Một năm rưỡi sau khi bị bắt với cáo buộc giết người và cướp tài sản, 7 thanh niên ở Sóc Trăng đã được VKS tỉnh này bồi thường oan sai số tiền gần 500 triệu đồng. Trước đó không lâu, mỗi thanh niên đã được nhận tạm ứng 20 triệu đồng tiền bồi thường để trang trải cuộc sống. Đây là tín hiệu vui, thể hiện sự quyết tâm và trách nhiệm của những cơ quan thực thi pháp luật với người bị hàm oan.
Tuy nhiên, cũng trong một vụ án oan khác - vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, người nông dân tội nghiệp ấy vẫn mòn mỏi đấu tranh dù công lý đã mỉm cười. Đã hơn một năm kể từ ngày được tuyên sạch tội, ông Chấn vẫn không hề nhận được một đồng bồi thường nào dù chỉ là tạm ứng. Ông Chấn vẫn chờ một chữ "tình" từ những người thực thi pháp luật?
Bảy thanh niên ở Sóc Trăng đã được nhận tiền bồi thường oan sai và trước đó là tiền tạm ứng bồi thường.
Bốn lần gửi đơn vẫn không thấy động tĩnh
Thời khắc sáng thứ Bảy (25/1/2014) có lẽ sẽ không bao giờ quên trong tâm trí của gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn. Đó là cái ngày mà ông như được tái sinh thêm lần nữa. Quyết định đình chỉ điều tra bị can với ông Nguyễn Thanh Chấn của cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã được trao tận tay người đàn ông bị khép tội giết người, chịu tù oan suốt 10 năm này. Giây phút đó, giữa sự chứng kiến của các cơ quan chức năng và đông đảo người dân thôn Me (xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) ông Chấn đã bật khóc, không nói nên lời khi được cơ quan điều tra trao quyết định.
Trước đó hơn 2 tháng, chỉ 2 ngày sau khi được VKSND Tối cao ra kháng nghị và được tạm tha về nhà sau 10 năm bị bắt, ngày 6/11/2013 TAND Tối cao trong phiên tái thẩm đã hủy hai bản án kết tội ông Chấn giết người với mức phạt tù chung thân. Vụ án sau đó được điều tra lại. Công an Bắc Giang thừa nhận có sai sót trong quá trình điều tra vụ án. VKSND Tối cao cũng đã chỉ ra hàng loạt những căn cứ không chính xác của cơ quan công an bắt, quy kết ông Chấn là người gây án. Công lý đã thực sự mỉm cười đối với người nông dân Bắc Giang.
Thế nhưng, kể từ thời khắc được minh oan đến nay, gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn phải mòn mỏi để đòi số tiền bồi thường mà các cơ quan thực thi pháp luật đã gây ra cho ông. Hồi tháng 10/2014, trả lời báo giới về việc xử lý bồi thường thiệt hại do việc kết tội oan ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Trần Việt Hưng (Phó Cục trưởng cục Bồi thường Nhà nước, bộ Tư pháp) đã thẳng thắn cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về TAND Tối cao. Cục Bồi thường Nhà nước chỉ tác động, phối hợp "ở một mức độ nhất định".
Theo ông Hưng, Cục đã nhiều lần chủ động gửi công văn cho TAND Tối cao đề nghị đẩy nhanh quá trình giải quyết bồi thường cho ông Chấn. Dù vị đại diện Cục Bồi thường Nhà nước đã cho biết tương đối rõ ràng, thế nhưng, trên thực tế, đến thời điểm hiện tại (1/2015), ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn chưa nhận được một đồng bồi thường nào, dù chỉ là tiền tạm ứng.
Ông Nguyễn Thanh Chấn từng bị ngồi tù oan 10 năm.
Trò chuyện với PV, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Nguyễn Thanh Chấn) chia sẻ: "Gia đình đã làm đơn đến lần thứ tư rồi nhưng tòa vẫn chưa động tĩnh gì". Theo lời bà Chiến, cách đây ít lâu, vào khoảng tháng 8/2014, tòa có gọi và yêu cầu gia đình cung cấp giấy tờ ốm đau, hóa đơn xăng, vé tàu xe... từ thời điểm ông Chấn bị tù oan nhưng thử hỏi số giấy tờ đó ai giữ được đến bây giờ?”.
"Tòa không thông cảm mà đòi số giấy tờ đó thì chẳng khác nào đánh đố gia đình tôi. Tết thì sắp đến rồi, nhà tôi không biết sẽ đón Tết như thế nào, vì trong nhà chẳng còn vật dụng gì đáng giá. Gia đình tôi chỉ mong muốn nhận được tiền bồi thường thật nhanh để có tiền trang trải nợ nần, chữa bệnh cho tôi và ông ấy thôi", vợ ông Chấn chia sẻ.
Theo bà Chiến, hoàn cảnh hiện tại gia đình rất khó khăn. Cả hai vợ chồng đều đau yếu liên miên và không thể làm các việc nặng. Do thời gian ở tù lâu nên ông Chấn thường xuyên bị các cơn đau hành hạ, nói trước quên sau. Căn bệnh liên quan đến hệ thần kinh của bà Chiến vẫn chưa được chữa trị dứt điểm, hàng tháng bà vẫn phải đến bệnh viện điều trị, lấy thuốc. Gia đình vẫn đang phải oằn mình trả nợ số tiền trước đây đã vay của bạn bè đưa cho bà Chiến dùng trang trải chi phí đi lại trong quá trình đi tìm công lý cho ông Chấn.
Cũng theo lời kể của bà Chiến, ngôi nhà mà gia đình đang ở vẫn là ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng với đồ đạc trong gia đình hầu như không có gì. "Từ đó đến nay, gia đình sống nhờ vào số tiền hảo tâm của mọi người giúp đỡ. Hiện số tiền do người thân đứng tên để vay ngân hàng với giá trị hàng trăm triệu đồng nhưng chưa trả được đồng nào. Vừa rồi tôi cũng có nghe tin 7 thanh niên bị hàm oan ở Sóc Trăng được bồi thường oan sai, tôi cũng thấy mừng cho họ.
Thế nhưng, nghĩ lại hoàn cảnh gia đình mình, tôi lại buồn vì từ đó đến nay chúng tôi chưa nhận được một đồng bồi thường nào, dù là tạm ứng. Tôi cũng đã làm đơn gửi lên Chủ tịch nước hồi tháng 11/2014 vì những khó khăn mà chúng tôi đã trải qua hơn 10 năm qua, chỉ mong các cơ quan thực thi pháp luật nhanh chóng giúp đỡ", vợ ông Nguyễn Thanh Chấn nghẹn ngào nói.
Chờ đợi một chữ "tình"
Được biết, khoản tiền bồi thường mà gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn yêu cầu là khoảng 10 tỉ đồng. Trong số này, riêng tiền bồi thường về tinh thần của ông Chấn là khoảng 2 tỉ đồng. Ngoài ra là các chi phí về thu nhập bị mất, chi phí trả nợ ngân hàng, số tiền mà bà Chiến và gia đình trong quá trình tìm công lý cho ông... Theo lời bà Nguyễn Thị Chiến, tất cả số tiền này được đề đạt cụ thể trong đơn gửi cho TAND Tối cao.
"Tôi chỉ nghĩ rằng, những lúc gia đình lâm vào cảnh bi đát, số tiền tạm ứng, dù chỉ là vài chục triệu đồng cũng rất cần thiết, nó sẽ phần nào động viên, chia sẻ, giúp đỡ chúng tôi vượt qua khó khăn. Thế nhưng, các cơ quan pháp luật đều lặng thinh. Tôi chỉ mong họ nghĩ đến người nghèo khổ như chúng tôi", bà Chiến cho biết.
Trong khi đó, cũng trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật liên quan đến việc bồi thường cho ông Chấn, Luật sư Vũ Hằng Nga - người được gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn nhờ tư vấn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động bồi thường của Nhà nước, chia sẻ: "Việc tạm ứng sẽ tuỳ thuộc vào từng cơ quan. Người ta có thể bồi thường luôn hoặc tạm ứng. Có thể có nhiều trường hợp vì hơi lâu nên người ta tạm ứng một khoản để người bị oan sai yên tâm rằng việc của họ đang được xem xét giải quyết tới tất cả các chứng cứ cụ thể để biết là bồi thường bao nhiêu tiền. Có những trường hợp cơ quan làm sai sẽ để xem xét bồi thường trong một lần. Nói chung, việc này tùy thuộc vào cơ quan áp dụng".
Theo LS. Nga, trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, để được tạm ứng, ông Chấn phải lên nơi xử oan sai yêu cầu tạm ứng để giải quyết khó khăn trước mắt.
"Ông Chấn có thể làm đơn đề nghị việc đó. Nếu chưa xong việc bồi thường thì có thể tạm ứng. Nếu họ không giải quyết thì có thể khởi kiện ra toà. Người bị oan sai cần đưa ra các số liệu cụ thể về số tiền chi cho việc chữa trị, các phí tổn trong quá trình tìm lại công lý. Theo luật thì chỉ có bồi thường chứ không có tạm ứng. Điều này tuỳ vào sự linh hoạt của mỗi đơn vị, quan trọng là việc linh hoạt này không trái các quy định pháp luật hiện hành", LS. Nga nói.
Soi chiếu việc 7 thanh niên tại Sóc Trăng được nhận tiền bồi thường và trước đó là tiền tạm ứng khá nhanh chóng... với trường hợp mòn mỏi chờ đợi của ông Nguyễn Thanh Chấn, LS. Nga nêu quan điểm: "Việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai do người thi hành công vụ gây ra là hoạt động mang tính đột xuất, không tính được thời điểm, địa điểm và mức kinh phí phát sinh. Do đó, không thể bố trí trong dự toán của cơ quan có trách nhiệm bồi thường một khoản kinh phí nhất định để thực hiện chi trả cho người bị thiệt hại. Vì thế, việc cơ quan tố tụng linh động tạm ứng tiền bồi thường để khắc phục khó khăn trước mắt cho người bị thiệt hại là điều cần thiết. Việc giải quyết bồi thường phải đáp ứng nguyên tắc "kịp thời, công khai, đúng pháp luật", đảm bảo quyền lợi của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp chịu thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức các cơ quan Nhà nước".
Sự oan khuất của ông Chấn đã được khẳng định. Số tiền phải bồi thường lên đến hàng chục tỉ đồng cũng đã từng gặp ở một số vụ án khác. Thế nhưng, đến bao giờ khoản bồi thường đến được tay ông Chấn? Âu cũng là điều đáng bàn, vì ngay việc lá đơn đề nghị bồi thường của ông phải mất gần bốn tháng trời mới được xem xét giải quyết.
Cũng như ông Nguyễn Hồng Cầu (Tiên Lãng, Hải Phòng), người nông dân bị hàm oan vì gặt lúa trên ruộng của mình, sau gần 10 năm kể từ ngày được tuyên vô tội, tòa án các cấp ở Hải Phòng mới mở phiên tòa xét xử vụ kiện đòi bồi thường của ông. Hay ông Phạm Đức Bình (Hoàn Kiếm, Hà Nội), sau 13 năm kể từ ngày được tuyên vô tội, tháng 4/2014, TAND TP. Hà Nội đã tiến hành thương lượng với ông Bình, thỏa thuận mức bồi thường, thế nhưng, đến nay ông vẫn chưa nhận được tiền. Cũng là một trường hợp oan sai, đến lúc chết, ông Lê Quốc Dũng (ở Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) vẫn chưa được bồi thường thiệt hại... Thế nên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tạm ứng một khoản để người bị oan vượt qua khó khăn cũng là thể hiện cái tình của những người thực thi pháp luật.