Nuôi động vật quý hiếm... cho vui

Vụ việc một nhóm thanh niên hành hạ rồi giết thịt con voọc ở tỉnh Quảng Nam đã khiến dư luận phẫn nộ.

Sự vô cảm của những người trong cuộc thêm một lần báo động về ý thức bảo vệ môi trường, ý thức chấp hành pháp luật. Bởi, vẫn còn rất nhiều động vật quý hiếm được nuôi nhốt trong dân cư chưa bị xử lý.

Nuôi khỉ để… chơi

Chú khỉ con bị trói bằng một đoạn xích sắt và cột trên cây lộc vừng trước một nhà hàng ở Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút sự chú ý của rất nhiều du khách. Nhiều người khi qua đây đã dừng lại ngắm nghía, cho khỉ đồ ăn... Khi họ đi, con khỉ lại trở về vị trí cũ ở trạc cây. Đoạn xích chỉ dài hơn 1 mét chẳng khác gì cái vòng kim cô, buộc nó chỉ được phép đi lại quanh quẩn trong một phạm vi hẹp. Hết đứng, ngồi, lại nằm, con khỉ buồn bã quẩn quanh ở cái chạc cây lộc vừng. Quan sát nó, tôi thấy con vật thật tội nghiệp. Nó bị tù túng quá mức. Chỗ của nó là ở ngoài tự nhiên, chứ không phải ở đây.

Con khỉ rất dạn người. Khi tôi cầm tay nó, nó leo ngay vào cánh tay tôi. Bất ngờ hơn nữa là nó ôm chặt cánh tay tôi như một đứa trẻ ôm gối ngủ. Nhìn chú khỉ con ôm gọn cánh tay mình, đôi mắt mở to tôi chợt nhớ lại hình ảnh những con khỉ con ôm chặt mẹ mình ở Công viên Thủ Lệ. Phải chăng, nó thèm hơn ấm? Tôi từng đọc được thông tin về thí nghiệm về tình mẫu tử của loài khỉ. Người ta làm hai hình nộm khỉ mẹ, một hình nộm bằng khung sắt có để sẵn bình sữa, một hình nộm bằng rơm ấm áp và thả một con khỉ con vào trong. Mỗi khi đói, khỉ con đến hình nộm bằng khung sắt uống sữa nhưng lại đến chỗ hình nộm bằng rơm để nằm.

Nhà hàng nuôi khỉ để hút khách, nhà riêng cũng nuôi khỉ để... chơi. Những con vật được coi là tổ tiên của loài người bị cầm tù, phải sống ở những nơi không phải dành cho nó. Nó có thể trở nên hung dữ do bị nhốt, bị đối xử không tốt. Tại một quán ăn ở huyện Đông Anh, Hà Nội, chủ quán nuôi nhốt một con khỉ ngay trước cửa. Con khỉ bị nhốt luôn tỏ ra nổi giận khi thấy có người đến gần, bất kỳ là trẻ con hay người lớn. Sự tù túng đã khiến cho nó hung dữ hơn. Người chủ quán luôn phải nhắc nhở khách tránh xa để đề phòng con khỉ cào và cắn.

Giải cứu động vật hoang dã qua tổng đài 1800-1522

Việc giam cầm động vật hoang dã được xem là hành động đối xử tàn bạo với thiên nhiên. Loài vật được nuôi nhốt làm cảnh, làm thức ăn phổ biến hơn các loài khác chính là khỉ.

Khỉ là loài động vật quý hiếm thuộc nhóm 2B. Việc nuôi nhốt tại nhà riêng, quán cà phê, nhà hàng là trái phép. Đường dây nóng của lực lượng kiểm lâm và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam đã tiếp nhận, xử lý nhiều trường hợp nuôi nhốt trái phép trong nhà.

Cuối năm 2011, Từ thông tin từ khách du lịch, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) đã thông báo cho kiểm lâm thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tiến hành thu giữ một cá thể khỉ đuôi dài đang được nuôi nhốt tại một nhà hàng ở địa phương này. Hay gần đây, các cơ quan chức năng giải cứu thành công 5 cá thể khỉ ở TP. HCM. Do đã bị nhốt lâu ngày, ít còn khả năng sống sót trong môi trường tự nhiên nên các cá thể được giải cứu đưa về các Trung tâm cứu hộ hoặc Trung tâm linh trưởng Cúc Phương.

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn, Hà Nội từng nhận được một cá thể khỉ do một người nước ngoài đưa đến. Khi thấy cá thể khỉ này được bán ở chợ Đồng Xuân, người này đã mua và đem đến Trung tâm cứu hộ với mong muốn, nó sẽ được trả về với tự nhiên.

Ngày 20/7, trao đổi với phóng viên, ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc ENV cho biết, voọc là loài động vật hoang dã quý hiếm được xếp vào Nhóm 1B, khỉ thuộc nhóm 2B. Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nghiêm cấm chế biến, kinh doanh thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm 1A, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm 1B và nhóm 2B từ tự nhiên và sản phẩm của chúng vì mục đích thương mại. Những trường hợp nuôi nhốt khỉ, voọc hoặc các loài động vật hoang dã quý hiếm là vi phạm pháp luật, chứng tỏ sự thiếu hiểu biết và thiếu ý thức bảo vệ môi trường.

Ông Trần Việt Hưng cũng cho biết, sự phẫn nộ của dư luận cùng với hành động báo tới các cơ quan chức năng về vụ hành hạ voọc cho thấy ý thức của người dân đang dần được cải thiện. Việc xử lý nghiêm đối tượng trong vụ việc này cũng cho thấy pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã đã được thực thi.