Người mẹ chồng rất thương và hiểu con dâu nhưng pháp luật thì không thể nào tha thứ…
Phiên tòa (*) phúc thẩm xét xử vụ án giết người tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận diễn ra khá nhanh, lặng lẽ và đầy nước mắt.
Trước vành móng ngựa, bị cáo Huỳnh Thị Trang trong chiếc áo màu xanh nước biển và chiếc quần thể dục của học sinh liên tục quay đầu xuống hàng ghế người bị hại tìm kiếm rồi vội quay mặt khóc nức nở. Phía dưới, người bị hại là cụ Đoàn Thị Chính đã 82 tuổi, thỉnh thoảng lại nằm xuống hàng ghế để nghỉ mệt.
Sáng ấy, bà Chính dậy rất sớm, ăn vội tô mì gói do cháu nội chế nước sôi rồi giục con trai chở ra tòa. Bà ước ao được tới gần để nói với con dâu một lời xin lỗi và cúi xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho đứa con dâu từng chịu thương chịu khó với bà hơn 15 năm qua. Ngoài sân tòa, ba đứa con của bị cáo và cũng là cháu nội của bà Chính do còn nhỏ nên chỉ biết ôm nhau chờ kết thúc phiên tòa để được nhìn mặt mẹ.
Hơn 15 năm trước, bị cáo Trang kết hôn với con trai út Lê Thái Luật và về làm dâu nhà bà Chính. Dù một chữ bẻ đôi không biết song do tính siêng năng, hiền hậu nên Trang luôn được lòng mọi người. Cả một đời tần tảo nuôi sáu đứa con trưởng thành, tuổi già cùng với cái chết của người chồng hơn chục năm trước khiến bà Chính bỗng trở nên khó tính. Vì thế, bà Chính không ở nhà đứa con dâu nào được tròn tháng ngoài con dâu út.
Bà Chính được con trai út (chồng bị cáo) dìu ra sân tòa để dõi theo bóng con dâu.
Làm dâu, ngoài việc giặt giũ, nấu nướng chăm sóc mẹ chồng, chồng và các con, Trang còn hợp đồng thời vụ với một khu du lịch gần nhà làm tạp vụ kiếm tiền chợ. Ba đứa con nhỏ lần lượt ra đời và đám trẻ nhỏ thì luôn hiếu kỳ, nghịch ngợm, ồn ào. Mỗi lần như thế, bà Chính lại lôi Trang ra chửi vì không biết dạy con rồi bỏ cơm không chịu ăn. Thương mẹ, người con trai út chỉ biết ôm vợ động viên và thuyết phục vợ quỳ xuống xin lỗi vì mẹ không còn sống được bao lâu nữa.
Lâu dần, dù rất thương mẹ chồng nhưng trong lòng người con dâu như muốn dậy sóng.
Tháng 9/2013, người chồng đón xe lên Đắk Nông hái cà phê thuê. Ở nhà, trong một lần bực mình, bà Chính ném hết quần áo của mẹ con Trang ra ngoài sân rồi đuổi đi. Gạt nước mắt xin lỗi mẹ chồng nhưng sự dồn nén bao năm qua đã bùng lên và bị cáo quyết định ra tay. Tối 14/9/2013, Trang đến nơi làm việc lấy chai thuốc trừ sâu mang về nhà và đổ một ít vào chiếc ấm nhôm mà bà Chính thường đựng nước uống.
Khoảng 22h cùng ngày, bà Chính ngủ dậy lấy nước uống thấy tê lưỡi và có mùi lạ nên khạc nhổ ra. Người mẹ chồng vội mang chiếc ấm sang nhà con trai lớn gần đó, khi người này hỏi thì Trang lắc đầu không biết nên sau đó anh này liền gọi điện thoại trình báo công an xã.
Đêm hôm đó, người chồng gọi điện thoại hỏi nhưng Trang chối phăng. Cả đêm hôm đó, Trang đã thức trắng và chỉ mới rạng sáng đã dậy sang nhà anh chồng gọi xuống nhà gặp mẹ chồng. Tại đây, người con dâu từng được xem là hiếu thảo đã quỳ xuống, khóc như mưa xin tha thứ cho hành vi dại dột của mình. Đến 8h sáng, khi công an đến làm việc, Trang vừa khóc vừa lăn tay thú nhận tội lỗi của mình.
Từ ngày con dâu bị bắt, bà Chính như người mất hồn, người con trai út cũng bỏ việc làm thuê quay về nhà chăm sóc mẹ già và ba con nhỏ. Buồn hơn, khi đứa con trai đầu đang học lớp 8 phải nghỉ học vì bị chúng bạn gièm pha. Nó còn quá nhỏ để vượt qua cú sốc quá lớn của gia đình. Đứa con gái học lớp 7 giờ vừa đi học vừa thay mẹ giặt giũ, nấu nướng chăm sóc cho cả nhà để ba yên tâm đi làm thuê kiếm tiền chạy gạo…
Tình tiết vụ án thì đơn giản nhưng tính chất phạm tội lại nghiêm trọng, vả lại những tình tiết giảm nhẹ cũng đã được tòa sơ thẩm xem xét. Vì vậy, tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm năm năm tù giam.
Người con dâu lên xe về trại giam nhưng vẫn cố quay lại tìm chồng con, tìm mẹ chồng, mặt ràn rụa nước mắt. Phía dưới sân tòa, như có động lực, bà Chính chảy nước mắt bật dậy được con trai út dìu đi chống gậy bước lập cập theo xe chở phạm nhân như muốn níu kéo hình ảnh đứa con dâu hiền nhưng nông nổi…
(*) Phiên tòa phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xét xử lưu động tại Bình Thuận ngày 27-5.