Theo đó, nếu thí sinh bằng điểm nhau mà buộc phải lựa chọn, sàng lọc để xét trúng tuyển theo chỉ tiêu đã xác định, thí sinh nữ sẽ được ưu tiên.
Ngày 13/12, giải thích về quy định này, GS Nguyễn Đình Đức- trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - khẳng định đây là quy định mà trường thực hiện theo Quy chế đào tạo thạc sĩ do chính Bộ GD-ĐT ban hành trong năm 2014.
Trao đổi với pv, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH- Bộ GD-ĐT- xác nhận việc đưa quy định ưu tiên đối với nữ trong xét trúng tuyển đầu vào thạc sĩ được bộ đưa vào Quy chế đào tạo thạc sĩ nhằm thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới.
Bộ GD-ĐT phải có báo cáo hằng năm về ủy ban vì sự tiến bộ của phụ nữ trong việc thực hiện các quy định bảo đảm bình đẳng giới.
Theo đó, Quy chế đào tạo thạc sĩ của Bộ GD-ĐT năm 2014 lần đầu tiên đặt ra quy định nếu nhiều thí sinh bằng điểm nhau thì các trường xác định điểm trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên trước hết dành cho nữ, sau đó mới tính đến ưu tiên cho người có điểm cao hơn của môn chủ chốt ngành, chuyên ngành và người được miễn thi ngoại ngữ hoặc người có điểm cao hơn của môn ngoại ngữ.
Tuy nhiên, bà Phụng cũng cho biết ngay trong thời gian xây dựng quy chế, một số trường ĐH đã phản hồi, góp ý không nên ưu tiên trúng tuyển nữ so với nam vì hiện nữ giới cũng rất giỏi và việc ưu tiên như vậy trong nhiều trường hợp lại thể hiện sự xúc phạm, không coi trọng phụ nữ.
“Các trường này cho rằng nữ giới không cần ưu tiên, chứ không nói đây là quy định vô lý. Trong phạm vi quan sát của các trường thì nữ không cần ưu tiên, nhưng các thống kê thực tế lại cho thấy số thạc sĩ, tiến sĩ là nữ hiện vẫn ít hơn nam giới và tỉ lệ chung trong dân số, nữ lại nhiều hơn nam”- bà Phụng nói.
Bà Phụng cũng cho rằng quy định ưu tiên trúng tuyển nữ so với nam cũng không ảnh hưởng nhiều, nhất là với chất lượng đầu vào. Bộ GD-ĐT đang xây dựng Quy chế đào tạo tiến sĩ mới và dự kiến cũng sẽ đưa điều kiện ưu tiên nữ trong tuyển sinh đào tạo trong thời gian tới.
“Bộ GD- ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khác có liên quan xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định tỷ lệ nam, nữ thích hợp, nữ được quyền lựa chọn hoặc ưu tiên khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam trong học tập, đào tạo, bồi dưỡng”.
(Nghị định số 48/2009/NĐ-CP về các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới)