Nổ bỏng đón Tết

Cứ mỗi độ Tết đến thì tiếng đùng đùng vang lên khắp xóm làng. Đó là tiếng nổ bỏng để làm bánh truyền thống của người Tày, Nùng.
Xuân về trên khắp các vùng, miền của đất nước, nhà nhà, người người hối hả chuẩn bị đón mừng năm mới, mỗi vùng mỗi kiểu, mỗi dân tộc cũng có cách chuẩn bị Tết của mình.

Đối với người dân tộc Tày, Nùng, dù sinh sống ở bất cứ vùng nào cũng không quên những tập tục của dân tục mình. Trong đó, xay gạo làm bánh khảo, nổ gạo làm bánh cốm là không thể thiếu.

Tại ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú - Bình Phước từ gần chục năm qua, lò nổ gạo của ông Đàm Xuân Lưu (SN 1958) đã nổi tiếng khắp các xã lân cận. Nhiều gia đình ở tận xã Tân Hòa, Thuận Lợi, Tân Hòa (huyện Đồng Phú), Nghĩa Bình, Thống Nhất (huyện Bù Đăng) dù cách xa 30-40 km cũng đem gạo nếp tới nổ bỏng vì tay nghề của ông khá cao.
 
 
Lò “nổ gạo” của ông Đàm Xuân Lựu ở ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú - Bình Phước
 
 
Người dân đem nếp đến chờ đến lượt nổ bỏng

Ngay từ mùng 10 tháng Chạp, nhiều gia đình đã bắt đầu đem gạo nếp tới lò để nổ bỏng làm bánh cốm.

Do lượng người đến nổ bỏng quá đông nên 2 bễ luôn đỏ lửa. Anh Đàm Trung Thắng (SN 1989, con ông Lựu), cho biết để gạo nếp trở thành miếng bánh cốm chưng bàn thờ vào dịp Tết đối với người dân tộc Tày, Nùng phải qua nhiều công đoạn.

Trước tiên, cho gạo nếp vào quả nổ được thiết kế bằng gang, hình trụ tròn, tại tay quay có gắn đồng hồ đo áp suất, đầu còn lại của “quả nổ” có nắp cài kín để tạo hơi nóng nấu chín nếp bên trong. Mỗi quả nổ bỏng chứa được 1,5 – 3 kg gạo nếp.

Sau khi cho gạo vào quả nổ, thợ sẽ đặt quả lên bễ lửa luôn đỏ rực để quay. Nếu thợ quay nhanh, sẽ mất khoảng 6 phút/quả, quay chậm mất 8 phút/quả.
 
 
Anh Thắng cùng thợ đang quay quả nổ để gạo nếp thành bỏng
 
Khi nhiệt độ trên đồng hồ tăng vài trăm độ C, thợ lấy quả nổ đặt lên một cái giá đỡ. Chân thợ đạp quả nổ, tay dùng chày gỗ đập mạnh vào nắp của nó. Lúc này, 1 tiếng nổ đinh tai phát ra kèm theo là cơn mưa hoa bỏng.
 
Theo anh Thắng, sở dĩ có tiếng nổ lớn là do sức nóng của ngọn lửa làm tăng áp suất bên trong quả nổ, khi có lực tác động đột ngột nên gây nổ.

Lúc này người chủ của số gạo nếp chỉ còn việc “thu hoạch” số bỏng của mình đem ra cho thợ làm cốm.
 

Thu dọn số bỏng của mình vào túi ny lông
 
 
Bỏng nổ xong trắng muốt, đổ vào thau chờ làm cốm
 
 
Thắng đường tán trên chảo đỏ lửa để làm bánh cốm
 
Đối với việc làm bánh cốm, trước khi bỏng được đưa ra, thợ bỏ đường tán vào chảo đỏ lửa để thắng cho chảy ra. Khi thắng đường cũng phải thật đều tay, mỗi mẻ cốm cần từ 1–2 kg đường tán (tương ứng với khoảng từ 1-3 kg gạo nếp) và mất khoảng 10 phút thắng.

Lúc đường trong chảo đã “đủ độ”, người thợ làm bánh đổ bỏng vào chảo quấy thật đều cho đường và bỏng kết dính vào nhau rồi đưa lên khuôn gỗ, dùng chày nén cho chặt, sau đó lấy dao cắt ngang dọc thành từng miếng. Bây giờ, chiếc bánh có hình chữ nhật, dày khoảng 3 cm, ngang 8 cm, dài khoảng 15 cm và gọi là bánh cốm.
 

Dùng chày gỗ nén cho bánh cốm kết dính
 
Theo ông Lựu, 1 kg gạo nếp nổ thành bỏng, khách hàng trả cho thợ nổ 5.000 đồng. Còn bánh cốm, người thợ thắng đường được trả từ 20.000 đồng – 30.000 đồng/mẻ.

Trong dịp Tết Nguyên đán, mỗi ngày tại nhà ông Lựu có 2 thợ nổ bỏng làm việc quần quật từ 7 giờ đến 17 giờ không ngơi tay.
 

Ông Lựu cùng khách hàng cho bánh cốm vào bao nylông đem về nhà trưng bàn thờ tổ tiên
 
Miếng bánh cốm sau khi ra lò có mùi thơm của nếp, mùi hương của đường thắng đều tay, khi nhai rất giòn, ngọt và rất ngon. Đến đây, người đi nổ bỏng làm bánh cốm chỉ còn mỗi việc cho từng miếng bánh vào bao nylông, trả tiền công cho thợ rồi về.

Tết đến, bánh cốm được chưng lên bàn thờ cùng với các loại bánh khảo, bánh chưng để cúng tổ tiên, số còn lại để dành đãi khách.