Những câu nói thể hiện sự phẫn nộ của người nhà bị hại với bị cáo cứ liên tục vang lên trong phiên xử ở TAND TP Hà Nội.
Hà Nội ngày nắng rát mà phòng xử 103C lạnh lẽo, tang tóc bởi hơn nửa số người dự khán mang vòng khăn tang trắng trên đầu. Hai con của bị hại, một học lớp 7, một học mẫu giáo đều mặc áo tang ngồi ôm di ảnh bố ở hàng ghế đầu tiên. Vợ bị hại khóc rưng rức từ đầu đến cuối phiên tòa. Mấy lần chị ngã lăn ra ngất xỉu làm người thân hoảng loạn, phiên tòa bị ngắt quãng.
Hồ sơ vụ án thể hiện Đỗ Ngọc Ánh (31 tuổi) và anh N.T.H. (38 tuổi, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) là hàng xóm, hai nhà chỉ cách nhau một bức tường. Ánh mua được cặp loa nên thường mở nhạc rất to làm con trai anh H. không học bài được. Nhiều lần anh H. phải nhắc nhở Ánh mở nhạc nhỏ lại.
Cũng như nhiều vụ án ở chốn pháp đình, bi kịch lớn có khi lại xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ. Chiều 24/11/2012, Ánh đi ăn cưới người bạn cùng làng thì gặp anh H.. Hai người ngồi cùng mâm. Do bức xúc với nhau từ trước nên cả hai lời qua tiếng lại. Ánh bỏ về ra quán bia gần đình làng ngồi uống trước, anh H. ra sau. Cả hai tiếp tục cự cãi. Tối hôm đó, Ánh về nhà lấy dao đâm một nhát làm anh H. tử vong tại chỗ. Ánh bị bắt.
Kẻ tội đồ
Giữa tiếng khóc tỉ tê của vợ anh H., Ánh khai:
- Bị cáo mua một đôi loa về nghe nhạc. Khi anh H. kêu ồn ào thì bị cáo đã bán loa và xin lỗi anh H.. Khi gặp nhau ở đám cưới, anh H. xúc phạm đến bố bị cáo. Bị cáo bảo tôi có gì sai thì tôi xin lỗi, chứ anh đừng mang bố tôi ra chửi. Nhưng đến lúc gặp nhau ở quán bia anh H. vẫn xúc phạm bố bị cáo. Bị cáo đâm anh H. là để dằn mặt chứ không có ý giết anh H..
Vị hội thẩm hỏi đi hỏi lại đến ba lần xem lời xin lỗi của bị cáo với anh H. có ai làm chứng không. Lần thứ nhất bị cáo trả lời lí nhí không ai nghe rõ, hỏi đến lần thứ ba bị cáo mới trả lời “không ai làm chứng”. Sau câu trả lời của bị cáo, vị hội thẩm thở dài. Cảm giác giữa tội ác của bị cáo, giữa những tiếng khóc, tiếng nguyền rủa của bị hại dành cho bị cáo tại phiên tòa, vị hội thẩm cố tìm một điểm sáng trong tâm hồn bị cáo qua lời xin lỗi ấy.
“Kẻ tội đồ” nhận rất nhiều lời chỉ trích từ phía gia đình bị hại. Cô độc hơn, khi phiên tòa chỉ có vợ bị cáo là người thân đến dự. Ánh quê Thanh Hóa, đi lang bạt, đến làm thuê ở Hưng Yên thì hai người gặp nhau. Lấy nhau xong, cả hai về Gia Lâm ở trên mảnh đất của bố mẹ chị để lại. Ai thuê gì chị làm nấy. Còn Ánh làm nghề mổ chó thuê. Con dao dùng đâm anh H. là con dao Ánh thường cất trong nhà để đi mổ chó.
Khi được tòa gọi lên phát biểu, vợ Ánh nghẹn lời nhưng không khóc. Chị bảo: “Con tôi mới 3 tuổi mà nay tôi phải gửi nhờ nhà người này, mai phải gửi nhà người khác để đi làm thuê. Mấy năm chung sống anh ấy không để lại tài sản gì. Anh ấy gây ra tội gì thì Nhà nước xử theo pháp luật. Còn bồi thường thì anh ấy ra tù anh ấy đền, tôi không biết”. Chị nói vậy vì gia đình bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường hơn 1 tỉ đồng, số tiền mà có lẽ làm thuê suốt phần đời còn lại chị cũng khó kiếm được.
Dù bà Nguyễn Thị Thu Hiển (mẹ bị hại) và người nhà bị hại đều đề nghị “nợ máu phải trả máu, mạng đền mạng...”, nhưng khi phát biểu quan điểm, đại diện viện kiểm sát chỉ đề nghị mức án tù chung thân cho bị cáo. Luật sư bảo vệ cho gia đình bị hại cho rằng bị cáo là tên côn đồ, bị cáo giết người đến cùng, bị cáo chà đạp lên quyền sống của người khác, bị cáo từng bị lập biên bản vì hành vi trộm cắp tài sản, bị cáo không còn khả năng cải tạo... Vì thế áp dụng hình phạt tử hình với bị cáo là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp.
Hội đồng xét xử tuyên bị cáo lãnh án chung thân về tội giết người và phải đền bù thiệt hại cho gia đình bị hại hơn 100 triệu đồng. Nghe tuyên án xong, vợ bị cáo cúi đầu bước thật nhanh khỏi đám đông hỗn loạn đang vây lấy bị cáo. Chị vội vàng ra về, không ngước nhìn chồng lấy một giây.
Chủ tọa vừa tuyên án xong, cả nhà bị hại lao vào bị cáo. Họ gào khóc, chửi bới, nguyền rủa, níu lấy áo bị cáo mà đấm sùm sụp. Nếu không có lực lượng công an, có lẽ bị cáo đã no đòn. Và trên sân tòa trưa hôm ấy, những người chạy theo đập vào thùng xe chở phạm nhân không phải là người nhà bị cáo như thường thấy mà là người nhà bị hại. Họ chạy theo đòi lấy mạng sống của bị cáo. Chạy theo xe ra đến cổng tòa, vợ bị hại ngã lăn ra bất tỉnh.Mong một lời xin lỗi
Sau phiên tòa, gia đình bị hại đã nhờ luật sư làm đơn kháng cáo xin tử hình bị cáo Ánh. Bà Hiển quả quyết: “Chúng tôi không cần tiền đền bù, chỉ cần mạng đổi mạng. Thằng ấy phải mang về nhà tôi xử bắn thì mới hả giận. Tòa án xử thế nào thì nhà tôi không chống đối, nhưng nhà tôi sẽ mang mối hận trong lòng...”.
Ngày mọi người bế anh H. về sau khi bị đâm, bà Hiển là người đã dùng hai tay nhét ruột vào bụng cho con. Bà ôm con trong tay, thấy con lạnh dần, lạnh dần. Nỗi đau ấy có lẽ dài hơn cả 38 năm bà đằng đẵng nuôi con. Từ khi anh H. mất, vợ anh như chết đi sống lại. Chị nửa tỉnh nửa mê, có lúc đang nằm trong nhà bỗng bật dậy gọi chồng rồi đi lang thang tìm chồng. Đứa con gái 5 tuổi thì quen chiều nào tan lớp mẫu giáo bố cũng tạt qua đón về. Giờ cứ tầm ấy là nó khóc như mưa vì không thấy bố đâu. Chứng kiến những cảnh ấy, nỗi uất hận cứ như sóng cuộn trong lòng bà Hiển.
“Nhà nó ăn ở thất đức, vợ nó ở sát bên nhà mà con mình chết nó không hỏi han được một câu. Ngày cúng tuần, cúng giỗ, nhà mình tụng kinh, gõ mõ, nó sát bên nhà nghe thấy mà cũng không bước chân sang” - bà Hiển nói. Bà dùng những từ ai oán, cay nghiệt nhất để nói về kẻ đã giết con mình. Nhưng rồi cuối câu chuyện, bà thở dài: “Tôi chỉ cần nó sang thắp cho con tôi nén hương. Không cần phúng điếu, không cần van xin đâu, chỉ cần nó nói “thôi thì chồng con lỡ dại, mong hai bác rộng lòng tha thứ”. Chỉ cần thế thôi rồi tôi bỏ qua cho tất cả, thế mà gặp tôi nó cũng không thèm chào một câu”.
“Không thèm chào”, để rồi nỗi hận của bà là đề nghị án tử cho bị cáo còn ở phía trước. Nghe bà Hiển nói thế, mới biết rằng trong sâu thẳm không phải bà mong nợ máu phải trả bằng máu. Ân oán này không thể trả bằng ân oán khác, hận thù này cũng không thể nào xoa dịu bằng nỗi hận thù khác. Nó chỉ có thể được hóa giải bằng tình yêu thương, sự sẻ chia và lòng bao dung giữa người với người...