Bà Lộc, người tự nguyện trông nom, hương khói ngôi mộ xác ướp đào được ở làng Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), đã gặp nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên ở Hải Dương để hỏi thông tin. Ông Liên đã khẳng định người nằm trong mộ là công chúa Lê Thị Mai Hoa, đời nhà Lê, hiệu diệu Thái Thành công chúa, mất ngày 16 tháng 3 năm Thìn.
Sau khi được nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên cung cấp thông tin, bà Lộc đã thuê người viết dòng chữ lên trước và 2 bên sườn mộ: “Lê Thị Mai Hoa, hiệu diệu Thái Thành công chúa, mất ngày 16-3 năm Thìn”.
Khai quật mộ xác ướp ở Nhật Tân, Hà Nội
Từ đấy, mọi người không gọi lăng mộ này là Lăng Cô nữa, mà gọi là lăng mộ công chúa Mai Hoa. Tất thảy người dân Ninh Hiệp và những người chiêm bái đều coi đây là mộ nàng công chúa đời Hậu Lê.
Theo bà Lộc, không chỉ ông Liên, mà sau đó, một số nhà nghiên cứu, cùng các nhà ngoại cảm, gồm tổng cộng 7 người trên một chuyến xe, đã đến Lăng Cô, gọi “hồn” người nằm dưới mộ để trò chuyện.
Các nhà ngoại cảm cũng khẳng định người nằm dưới mộ chính là công chúa Lê Thị Mai Hoa, hiệu diệu Thái Thành công chúa. Sự thật ngôi mộ này thế nào, có phải mộ công chúa Mai Hoa hay không, chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu.
Mộ công chúa Mai Hoa?
Ông Nguyễn Văn Tuyến, Trưởng ban văn hóa xã Ninh Hiệp là người chứng kiến ngay từ đầu cuộc khai quật ngôi mộ xác ướp bí ẩn ở xã Ninh Hiệp. Theo anh Tuyến, ngôi mộ được phát hiện dưới nền nhà anh Nguyễn Như Trung.
Khu đất mà gia đình anh Trung ở là đất 5%. Trước là đất ruộng, nhưng xã đã chuyển đổi, cấp sổ đỏ cho dân ở. Khu đất thuộc xóm 5 này vốn là cánh đồng, ngay cạnh Bãi Sộp, là nghĩa địa cổ của làng.
Từ 20 năm trước, vợ chồng anh Trung dựng ngôi nhà cấp 4 ở đất này. Sau khi được cấp sổ đỏ, có điều kiện kinh tế, thì phá dỡ nhà cấp 4 để xây dựng nhà cao tầng.
Vì nơi đây vốn là đất ruộng, bùn nhão, nên khi xây dựng nhà cao tầng, phải vét hết lớp đất bùn đi, đổ cát vào, đầm chắc.
Hương khói lúc nào cũng mịt mù ở ngôi mộ xác ướp
Khi anh Trung tiến hành vét lớp đất nhão, thì phát hiện rất nhiều mồ mả ở dưới. Trong đó có ngôi mộ mà mọi người tin rằng được xây dựng bằng bê tông rất cứng. Ngôi mộ này nằm sâu dưới lòng đất tới 3m.
Việc phát hiện ngôi mộ lạ khiến dư luận quanh xóm xôn xao. Biết tin, lãnh đạo xã đã cử anh Tuyến xuống hiện trường để chứng kiến. Anh Tuyến đã nhờ anh Nguyễn Cát, là thợ chụp ảnh trong xã, ghi lại toàn bộ quá trình đào ngôi mộ.
Ngay hôm sau gia đình anh Trung sẽ khởi công xây nhà, ngày giờ đã xem xét kỹ, nên công việc chuyển mộ phải tiến hành trong đêm.
Anh Lê Trung Tuyến
Anh Tuyến nhớ lại: "Khi đó, toàn bộ lớp đất xung quanh đã được gia đình anh Trung đào rộng. Dưới lòng đất là một khối bê tông hình chữ nhật, mặt trên hơi vòm. Sau khi lãnh đạo xã chứng kiến, ghi nhận sự việc, thì gia đình anh Trung tiến hành chuyển mộ.
Tuy nhiên, mọi người dùng đục, búa và xà beng đánh mãi chẳng ăn thua gì. Việc đâm xà beng vào ngôi mộ chả khác gì gãi ngứa, chỉ tạo vết xước nhẹ. Gia đình đã phải gọi thợ khoan cắt bê tông đến.
Sau một hồi khoan cắt, thì nắp bê tông bật ra. Bên trong bể bê tông này là quan tài gỗ. Mấy người chuyển mộ thuê nhảy xuống bật nắp quan tài.
Ai nấy hãi hùng tái mặt khi trong quan tài là một thiếu nữ đang nằm ngủ. Mái tóc xõa dài, cơ thể được bó bằng 5 lớp vải trắng toát, buộc rất chặt, thắt nơ hoa.
Những tấm vải lụa cũng còn mới nguyên, xé rất dai. Chừng nửa tiếng sau thì lớp da chuyển sang màu thâm. Phần da ở cổ phù ủng, nhằng nhịt những bọc máu thâm đen.
Xác ướp trong ngôi mộ ở Ninh Hiệp
Nhìn người trong quan tài, ai cũng đoán chỉ chừng 20 tuổi, hoặc nhiều hơn một chút, chứ không phải người chết già. Thay vì đưa xác vào tiểu, gia đình anh Trung phải cấp tốc đi mua áo quan.
Tôi vẫn nhớ rõ đêm ấy trời nổi giông gió, sấm nổ đùng đoàng, sét đánh nhằng nhịt bầu trời, rồi mưa như trút nước. Nhiều người sợ hãi chạy hết vào nhà trú ẩn”.
Anh Tuyến cũng nhận sai sót của chính quyền xã trong cuộc đào phá ngôi mộ cổ này. Lẽ ra, khi phát hiện mộ cổ, thì xã phải giữ nguyên hiện trường, báo cáo cấp trên, để các nhà khảo cổ về tiến hành khai quật.
Tuy nhiên, vì không biết đây là mộ cổ, với lại gia đình anh Trung muốn chuyển mộ gấp để kịp thời gian khởi công xây dựng nhà, nên đã vô tình để diễn ra cuộc phá mộ cổ.
Anh Tuyến cũng cho biết, hoàn toàn không có việc những người trong gia đình anh Trung cố ý phá mộ để tìm vàng bạc. Chính anh được mời chứng kiến cuộc khai quật mộ và chỉ thu được một số thứ vặt vãnh như túi đựng trầu cau, chiếc quạt, đôi hài, bím tóc, một túi vải như túi giấy bùa.
Ngoài ra còn có 3 đồng tiền xu có lỗ vuông đặt ở miệng xác ướp. Không có bất cứ vật gì giá trị như vàng bạc, ngọc ngà được tìm thấy trong mộ như một số lời đồn đoán.
Cũng theo lời anh Tuyến, trong quan tài hoàn toàn khô ráo, không có giọt nước nào. Dưới đáy áo quan có rất nhiều gạo rang, vỏ trấu và than củi.
Bà Lộc, người trông nom, hương khói ngôi mộ xác ướp
Dù nằm trong hầm mộ mấy trăm năm, nhưng gạo rang vẫn giữ nguyên màu vàng. Tôi đã được anh Nguyễn Cát, thợ chụp ảnh cho xem tấm ảnh anh chụp khi bật nắp áo quan. Quả thực, trong quan tài không có tinh dầu ngọc am như những ngôi mộ hợp chất thường thấy.
Theo anh Tuyến, ngôi mộ xộc ra mùi hắc. Sau nhiều ngày phá mộ, mùi hắc vẫn xông lên nồng nặc. Nhiều khả năng, đó là chất ướp xác.
Thông thường, phần lớn những ngôi mộ hợp chất tìm thấy ở Việt Nam sử dụng chất ướp xác là tinh dầu ngọc am. Tinh dầu được đổ ngập quan tài. Tinh dầu ngọc am có tác dụng diệt khuẩn, giữ xác bền vững, nguyên vẹn, đẹp như lúc mới chết. Ngôi mộ này không có tinh dầu, cũng là chuyện khá lạ. Khả năng, xác được ướp bằng một phương pháp khác.
Tiếc rằng các nhà khoa học chưa kịp nghiên cứu, thì xác ướp đã được cải táng ra cánh đồng theo cách mà người ta vẫn ứng xử với các ngôi mộ xác ướp.
Còn tiếp…