Cuối năm ngoái, Chính phủ đã tung ra nghị định số 167/2013/NĐ-CP, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, khoản 1 điều 9 của Nghị định 167 có quy định:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi Không xuất trình chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền.
Như vậy, mọi trường hợp không xuất trình được chứng minh nhân dân đều bị coi là vi phạm và phải bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng. Điều này khiến nhiều người thắc mắc liệu quy định này có đồng nghĩa với việc người dân phải mang theo CMND mọi lúc mọi nơi hay không? Sẽ chẳng vui vẻ gì nếu trong một ngày đẹp trời, bạn đang chạy bộ buổi sáng thì bất ngờ một anh công an (người có thẩm quyền) xuất hiện yêu cầu bạn xuất trình CMND, sau đó phạt bạn 200.000 đồng.
Thực tế, NĐ 167 được đưa ra cuối năm ngoái để thay thế NĐ 73/2010/NĐ-CP được ban hành vào năm 2010. Tại khoản 1 Điều 12 NĐ 73 thì có quy định xử phạt hành vi "Không mang theo giấy chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân" và cả hành vi "Không xuất trình giấy chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân khi có yêu cầu kiểm tra" như sau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không mang theo giấy chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân;
b) Không xuất trình giấy chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân khi có yêu cầu kiểm tra;
Những quy định tại NĐ 73 khá vô lý khi bắt buộc người dân phải mang CMND bên mình, mọi lúc mọi nơi khi đi ra ngoài. Vì vậy, NĐ 167 đã có những điểm sửa đổi. NĐ 167 đã loại bỏ việc xử phạt hành vi không mang theo CMND, chỉ còn giữa lại hành vi không xuất trình CMND khi có yêu cầu kiểm tra.
Luật cũng không bắt buộc phải xuất trình CMND ngay lập tức. Vì vậy, trong trường hợp bị giữ lại, bạn có thể yêu cầu việc xuất trình CMND sau đó.