Nhìn gương mặt hốc hác, khắc khổ của người cha; sự thẫn thờ, lo toan trong ánh mắt người mẹ tại căn nhà nhỏ đơn sơ của Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam Triệu Thị Hà mới cảm nhận được hết cái không khí rầu rĩ đang bao trùm lên gia đình cô trong những ngày “bão tố” khi xảy ra những lùm xùm, khẩu chiến căng thẳng giữa Triệu Thị Hà và Quý bà Đoàn Thị Kim Hồng và câu chuyện trả lại vương miện Hoa hậu vẫn chưa có hồi kết...
Hoa hậu phụ quán cơm
Vượt quãng đường rừng dài hơn 300km từ Hà Nội, phóng viên tìm đến nhà Triệu Thị Hà trong một buổi sáng mưa phùn tại xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Đứng trước căn nhà nhỏ cũ kĩ chưa đầy 40m2, tôi thoáng có chút bất ngờ vì cứ nghĩ nhà của một Hoa hậu chắc phải làmột căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Căn nhà đơn sơ đến mức tồi tàn, trong nhà chỉ có chiếc tivi cũ kỹ là vật dụng có giá trị. Không gian ấy như cộng hưởng cùng sự nặng nề của tâm trạng bố mẹ cô Hoa hậu đang dính vào những câu chuyện lùm xùm không hay đang dậy sóng dư luận khiến mọi thứ càng đượm màu u ám.
Đón tiếp tôi bên ly rượu ngô thơm nồng của người dân tộc Nùng, ông Triệu Văn Lực (cha của Triệu Thị Hà) kể: “Gia đình tôi làm nông nghiệp, mỗi năm một vụ lúa, một vụ ngô cũng chỉ đủ cái ăn vào miệng thôi. Tôi đau ốm suốt, mắt lại mờ nên chỉ quẩn quanh ở nhà nuôi con gà con lợn, còn việc đồng áng thì đổ lên đầu mẹ nó hết. Nghĩ mà thương lắm!”.
Tiếp dòng tâm sự, ông Lực cho hay, sau khi xuất ngũ, ông làm việc cho cơ quan quản lí thị trường huyện Quảng Uyên. Trong một lần truy bắt nhóm đối tượng buôn lậu hàng hóa từ Trung Quốc qua Cao Bằng, ông bị tai nạn giao thông khiến một bên chân bị thương tật, hệ thần kinh bị ảnh hưởng. Một thời gian sau bệnh của ông biến chứng khiến hai mắt bị mờ, với một bên mắt 1/10 vàmột bên 4/10...
Trang 1 bản hợp đồng mà các thí sinh phải ký.
“Từ nhỏ, Hà đã theo bố mẹ lên nương trồng lúa, trồng ngô. Vì làchị lớn trong nhà nên có những lúc Hà vừa thả trâu vừa tranh thủ học bài. Ai cũng khen nó ngoan hiền, xinh đẹp. Sau này, khi nó lớn lên một chút, nhà tôi có mở quán cơm phục vụ cánh lái xe dọc đường. Quán đông khách lắm vì có nó xinh đẹp, lễ phép phụ giúp. Ngày đó, có nhiều người nói vui là nó xinh như hoa hậu. Ai dè, sau này nó thành hoa hậu thật!”, ông Lực tự hào.
Theo lời cha mẹ của Hà, sau khi tốt nghiệp THPT, Hà học tập tại trường Dự bị đại học Dân tộc Trung ương ở TP.Việt Trì. Sau đó, cô được theo học tại Khoa Tài chính - Kế toán, Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên. Được vài tháng thì Hà tự mình đăng kí dự thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam năm 2011. Tuy nhiên, Hà không hề thông báo cho gia đình biết, cũng không hề xin bất kì khoản kinh phí hỗ trợ dự thi nào từ cha mẹ hay họ hàng người thân.
“Cái Hà đăng kí đi thi Hoa hậu gia đình tôi không hề hay biết, chỉ khi được lọt vào vòng chung kết thì nó mới gọi điện thông báo cho tôi. Khi nó đạt giải, lên ngôi Hoa hậu thì tôi cũng tự hào và vui lắm, đi đâu bà con làng xóm cũng hỏi thăm, chúc mừng, lại được tặng nhiều bằng khen từ các cấp chính quyền trong tỉnh nên cũng mở lòng mở dạ”, bà Lí Thị Hường, mẹ của Triệu Thị Hà chia sẻ.
“Giá như con tôi không thành hoa hậu!”
Tự hào là vậy nhưng khi khi phóng viên trao đổi với cha mẹ của Triệu Thị Hà về những mâu thuẫn rắc rối trong thời gian vừa qua giữa Triệu Thị Hà và bà Đoàn Thị Kim Hồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CIAT, đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2011 thì cha mẹ Hà bỗng chùng xuống. Tuy nhiên, chính những bậc sinh thành này cũng thừa nhận là mình đang lạc trong “ma trận” thông tin, gần như không biết chút thông tin nào đúng - sai. Kể cả việc Hà viết đơn xin trả lại vương miện. Bà Hường nói: “Chúng tôi chỉ nghe họ hàng láng giềng kể lại là bà Kim Hồng lên báo tố cáo con mình vi phạm hợp đồng nào đó. Vợ chồng tôi cũng lo lắng lắm, gọi điện hỏi con bé thì nó bảo bố mẹ cứ yên tâm, không có chuyện gì, nhưng thân làm cha mẹ thì không lo sao được”.
“Hôm 25/5 vừa rồi, Hàcó về nhà, cả nhà xúm lại hỏi thì nó bảo: “Bà Hồng không làm gì được con hết”. Tôi thấy nó nói vậy thì biết thế chứ ruột gan tôi như có lửa đốt vậy. Tôi có giữ nó ở lại ăn cơm nhưng nó bảo chỉ tranh thủ đi chào hỏi họ hàng làng xóm được một chút thôi, chiều phải đi Sài Gòn ngay”, người phụ nữ tên Đào, bác dâu của Hà chia sẻ.
Bố mẹ hoa hậu Triệu Thị Hà
“Ngày trước khi nghe cái Hà nói muốn bảo lưu kết quả đại học để chuyển vào Sài Gòn lập nghiệp, vợ chồng tôi phản đối dữ lắm. Tuy nhiên, nó vẫn nằng nặc đòi đi. Lúc này, chúng tôi đành phải dùng sức ép từ đại gia đình bằng cách làm vài mâm cơm để xin ý kiến mọi người trong dòng họ Triệu. Lúc đó, hầu hết mọi người đều khuyên can Hà không nên đi mà nên tập trung vào học cho xong rồi hẵng đi làm. Tưởng lànhư vậy Hà sẽ nghe ra nhưng nó cứ khăng khăng nhất quyết phải vào trong đó. Nó còn nói sẽ có bà Kim Hồng “đỡ đầu”, nó sẽ làm cho công ty của bà Kim Hồng rồi bảo chúng tôi ở nhàyên tâm. Giờ mọi chuyện thế này, tôi cứ ước giá như nó không thành Hoa hậu thì giờ đã tốt nghiệp Đại học rồi. Có khi vợ chồng tôi còn có cháu bồng, cháu bế”, ông Lực, bố của Hà thở dài.
Cũng theo lời kể của cha mẹ Triệu Thị Hà, từ khi chuyển vào TP.Hồ Chí Minh làm việc cho công ty của bà Kim Hồng thì Hà rất ít khi về thăm gia đình, họa hoằn lắm cả năm mới về được đôi ba lần. Mỗi lần cũng chỉ được nửa ngày đến một ngày. Dù Hà nói làm việc cho công ty của bà Kim Hồng nhưng không gửi một khoản chu cấp nào về cho cha mẹ.
“Nhiều lúc nhớ con tôi cũng có gọi điện hỏi thăm, Hà bảo công việc vẫn ổn định và đang theo học tại chức ở một trường đại học luật trong Sài Gòn, tôi cũng mừng cho nó và cũng chỉ biết dặn dò nó cố gắng học tập chứ có biết nó làm việc như thế nào đâu. Giờ mọi chuyện vỡ lở như vậy tôi cũng chẳng biết phải làm sao anh à, giá như ngày trước tôi không cho nó đi, giá như nó không phải là hoa hậu thì giờ đâu đến nỗi...”, mẹ của Hà lại ngẹn ngào.
Khi phóng viên đề cập tới một trường hợp có thể xảy ra là bà Kim Hồng sẽ đề đơn kiện Hà ra tòa án thì không khí của buổi nói chuyện dường như lắng hẳn xuống. “Chuyện này thì gia đình tôi có biết, nghe người ta bảo nếu bà Hồng mà kiện thì cái Hà sẽ phải bồi thường 2 tỷ, thú thật với anh vợ chồng tôi ở nhà làm ruộng thì kiếm đâu ra số tiền lớn như vậy? Anh cũng nhìn thấy đấy, trong nhà chẳng có đồ đạc gì giá trị, ngộ nhỡ có xảy ra chuyện thật thì có bán ruộng, bán nhà đi cũng chẳng đủ mà đền”, cha của Hà ngán ngẩm.
Uống cạn chén rượu ngô đầy, rít một hơi thuốc, cha của Hoa hậu Triệu Thị Hà tiếp tục trải lòng mình: “Hôm vừa rồi (25/5), Hà cũng về nhà được nửa ngày, nó bảo gần đây thấy báo chí làm rùm beng lên chuyện của nó nên về thăm cho mọi người yên tâm, cũng không nói gì thêm. Nó chỉ kịp ăn bữa cơm trưa rồi lại phải đi luôn. Từ ngày Hà đạt giải hoa hậu, chúng tôi như mất con, lần nào nó về cũng chóng vánh như vậy, mọi thông tin về nó bên ngoài vợ chồng tôi đều không nắm được nên thật sự là tôi lo lắm anh à!”
Bản hợp đồng có nhiều điểm “lăn tăn”
Ở một diễn biến khác, thông qua các nguồn tin, phóng viên đã có được bản hợp đồng quy định quyền lợi và trách nhiệm ký giữa Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Quốc tế - CIAT với thí sinh dự thi vòng chung kết Cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần thứ 3 năm 2013. Qua trao đổi với Quý bà Kim Hồng, Chủ tịch HĐQT của CIAT thì bà Hồng cho biết đây cũng là bản hợp đồng được “sao y” từ các hợp đồng của kỳ thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam trước. Từ bản hợp đồng này, đã hé lộ những vấn đề được cho là nhạy cảm và là ngòi nổ cho các mâu thuẫn giữa các thí sinh đạt giải với Công ty CIAT của Quý bà Kim Hồng...
Theo đó, đây là bản hợp đồng được ký vào ngày 11/6/2013, các thí sinh lọt vào vòng chung khảo của cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam đều phải ký vào hợp đồng này trước khi bước vào vòng thi Chung khảo để tìm ra người đạt vương miện và các danh hiệu. Bản hợp đồng quy định rõ các điều khoản căn bản mà các thí sinh tham dự vào chung khảo phải đảm bảo như các yếu tố về tuổi tác, ngoại hình, đạo đức và trách nhiệm xã hội của các thí sinh trong quá trình tham gia cuộc thi và đạt giải.
Tuy nhiên, sự “lăn tăn” bắt đầu xuất hiện khi người ta đọc tới Khoản 4.2 thuộc Điều 4, quy đinh về quyền lợi của bên A, tức Công ty CIAT. Tại khoản này, có quy định rõ: CIAT được độc quyền ký kết các hợp đồng về từ thiện, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, MC, trình diễn thời trang, đóng phim, quảng cáo theo kế hoạch của bên A (tức CIAT) gửi cho bên B. Đồng thời, CIAT được quyền sử dụng các hình ảnh của các hoa hậu, thí sinh đạt giải trong các sự kiện do CIAT tổ chức. CIAT cũng được quyền sở hữu các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, quay phim, quảng cáo, thời trang, nhiếp ảnh có sự tham gia của các thí sinh đạt giải.
Cùng với đó, trong một nội dung khác của hợp đồng này cũng quy định rõ việc CIAT yêu cầu các thí sinh đạt giải không được tự ý ký kết các hợp đồng kinh tế và phải bồi thường các thiệt hại nếu các thí sinh ký kết các hợp đồng kinh tế với các đối tác khác về các hoạt động từ thiện xã hội, thời trang, nhiếp ảnh, quay phim, quảng cáo... Đồng thời, CIAT có quyền đề nghị các cơ quan chức năng xử lý khi các thi sinh vi phạm các nghĩa vụ của mình.
Bản hợp đồng cũng quy định rõ ràng việc CIAT phải huấn luyện, đào tạo và tạo mọi điều kiện để các thí sinh đạt giải tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, đóng phim, quảng cáo, nhiếp ảnh, nghệ thuật... nhằm quảng bá cho thương hiệu của cuộc thi vàvẻ đẹp tâm hồn, sự năng động, trí tuệ của các thí sinh.
Để làm rõ việc thực hiện các nghĩa vụ trên có thực sự bài bản và đúng quy trình, phóng viên đã liên hệ với bà Kim Hồng để đặt vấn đề phỏng vấn. Bà Kim Hồng vui vẻ nhận lời và đề nghị phóng viên gửi các câu hỏi vào email của bà để buổi tối cùng ngày, bà Hồng sẽ trả lời các câu hỏi trên. Trong các câu hỏi mà phóng viên gửi tới bà Kim Hồng có các câu hỏi sau:
1. Qua tiếp xúc với các Hoa hậu, Á hậu đạt giải sau cuộc thi, họ đều tiết lộ CIAT không có một chương trình hành động hoặc đề án hoạt động về từ thiện, xã hội và xây dựng thương hiệu sau khi đăng quang. Điều này thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của CIAT trong việc tổ chức? Đồng thời gây ảnh hưởng tới hình ảnh và sự đóng góp của các Hoa hậu, Á hậu cho xã hội?
2. Qua bản hợp đồng ký giữa CIAT và các thí sinh tham dự vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, toàn bộ các hoạt động thương mại của thí sinh đạt giải sau khi đăng quang đều phải ký qua CIAT với tư cách là đơn vị độc quyền. Bà bình luận gì về điều này?
3. Chúng tôi được biết CIAT không chỉ hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện mà còn có nhiều ngành nghề kinh doanh khác, dư luận đặt ra rằng phải chăng các Hoa hậu, người đẹp được đưa vào các cuộc giao lưu, tiếp khách của CIAT là vì lợi ích của CIAT?
Trước các câu hỏi này, bà Kim Hồng đã gọi điện cho phóng viên. Bà Hồng không phủ nhận các thông tin đưa ra trong các câu hỏi nhưng bàHồng từ chối trả lời và bình luận. Ở một cuộc gọi điện khác, bà Hồng nói đại ý: Việc ký các hợp đồng trên chỉ có ý răn đe các thí sinh. Còn việc thực hiện các nội dung hay không lại khác.
Trong khi đó, trả lời phóng viên, Thùy Trang, người đạt danh hiệu Á hậu 2 Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010 cho biết, khi cô tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, cô và các thí sinh khác không phải ký bất kỳ một hợp đồng ràng buộc nào với Ban Tổ chức hoặc đơn vị tổ chức mà chỉ có những quy định phải thực hiện trong thời gian 15 ngày tổ chức vòng chung khảo của cuộc thi. Sau đó, các hoạt động sau đăng quang, đặc biệt làcác hoạt động thương mại, các thí sinh đều được quyền tự quyết. Đây cũng là điều mà Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân chia sẻ trên một tờ báo điện tử.
Bình luận về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Như Mai, nguyên Vụ trưởng vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương đưa ra ý kiến: Thi hoa hậu là một hoạt động văn hóa tôn vinh vẻ đẹp hình thể và tâm hồn của người phụ nữ. Nếu những người tổ chức và tham gia cuộc thi đó lại quá coi tập trung vào các yếu tố phi văn hóa – mà ở đây là những bản hợp đồng thương mại rồi lơ là đi các yếu tố chân - thiện - mỹ khác thì thật sự không ổn. Nó thể hiện sự kém cỏi và ích kỷ của cả người thi và người tổ chức.
Trong một diễn biến khác, ngày 10/6, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL) Vũ Xuân Thành đã ký Công văn số 54/TTr- VHGĐ gửi Công ty CIAT về việc xin thu hồi vương miện của Hoa hậu Triệu Thị Hà. Theo đó, trả lời Công văn của Công ty CIAT về việc đề nghị Bộ VH,TT&DL chấp thuận cho Ban Tổ chức cuộc thi thu hồi vương miện Hoa hậu của Triệu Thị Hà, ông Vũ Xuân Thành khẳng định: “Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, chưa quy định về việc thu hồi danh hiệu Hoa hậu”.
Về kiến nghị Bộ VH,TT&DL có ý kiến với Cục An ninh chính trị nội bộ và Cục An ninh điều tra, Bộ Công an để điều tra, làm rõ và xử lý Triệu Thị Hà vì đã có những phát ngôn vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự đối với bà Đoàn Thị Kim Hồng và Công ty CIAT, Công văn cũng nêu rõ: Việc các trang điện tử, báo mạng và báo viết đưa nhiều thông tin về việc bà Triệu Thị Hà đã có những phát ngôn không đúng sự thật, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của bà Đoàn Thị Kim Hồng và Ban Tổ chức, đề nghị bà và Công ty CIAT gửi đơn đến Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, xử lý hoặc khởi kiện ra Tòa án. Đối với những tin nhắn có nội dung đe dọa, khủng bố, xúc phạm danh dự của cá nhân và Công ty CIAT, Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL cũng đề nghị Công ty gửi đơn đến cơ quan Công an giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trước câu trả lời của Thanh tra Bộ VH,TT&DL về việc không thể thu hồi danh hiệu Hoa hậu của Triệu Thị Hà, phía CIAT – bà Kim Hồng cho biết sẽ có phản hồi sớm nhất tới báo chí. Trước đó, Công ty CIAT đã có nhiều Công văn gửi Bộ VH,TT&DL về việc cho phép đơn vị tổ chức thu hồi danh hiệu Hoa hậu của bàTriệu Thị Hà và xử lý những phát ngôn không đúng sự thật, vu khống của bàTriệu Thị Hà.