Bằng tấm lòng bao dung, độ lượng và cách xử sự đầy tính nhân văn ấy, bà đã viết lên câu chuyện thấm đẫm tình người ở chốn pháp đình.
Nuôi con trong bóng tối
Hà Nội trời trở lạnh, cái rét tê tái tràn trụa khắp hội trường xét xử. Ngồi phía cuối hàng ghế dành cho thân nhân người bị hại, bà Tuân co mình trong chiếc áo xanh sờn cũ. Trong suốt phiên tòa ngày hôm ấy, bà chỉ khóc. Tất cả mọi thủ tục pháp lý tại tòa, bà ủy quyền nhờ người anh trai làm giúp. Nỗi đau mất con khiến người đàn bà quê mùa, lam lũ đến từ đồng đất trung du Phú Thọ gần như kiệt sức.
Lần giở cuộc đời của người đàn bà thậm khổ này, người ta thấy quãng khúc nào cũng đắp đầy nước mắt. Nhà nghèo, thất học từ sớm, tuổi thơ của Tạ Thị Tuân (SN 1961, Đội 2, Thụy Vân, Việt Trì, Phú Thọ) là những tháng ngày vật vã mưu sinh. Gần 30 tuổi, bà mới về gá nghĩa vợ chồng với một người đàn ông quê ở Hải Dương. Năm 1991, bà sinh con trai và đặt tên là Kim Tiến Toàn. Bà hy vọng sau này con mình sẽ có cuộc sống tròn đầy, viên mãn, công danh vẹn toàn hơn cha mẹ.
Khi Toàn lên 3 tuổi, không chịu nổi cảnh sống bần hàn trong ngôi nhà gianh tre nứa lá, chồng bà rũ áo ra đi. Và cũng bặt từ đó đến giờ, người đàn ông ấy không thèm quay lại cái sườn đồi dốc dác để xem vợ con mình sống ra sao. Nghe nói, ông đã lấy vợ khác và có một gia đình mới ít phải lo toan hơn ở dưới Hải Dương. Ngay cả ở phiên tòa xét xử kẻ đã ra tay hạ sát con mình, ông cũng không có mặt.
Từ đó, bà Tuân ở vậy nuôi con. Ở cái đồng đất trung du Phú Thọ, đến sức dài vai rộng còn khó kiếm nổi miếng ăn, huống hồ nhà chỉ một đàn bà chân yếu tay mềm lại bìu ríu con thơ, nên cuộc sống của hai mẹ con chưa lúc nào thôi khốn khó. Cũng có một vài người đàn ông đánh tiếng muốn về sống cùng bà để san sẻ lo toan, nhưng bà đều từ chối. Qua một cuộc hôn nhân lỡ dở, bà như con chim sợ cành cong. Vả lại, bà cũng muốn toàn tâm, toàn ý để bù đắp những thiếu hụt về tình cảm cho con.
Bà kể, lúc còn sống, Toàn là đứa con hiếu đễ. Bất cứ việc gì nặng nhọc trong gia đình, nó cũng giành làm thay mẹ. Nhà một mẹ một con, Toàn vừa là niềm hy vọng, vừa là rường cột để bà nương tựa lúc tuổi già. Ấy vậy mà giờ lá xanh rụng trước lá vàng, bà biết nương tựa vào ai?!
Chỉ vì một phút ngông cuồng, Bình đã phải trả giá bằng cả tuổi trẻ của mình
Kể từ ngày Toàn bị Đinh Văn Bình (SN 1994, trú ở khu 2, thị trấn Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) sát hại, bà gần như không ăn, không ngủ. Đêm nào bà cũng ra mộ con, vạ vật ngoài đó đến nửa khuya mới trở về. Bà sợ con mình cô quạnh. Cũng chính vì nỗi đau quá lớn nên thời gian gần đây bà lại mắc thêm chứng bệnh đau đầu. Mỗi khi xúc động hay tức giận, đầu bà như muốn bổ làm đôi, đau như ai cào cấu. Đi khám, bác sỹ bảo bà bị thần kinh thể nhẹ. Thế cho nên, mọi biến cố đời mình, bà lúc nhớ lúc quên. Dù đã xuống bệnh viện nhìn mặt rồi tự tay tắm rửa, khâm liệm cho con, nhưng bà vẫn nhất định không tin rằng khúc ruột buốt xót duy nhất của mình đã mất. Trong tiếng nấc, bà bảo, chắc thằng Toàn nó mải chơi chỉ đi loanh quanh đâu đó rồi vài hôm nữa nó sẽ về. Sau câu nói ấy của bà, cả hội trường xét xử gần như nín lặng.
Tấm lòng bao dung của người mẹ mất con
Đớn đau, buốt xót là thế, nhưng kỳ lạ là trong suốt cả phiên xét xử, tịnh không thấy có bất kỳ sự thù hận nào trên khuôn mặt sạm đen, khắc khổ của bà. Tất cả mọi cơ hội được nói trước Hội đồng xét xử, bà Tuân đều xin giảm nhẹ hình phạt cho kẻ đã cầm dao sát hại con mình. Ngay cả khi nghe chủ tọa phiên tòa hỏi có yêu cầu gì đối với gia đình hung thủ, bà chỉ khẽ khàng: “Con tôi vắn số! Người chết thì cũng đã xanh cỏ rồi, người sống làm khổ nhau làm gì thêm nữa. Tôi cũng chả đòi hỏi gì nhiều, chỉ xin Tòa giảm nhẹ hình phạt cho cháu Bình, để cháu còn có cơ hội làm lại cuộc đời. Bà Hằng, mẹ cháu Bình cũng như tôi thôi, một đằng mất con, một đằng phải nuôi con tù tội, nỗi đau nào cũng lớn lao. Xin Tòa lượng hình xem xét…”.
Cảm phục trước tấm lòng bao dung, độ lượng của bà Tuân, ông Đinh Văn Ninh, bố của Bình, đã không thể cầm lòng. Ông thụp lạy bà Tuân trước hàng trăm cặp mắt của những người tham dự phiên tòa. Khi HĐXX bước vào phần nghị án, bà Tuân đi như chạy ra khỏi hội trường. Khi bước chân líu ríu chạm hành lang, bà tức tưởi như chưa hề được khóc. Tiếng khóc bật ra từ lồng ngực của người đàn bà lam lũ ấy nghe buồn lặng, buồn sâu.
Bà bảo, trước khi mất, Toàn có xin bà xuống Hà Nội làm thuê để kiếm tiền trả nợ. Bởi trước đó, hai mẹ con cũng đã vay mượn sửa sang lại ngôi nhà để chuẩn bị cho Toàn cưới vợ. Nếu không có cái buổi tối định mệnh ấy, giờ chắc bà đã có cháu bồng, cháu bế, đã được hưởng ít nhiều sự thơi thoáng tuổi già.
Đó là đêm 1/6/2012, Toàn cùng bạn là Nguyễn Văn Cường (SN 1990, người cùng quê Phú Thọ) rủ nhau tới Triển lãm Vân Hồ xem ca nhạc. Không đủ tiền mua vé, hai người đành ghé vào quán bia gần triển lãm. Sau khi uống hết vài cốc, thấy mọi người lục tục ra về, Toàn rủ bạn vào trong khu triển lãm. Đúng lúc Toàn đang tiến về tòa nhà M1 thì vô tình nhìn thấy nhóm của Đinh Văn Bình đang chỉ trỏ về phía mình.
Toàn và bạn tiến đến căn vặn Bình, hai bên liền xảy ra xô xát. Toàn có lớn tiếng vài câu và tát Bình một cái. Đáp trả, Bình liền rút con dao bấm đâm liên tiếp 4 nhát vào ngực, bụng Toàn. Thấy bạn bị tấn công, Cường hoảng sợ và bỏ chạy. Thế nhưng Bình tiếp tục đuổi theo và đâm Cường một nhát vào chân. Tuy được người dân đưa đi cấp cứu, nhưng vì vết thương quá nặng, Toàn đã tử vong.
Trước HĐXX, Bình lý giải về tội ác của mình: “Tại vì bị cáo thấy anh Toàn to khỏe hơn nên mới phải dùng dao để chống cự. Con dao đó là do lúc chiều bị cáo gọt hoa quả rồi đem đút túi quần, khi đi vội quá nên chưa kịp cất. Bị cáo biết lỗi của mình rồi, xin Tòa mở lượng khoan hồng…”. Nói xong, Bình cũng luống cuống quay đầu xuống phía bà Tuân nói lời tạ tội. Xét thấy hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, có tính chất côn đồ, nhưng do khi phạm tội, bị cáo chưa đủ 18 tuổi nên TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt Đinh Văn Bình 16 năm tù.
Phiên tòa kết thúc, bà Tuân vẫn ngồi gần như bất động. Phải đến gần 30 phút sau bà mới rời khỏi phòng xét xử, bước chân nặng nhọc, xiêu xiêu như thể mộng du. Đã có rất nhiều tiếc nuối, xót xa đằng sau phiên tòa đẫm nước mắt này. Giá như những thanh niên mới lớn như Bình bớt đi cái ngông cuồng của tuổi trẻ, thì đâu đến nỗi người chết, kẻ vào tù, đẩy cha mẹ vào cơn bĩ cực. Con cái là thanh vịn lúc xế chiều, giờ thanh vịn ấy không còn, có lẽ quãng đời còn lại của bà Tuân sẽ gập ghềnh, chênh vênh hơn bao giờ hết. Tuổi già hun hút…