"Xe điên" kéo lê thai phụ 50m rồi bỏ chạy
Chiếc ô tô sau khi gây tai nạn liên hoàn, đã đâm vào một thai phụ đang điều khiển xe máy cùng chiều và kéo lê hàng chục mét rồi bỏ chạy. Vụ tai nạn xảy ra khoảng 21h20 tối 4/10, trên đường Hà Huy Tập, TP.Hà Tĩnh.
Theo tin tức ban đầu, vào thời điểm trên xe ô tô mang BKS: 38N-4706 thuộc Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh do lái xe Trần Thi Vĩ (trú ở TP.Hà Tĩnh) điều khiển chạy với tốc độ nhanh. Khi đến đoạn đường Hà Huy Tập (TP.Hà Tĩnh), xe ô tô này bất ngờ đâm vào 1 chiếc xe máy nhãn hiệu Nouvo, khiến người điều khiển (chưa xác định được danh tính) bị văng lên giải phân cách.
Thai phụ Ngà bị xe điên đâm và kéo lên hàng chục mét.
Sau đó, "xe điên" đâm tiếp vào chị Lê Thị Khánh Ngà (SN 1991, trú phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh), đang điều khiển xe chạy cùng chiều. Chiếc xe bị cuốn vào gầm xe ô tô và bị kéo lê gần 50m. Tài xế lái "xe điên" tiếp tục lái xe bỏ chạy.
Chứng kiến sự việc, nhiều người dân đã lái xe đuổi theo "xe điên" đến đoạn xã Thạch Long (huyện Thạch Hà) đoạn cách tai nạn khoảng 10km thì mất dấu.
Chị Lê Thị Khánh Ngà nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu. Nhận được tin báo, lực lượng CSGT TP Hà Tĩnh nhanh chóng có mặt, và truy tìm tung tích chiếc xe gây tai nạn. Ngay trong đêm, lái xe Vĩ đã đến cơ quan công an đầu thú và chiếc xe gây tai nạn được đưa về trụ sở Công an TP Hà Tĩnh.
Trao đổi với PV, bác sĩ Võ Hoài Nam, khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết, chị Ngà đang mang thai 27 tuần tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bị hở xương đùi bên phải, gãy xương đùi trái…Hiện sức khỏe của chị Ngà vẫn đang trong tình trạng rất nguy kịch và đang được điều trị đặc biệt tại Khoa Hồi sức cấp cứu. Và mặc dù đã được cấp cứu kịp thời song thai nhi đã mất.
Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.
Thư ký tòa án nhân dân huyện Triệu Sơn bị bắt vì nhận hối lộ
Ngày 6/10, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố bị can, tạm giam Lê Sỹ Thuần, thư ký TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) về tội Nhận hối lộ.
Lệnh khám xét nơi ở và làm việc của bị can Thuần được thực thi. Hiện, nghi can bị di lý ra Hà Nội để phục vụ điều tra.
Cơ quan điều tra xác định, ông Nguyễn Bá Quý (58 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Tiến Nông, huyện Triệu Sơn) bị VKS huyện Triệu Sơn truy tố về tội Cưỡng đoạt tài sản. Theo kế hoạch, đầu tháng 9, vụ án sẽ được đưa ra xét xử.
Trước ngày hầu tòa, ông Quý tìm TAND huyện Triệu Sơn “chạy án”. Ngày 28/8, tại trụ sở tòa án, thư ký Thuần bảo ông Quý không nên thuê luật sư, đồng thời gợi ý đưa 30 triệu đồng để được xử hình phạt nhẹ.
Trong lúc giao trước 10 triệu đồng, bị can bí mật ghi âm các cuộc nói chuyện. Làm việc với cơ quan điều tra, thư ký tòa Thuần thừa nhận hành vi như tố cáo của ông Quý.
Liên quan vụ việc, Cục Điều tra hình sự VKSND Tối cao đang làm rõ sai phạm của chánh án TAND huyện Triệu Sơn Lê Ngọc Hiệp cùng một thẩm phán khác. Một tháng trước, ông Hiệp đã bị tạm đình chỉ công tác.
Bơm xăng sẽ được nhận hóa đơn ở TP.HCM
Sắp tới, khi đổ xăng dầu, khách hàng sẽ nhận được chứng từ giao dịch gồm các thông tin: lượng xăng dầu, số tiền phải thanh toán, thời gian, địa điểm…
Vừa hoàn thành thử nghiệm bởi Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, kế hoạch lắp đặt hệ thống in hóa đơn xăng dầu tại các trạm xăng đã được trình lên UBND TP.HCM để ban hành quy chuẩn tạm thời, đồng thời chờ quy định chính thức từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, quá trình thử nghiệm trong thời gian vừa qua là do Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM chịu trách nhiệm thực hiện chính.
“Việc thử nghiệm hệ thống in hóa đơn xăng dầu đã được triển khai trong khoảng thời gian một năm qua. Và đã hoàn thành báo cáo tại Sở Khoa học và Công nghệ vào ngày 3/10 vừa qua. Tới nay, chỉ còn đợi chỉ thị chính thức từ UBND Thành phố cũng như Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lường”, đại diện Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM cho biết.
Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chia sẻ, quá trình thử nghiệm và triển khai hệ thống in hóa đơn xăng dầu sẽ được thực hiện nghiêm chỉnh trên cơ sở của pháp luật. Hiện các lãnh đạo của Tổng cục đã tiếp nhận kết quả thử nghiệm và sẽ sớm họp bàn để có thông tin chính thức trong một hoặc hai ngày tới.
Theo kế hoạch này, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải lắp đặt thiết bị in chứng từ mới được phép tiếp tục hoạt động. Khi đổ xăng dầu, khách hàng sẽ nhận được chứng từ giao dịch gồm các thông tin: lượng xăng dầu, số tiền phải thanh toán, thời gian, địa điểm… Đây cũng là cơ sở có giá trị để giải quyết khiếu nại, sự cố liên quan đến việc mua bán xăng dầu.
Được biết, nhóm nghiên cứu dự án đã thử nghiệm việc lắp thiết bị ngoại biên, lấy xung từ bộ phận đo lường để in chứng từ mà không cần can thiệp trực tiếp vào hệ thống điều khiển của trụ bơm. Việc thử nghiệm cho thấy, ở chế độ bơm theo lít, số tiền cho kết quả thống nhất giữa chứng từ và đồng hồ báo trên trụ bơm. Tuy nhiên, ở chế độ bơm tự động, sai số giữa chứng từ và đồng hồ báo lớn nhất là 500 đồng cho một lần bơm. Sai số này có thể chấp nhận được theo nguyên tắc làm tròn số có lợi cho khách hàng.
Chi phí cho việc lắp đặt một thiết bị ngoại vi để in hóa đơn khoảng 8,5 triệu đồng, tổng chi phí cho tất cả các cửa hàng trên toàn thành phố sẽ vào khoảng 30 tỉ đồng. Trước đó, vào năm 2012, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng đã thử nghiệm thiết bị in hóa đơn nối trực tiếp với bộ điều khiển, hiển thị của trụ bơm có chi phí lên tới 10 triệu đồng/trụ, và đã không được các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đón nhận.
Việc thử nghiệm in hóa đơn xăng dầu của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhằm thực hiện chỉ đạo của UNBND thành phố về giảm thiểu việc gian lận trong kinh doanh xăng dầu và xăng dầu không đúng chất lượng. Theo thống kê của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện đang có 517 cửa hàng xăng dầu với khoảng 3.500 trụ bơm thuộc 64 kiểu loại.
121 người chết/ngày do Ebola tại Sierra Leone
Chính phủ Sierra Leone xác nhận tình hình dịch Ebola đang rất đáng báo động khi đã có 121 trường hợp tử vong trong chỉ một ngày tại quốc gia này.
121 người tử vong là con số kỷ lục về số người chết do Ebola tại một quốc gia trong một ngày kể từ khi dịch bệnh này bùng phát. Con số trên được chính phủ Sierra Leone đưa ra vào thứ 7 (4/10). Theo đó, tổng số người chết do Ebola tại đất nước này đã lên tới con số 678 trong khi một ngày trước đó con số này chỉ là 557.
Ebola lần đầu tiên được phát hiện ở Guinea vào tháng 3 và từ đó lan ra các nước láng giềng Liberia và Sierra Leone. Đây là đại dịch tồi tệ nhất của căn bệnh này kể từ khi nó được phát hiện vào năm 1976. Bên cạnh đó, dịch Ebola nhỏ cũng đang diễn ra tại Nigeria và Senegal. Mỹ tuần trước đã xác nhận trường hợp Ebola đầu tiên phát bệnh trong lãnh thổ nước này. Đó là một người Liberia du lịch đến Texas. Tổng số người chết do Ebola đã tăng lên 3439 người trong tổng số 7492 trường hợp mắc bệnh ở Tây Phi.
Sau những phản ứng chậm chạp ban đầu, các quốc gia trên thế giới đang tập trung rất nhiều nguồn lực y tế vào Tây Phi. Mỹ đã triển khai 4000 nhân viên quân sự đến đất nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của căn bệnh này là Liberia. Anh và Trung Quốc cũng đã gửi nhân viên y tế đến Sierra Leone. Cuba đã cử một đội y tế gồm 165 người đến Sierra Leone vào tuần trước. Thứ trưởng bộ y tế và vệ sinh môi trường Cuba cho biết nhiệm vụ của đội ngũ y tế nước này tại Tây Phi sẽ kéo dài ít nhất sáu tháng.