một hố thiêng đã được phát lộ. Kiến trúc hố rất mới lạ cùng những hiện vật trong lòng hố khá độc đáo mà các nhà nghiên cứu chưa lý giải được ý nghĩa của nó.
Ô cửa tại hố thiêng.
“Điều độc đáo là ở chính giữa mỗi ô cửa đều có một hòn đá cuội nhẵn nằm dưới một hòn gạch vuông được bao quanh bằng cát nhỏ, mịn. Tiếp đó, phía trước cửa này là những hòn đá thạch anh che chắn. Sau thời gian dài nghiên cứu, đây là lần đầu tiên đoàn phát hiện ra một hố có cấu trúc độc đáo, mới lạ và nhất là sự độc đáo trong ý nghĩa của cách sắp xếp những hiện vật có trong các cửa ở hố này”, ông Thắng bất ngờ.
Ông Thắng cho biết thêm, hiện vẫn chưa lý giải được vì sao hòn đá nhẵn lại nằm dưới tảng đá vuông. Cách sắp đặt mang hàm ý gì, bởi nếu theo tín ngưỡng phồn thực và quan niệm của người Chăm thì tảng đá vuông phải nằm phía dưới của hòn đá hình tròn.
Giới khảo cổ vẫn chưa lý giải được cách sắp đặt đá thạch anh và các vật thể khác bên trước mỗi ô cửa.
Trước đó, trong quá trình khai quật, đoàn khảo cổ đã phát hiện di tích nền móng của ngôi đền tháp Chăm cổ được xây dựng cách đây khoảng 1.000 năm. Qua xác định ban đầu, ngôi đền tháp Chămpa này có diện tích khoảng 16x16m với 4 góc tháp, 3 cửa phụ, 1 cửa chính. Hiện các nhà khảo cổ cũng đã xác định vị trí tháp chính, kích thước, vị trí trung tâm nơi đặt bệ thờ…
Theo giới nghiên cứu, đây là phát hiện mới, có ý nghĩa khoa học lớn trong quá trình khảo cổ, nghiên cứu đối với kiến trúc và nền văn hóa Chăm còn nhiều ẩn số.