NÓNG 24h: TQ nôn nóng với 'nhà máy lọc dầu trên biển'; Máy bay 'mắc kẹt' trên trời

TQ nôn nóng với 'nhà máy lọc dầu trên biển'; Máy bay 'mắc kẹt' trên trời vì kiểm soát không lưu ngủ gật... là tin nóng nhất 24h qua.

TQ nôn nóng với 'nhà máy lọc dầu trên biển'

Trung Quốc vừa hoàn thiện kho nổi được mệnh danh là nhà máy lọc dầu trên biển, đây sẽ là một thách thức mới trong vấn đề chủ quyền của VN?

Hình ảnh về kho nổi FPSO Haiyang Shiyou 118 trên báo TQ

Theo trang Asia Oil & Gas, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã đóng xong kho nổi (FPSO) thứ 17 mang tên Haiyang Shiyou 118 tại nhà máy đóng tàu Đại Liên với tổng chi phí 2,7 tỷ Nhân dân tệ (440 triệu USD).

Trao đổi với chuyên gia hàng hải Đỗ Thái Bình (Hội Khoa học Biển TP.HCM) về chiếc kho nổi này, ông Bình cho rằng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng việc Trung Quốc có được những thành tựu như vậy là điều hoàn toàn hiển nhiên.

Về kho nổi Haiyang Shiyou 118 này, chuyên gia Đỗ Thái Bình cho biết: “Đây là một kho nổi khổng lồ của Trung Quốc, bản thân từ FPSO là viết tắt của cụm từ kho nổi, chứa, xử lý và xuất dầu thô. Khi dàn khoan khoan dầu từ đáy biển lên, dầu được chuyển vào kho nổi này, xử lý lọc tạp chất thành dầu thô. Và từ kho nổi này có thể dẫn được sang các tàu buôn dầu khác để vận chuyển.

Thực chất đây là một công nghệ mà thế giới đã sử dụng từ rất lâu, là giải pháp cho những mỏ dầu nước sâu không thể đặt được đường ống dẫn dầu. Bản thân tập đoàn CNOOC của Trung Quốc cũng áp dụng công nghệ này trong việc khai thác dầu ở châu Phi hay Mỹ Latinh.”

Kho nổi Haiyang Shiyou 118 dài thân 266,64m, diện tích boong tàu tương đương hai sân bóng đá tiêu chuẩn. Chiều cao lên tới 50,5m, ngang tòa nhà 17 tầng. Lượng giãn nước của Haiyang Shiyou 118 là khoảng 35.000 tấn. Sức chứa là 150.000 tấn dầu. Tàu này có khả năng xử lý được 56.000 thùng dầu mỗi ngày.

Ông Đỗ Thái Bình cho biết thêm: “Hiện tại báo chí ta đang bị nhầm lẫn ở hai khái niệm. Khi kho nổi Haiyang Shiyou 118 hoàn thiện, báo chí Trung Quốc đã tung hô nó như một thành tựu vượt bậc của công nghệ biển của họ. Và vị trí mà kho nổi này vận hành đã được xác định là “mỏ dầu Enping 24-2 (Ấn Bình 24-2) ở cửa khẩu sông Châu Giang, phía đông của Biển Đông.”

Tuy nhiên cái Biển Đông đó được hiểu theo khái niệm của Trung Quốc, tức là phía Đông của họ, vùng biển gần HongKong chứ không phải Biển Đông theo khái niệm của Việt Nam. Còn Biển Đông của Việt Nam được Trung Quốc xác định là Nam Hải.

Vị trí mỏ dầu Enping 24-2 này Trung Quốc đã thăm dò từ rất lâu, trước khi giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đến vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nó cũng đã vận hành và khoan thăm dò ở mỏ dầu Enping. FPSO Haiyang Shiyou 118 sẽ được kết hợp với các giàn khoan của Trung Quốc để khai thác mỏ dầu này trước tiên.”

Một kho nổi đời trước của Haiyang Shiyou 118 hoạt động trên biển

Theo thông tin từ ông Đỗ Thái Bình, như vậy đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã kiện toàn khả năngkhai thác dầu ở Biển Đông. Và hành động khoan thăm dò của giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vừa qua hoàn toàn báo trước việc Bắc Kinh có thể khai thác dầu ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam bất kỳ lúc nào.

Trước câu hỏi này, ông Đỗ Thái Bình cho rằng Trung Quốc có điều kiện kinh tế để làm những công việc đó, và chính sách của Bắc Kinh cũng cổ súy cho việc khai thác năng lượng trên vùng biển mà họ cho là họ có chủ quyền. Với tiềm lực như hiện nay, Trung Quốc có thể khai thác dầu ở bất kỳ chỗ nào trên Biển Đông nếu họ muốn. Tuy nhiên, khi Trung Quốc khai thác dầu trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam sẽ đẩy cục diện mối quan hệ hai nước xấu đi rất nhiều.

Ông Đỗ Thái Bình cho biết thêm, không chỉ về khai thác tài nguyên biển, các lĩnh vực khác được gọi chung là công nghệ biển của Trung Quốc cũng đang rất hiện đại, từ vận tải, thăm dò, thậm chí là khảo cổ, chưa kể đến quân sự. Điều này cho thấy họ có dã tâm, nhưng họ cũng có chiến lược và định hướng một cách bài bản và rõ ràng.

“Vấn đề ở chỗ, chúng ta phải tự làm cho mình mạnh lên thay vì lo lắng trước sức mạnh và khả năng của họ.” – Chuyên gia Đỗ Thái Bình nhận định.

Minh 'Sâm' đã thừa nhận hành vi phạm tội

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục C47, đơn vị “chủ công” triệt phá vụ án- cho biết, Minh “Sâm” và đồng phạm đã thừa nhận hành vi phạm tội.

Minh 'Sâm' đã thừa nhận hành vi phạm tội

Ngày 18/8, trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (C47 - Bộ Công an) cho biết, sau gần 1 tuần băng nhóm tội phạm có tổ chức do Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh “Sâm”), Giám đốc Công ty TNHH Đại An và Nguyễn Thành Hưng (tức Hưng “Sóc”), Giám đốc công ty TNHH Thành Hưng Bắc Ninh cầm đầu bị triệt phá, cơ quan cảnh sát điều tra đã nhận được đơn tố cáo của nhiều bị hại từng bị băng nhóm này đe dọa, cưỡng đoạt tài sản.

Qua khai thác ban đầu, các đối tượng đã thừa nhận hành vi cưỡng đoạt tài sản. Theo đó, bất cứ một xe gỗ nào kể cả doanh nghiệp ở địa phương hay bên ngoài khi vào chợ gỗ Phù Khê (do Minh sâm và Hưng sóc quản lý) đều phải nộp cho băng nhóm này từ 1,2 -2 triệu đồng/xe. Nếu không nộp sẽ bị băng nhóm này khống chế, đe dọa không thể bán được hàng.

Chiều 13/8, các đối tượng đã bị bắt quả tang khi đang cưỡng đoạt số tiền 1,2 triệu đồng của một lái xe gỗ.

Ngoài số vũ khí thu giữ, hiện Cơ quan cảnh sát điều tra đã tạm giữ số lượng tiền mặt và niêm phong khối lượng gỗ lớn tại công ty TNHH Đại An, công ty TNHH Thành Hưng Bắc Ninh.

Hiện C47 đang phối hợp với lực lượng kiểm lâm kiểm đếm và kiểm tra nguồn gốc số gỗ này. Ngoài ra, C47 cũng đã tạm giữ 7 xe ô tô của các đối tượng, trong đó cả siêu xe Maybach 57S mà Minh "Sâm" thường xuyên sử dụng với giá nhiều tỉ đồng.

Về việc có hay không sự bao che, tiếp tay của lực lượng chức năng cho hoạt động của Minh “Sâm”, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn cho rằng việc này cần phải điều tra, trước mắt chưa có thông tin.

Đáng chú ý, khi đến thăm C47 nhân 69 năm Ngày truyền thống của lực lượng công an nhân dân vào chiều 18-8, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Vụ Minh “Sâm” giao cho C47 là cũng có lý do, đây là đơn vị có nhiều kinh nghiệm, uy tín”. Đây cũng là lời giải đáp cho băn khoăn của dư luận về việc C47 vào cuộc triệt phá một băng nhóm “xã hội đen” ở địa phương.

Như đã đưa, chiều và đêm ngày 13/8, Cục C47 phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an đã đột kích, khám xét tại 2 công ty TNHH Đại An do Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh “Sâm”) làm giám đốc và Công ty TNHH Công ty TNHH Thành Hưng Bắc Ninh (cùng đóng trụ sở ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) do Nguyễn Thành Hưng (tức Hưng “Sóc”) làm giám đốc; bắt Minh Sâm và Hưng sóc cùng 7 đồng phạm khác; thu giữ 1 quả lựu đạn, 6 khẩu súng quân dụng và súng bắn đạn hoa cải, 7 xe ô tô cùng nhiều tang vật, tài liệu liên quan đến vụ án.

Ngày 14/8, Cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “Cưỡng đoạt tài sản” liên quan đến 2 công ty này, bắt thêm đối tượng thứ 10 là Nguyễn Thanh Thắng (tức Thắng “Mậu”, ngụ Bắc Ninh). Đến ngày 17/8, cơ quan CSĐT đã khởi tố cả 10 đối tượng về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, C47 đang khẩn trương điều tra mở rộng vụ án.

Xác chết tay bị cột vào bao tải đá nổi trên sông Sài Gòn

Người dân kinh hoàng phát hiện xác chết người đàn ông với một cánh tay bị buộc vào một bao tải chứa đá, nổi bồng bềnh trên sông Sài Gòn.

Hiện trường xác chết người đàn ông được đưa vào bờ

Khoảng 12 giờ hôm nay (19/8), người dân đã phát hiện xác chết người đàn ông trôi dạt vào bờ sông Sài Gòn đoạn gần cầu Bình Lợi cũ (phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM).

Lực lượng chức năng khám nghiệm tại hiện trường, cho thấy, một cách tay của nạn nhân bị buộc vào bao tải một một bao tải màu xanh, bên trong chứa đá.

Cánh tay bên phải nạn nhân bị buộc chặt vào bao tải chứa đá.

Nạn nhân khoảng 30 tuổi, trên người mặc áo thun kẻ màu xanh, quần nâu trắng. Thi thể đang trong tình trạng phân hủy. Trên người nạn nhân không mang theo giấy tờ tùy thân nên chưa xác định được danh tính.

Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Máy bay 'mắc kẹt' trên trời vì kiểm soát không lưu ngủ gật

Vì kiểm soát không lưu ngủ quên trong khi làm nhiệm vụ, máy bay chở khách của hãng China Eastern Airlines đã phải hoãn hạ cánh.

Máy bay 'mắc kẹt' trên trời vì kiểm soát không lưu ngủ gật

Sự cố hy hữu xảy ra với chuyến bay của China Eastern Airlines, thực hiện lộ trình từ Tam Á, Hải Nam tới Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, Oriental Daily đưa tin.

Ngay sau khi phát hiện sự cố, nhân viên phụ trách radar của sân bay đã yêu cầu máy bay lượn vòng trên không trung chờ chỉ thị. 12 phút sau, máy bay nhận lệnh hạ cánh và đáp xuống sân bay an toàn.

Cục quản lý an toàn bay Khu vực miền trung và miền nam xác nhận sự cố là lỗi của các cá nhân trực tại tháp kiểm soát không lưu. Đơn vị này đã xác định danh tính hai nhân viên ngủ gật. Các nhân viên phụ trách radar cũng bị phạt vì không nhận thức đầy đủ mức độ nguy hại của sự cố khi yêu cầu máy bay lượn vòng trong bối cảnh mất liên lạc với trung tâm kiểm soát không lưu.

Cơ quan này cũng yêu cầu giới chức hàng không tỉnh Hồ Bắc gia tăng các hoạt động đào tạo và giám sát nhân viên, tránh để sự cố xảy ra trong tương lai, đồng thời tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho những chuyến bay chở khách.