Phận người từ những xác chết trôi sông

Xác chết trôi sông không phải thi thể nào cũng được làm rõ tung tích, được người thân nhận dạng. Tong số xác chết trôi sông được tìm thấy đến nay vẫn còn nhiều ẩn số.

Những ký ức hãi hùng

Nằm ven bờ sông Hồng, Bãi Nổi thuộc xã Mộc Bắc (H.Duy Tiên, Hà Nam) giáp với H.Phú Xuyên, TP.Hà Nội và H.Văn Giang, Hưng Yên. Nơi giao nhau giữa 3 tỉnh, thành này có con sông Hồng đi qua, vì vậy xác chết trôi sông được người dân nơi đây phát hiện, đưa lên bờ cũng rất nhiều. Mỗi lần phát hiện xác chết trôi sông ở Bãi Nổi, người dân lại gọi ông Trần Mạnh Bình (57 tuổi, ngụ xã Mộc Bắc, H.Duy Tiên, Hà Nam) và nghiễm nhiên, hơn 20 năm qua, cái tên ông Bình gắn liền với những xác chết trôi. Theo lời ông Bình, xác chết mà ông từng vớt già có, trẻ có, còn toàn thây cũng lắm, mà mất đầu, mất chi cũng không ít.

Tôi cũng chẳng nhớ  mình đã vớt bao nhiêu xác chết lên bờ và tự tay đem tới nghĩa địa để chôn cất nữa. Nhưng có lần vớt một thi thể phục vụ công tác khám nghiệm, khiến tôi phải nhớ mãi. Do thi thể ngâm dưới nước lâu ngày, da thịt tróc ra từng mảng mỗi khi gặp nước lớn. Để đưa được thi thể lên bờ, tôi phải cầm tấm ni lông, lội xuống nước rồi cuộn lấy, buộc chặt rồi từ từ kéo vào bờ… Sau lần đó tôi ốm mất hơn tuần, hễ cứ mỗi lần ngồi vào mâm cơm, nhìn thấy miếng thịt lợn là y như rằng tôi lại muốn nôn thốc nôn tháo”, ông Bình nhớ lại.

Trong khi đó với nhiều người dân cao tuổi sinh sống ven sông Hồng, ở P.Phú Thượng, Q.Tây Hồ (TP.Hà Nội), họ vẫn không thể nào quên được lần vớt 40 thi thể trong vụ đắm tàu xảy ra vào một ngày mùa thu năm 1994. Hình ảnh những người chết trôi dập dềnh theo dòng nước lớn cứ thoắt ẩn thoắt hiện trong tâm trí họ qua thời gian.

Án mạng nhiều lắm

Ở một khúc sông khác trên sông Hồng, khu vực Bến đò Văn Đức (xã Văn Đức, H.Gia Lâm, TP.Hà Nội) cũng được coi là nơi người dân thuyền chài phát hiện nhiều xác chết trôi sông. Ông Nguyễn Văn Cường (48 tuổi, ngụ đội 3, thôn Trung Quan, xã Văn Đức) kể 5 năm về trước (2009), khu vực Bến đò Văn Đức còn heo hút, hai bên bờ sông um tùm lau lách. Mờ sáng, ông Cường đẩy thuyền ra giữa dòng và chậm rãi kéo mẻ lưới thả từ tối hôm trước. Đột nhiên tấm lưới có cảm giác nặng bất thường. “Quả này lại bắt được cá to đây, tôi chắc mẩm. Cứ thế, tôi quên hết cả đói và rét, lấy hết sức mà kéo. Tới khi cất được tấm lưới lên, thiếu chút nữa tôi té ngửa người ra sau, hiện ra trước mắt là một thi thể không còn nguyên vẹn, ống chân bị cắt cụt, phần đùi đeo 2 hòn đá, da mặt sạm đen biến dạng do phơi nắng lâu ngày”, ông Cường nhớ lại.

Theo ông Cường thì đây chắc chắn là án mạng. Nạn nhân là đàn ông, chừng 33 tuổi, thể trạng trung bình. “Sau khi ra tay, kẻ thủ ác đã buộc đá vào người nạn nhân để cái xác chìm xuống đáy, tránh bị cơ quan công an phát hiện. Tuy nhiên, viên đá không đủ nặng để nhấn cái xác xuống đáy. Và chỉ sau ít ngày, cái xác đó đã nổi lên”, ông Cường phỏng đoán.

Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước từ nhỏ, khi được hỏi, bà Nguyễn Thị Oánh (48 tuổi, ở đội 3, thôn Trung Quan) cho hay bà đã chứng kiến không biết bao nhiêu thi thể được vớt lên bờ. Có thi thể thì bị mất tay, nhưng cũng có thi thể bị thiếu chân, đặc biệt có thi thể lại bị xẻo mất tai… “Đối với chúng tôi, trước đây việc phát hiện xác trôi sông là điều quá đỗi bình thường. Nhưng từ thời điểm tháng 10/2013 trở đi, khi xảy ra vụ án bác sĩ tại thẩm mỹ viện Cát Tường gây chết người rồi ném xác xuống sông Hồng, thì người ta mới để ý, mới chú tâm tới việc tìm vớt các thi thể trôi sông”, bà Oánh nói.

Tìm xác chị Huyền, phát hiện hơn 10 thi thể khác

Ông Lê Văn Viễn (bố nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường) cho hay: “Trong hơn 2 tháng đầu gia đình liên tục nhận được tin báo tìm thấy thi thể nghi là xác chị Huyền, tính tất cả cũng phải tới hơn 10 xác chết. Lần nào nghe tin, gia đình cũng sốt sắng hớt hải tìm đến tận nơi để nhận dạng nhưng hầu như không phải là thi thể của con tôi. Thế mới biết còn nhiều vụ án mạng lắm”.