Việc thương lái thu mua sản phẩm lạ đời đã trở thành một kịch bản được lặp đi lặp lại. Chiêu bài cũ của những thương lái này vẫn là thu mua với giá cao ngất ngưởng, tung tin mua với số lượng lớn và bỗng dưng biến mất làm nông dân điêu đứng.
Thông qua thương lái Việt Nam, họ tạo cung cầu ảo và cuối cùng chính người dân và thương lái nước ta lại mua hàng chính mình đã bán ra trước đó.
Những loại sản phẩm kỳ quặc như đỉa, ốc bươu vàng, móng trâu, rễ tiêu, lá điều khô, mãng cầu xiêm…không xác định được giá trị sử dụng và thị trường tiêu thụ nhưng được giá nên người nông dân vẫn bất chấp.
Thu mua nông sản lạ ai là người được hưởng lợi? Câu hỏi được đặt ra nhiều năm nay nhưng vẫn không có câu trả lời. Chỉ biết sau mỗi lần thu mua thì thiệt hại vẫn là người nông dân phải gánh chịu.
Mua lá mãng cầu xiêm, mây rừng
Tại Hậu Giang và Tiền Giang thời gian gần đây xuất hiện một số tiểu thương lạ mặt thu mua lá mãng cầu xiêm. Lá tươi được thu mua với giá từ 10.000- 15.000 đồng/kg, lá khô từ 35.000- 45.000 đồng/kg.
Lá được thu mua với giá cao chính vì thế mà nhiều hộ dân đã đổ xô thu gom lá mãng cầu. Thậm chí có hộ đốn bỏ cả cây để bán lá. Vì lợi ích trước mắt, người dân đã bất chấp bán lá mà không hề biết mục đích thương lái mua lá để làm gì và tác hại của việc ào ạt hái lá bán đến năng suất cây trồng ra sao. Khi được hỏi, có người nói đưa về TP.HCM tiêu thụ, có người nói xuất sang Trung Quốc làm thuốc…(?)
Việc thương lái lạ mua lá mãng cầu xiêm còn chưa hạ nhiệt thì tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông người dân lại bỏ vườn rẫy, ồ ạt vào rừng tìm trái mây rừng để bán cho thương lái Trung Quốc. Giá thu mua từ 100.000 - 170.000 đồng/kg.
Được biết, mới đây ngày 19/3, ông Hồ Quốc Thống, Phó Công an xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang xác nhận 2 thương lái tên Tuấn và Tạo đã đi khỏi địa phương và mang theo tất cả bao lá mãng cầu xiêm khô và tươi mua được của nông dân.
Để tránh thiệt hại về kinh tế, cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân nên đề cao cảnh giác. Bởi đây có thể là chiêu trò của các thương lái Trung Quốc như các trường hợp từng xảy ra trước đây. Thực tế thì người nông dân vẫn sập bẫy dù rất nhiều bài học được rút ra trước đó.
Mua đỉa
Vào khoảng tháng 5/2012, thương lái Trung Quốc lại ào ào sang Việt Nam thu mua đỉa giá lên tới 1-2 triệu đồng/kg đỉa khô khiến người dân đổ xô ra các cánh đồng để bắt đỉa. Việc thu mua đỉa ào ạt của Trung Quốc khiến người dân không chỉ đi bắt mà còn thi nhau nuôi đỉa.
Năm 2013, cơn sốt đỉa lan tới cả Hà Nội. Tại khu vực Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội) xuất hiện hàng chục người đi bắt đỉa. Việc thu mua đỉa khiến người dân ở các địa phương bỏ bê công việc đi săn bắt đỉa đem bán. Nhiều người dân tại Quế Phong (Nghệ An) còn bỏ bê ruộng vườn quay sang nuôi đỉa khắp ao hồ, đồng ruộng để bán cho thương lái Trung Quốc.
Ban đầu họ bỏ tiền ra tạo nên cơn sốt bằng những lần tăng giá đỉa. Sau khi thu mua với giá cũ, các thương lái đã nhập lại hàng cho đầu nậu người Việt bằng giá mới. Khi giá thu mua lên tới đỉnh điểm cũng là lúc các thương lái này đã bán lại hết số đỉa thu mua rồi biến mất khiến người dân không biết xử lý thế nào với hàng tấn đỉa đã gom hàng trước đó.
Thu mua hạt na
Khoảng giữa năm 2014, nhiều thương lái đã thu mua hạt na Lạng Sơn với giá 100.000 đồng/kg để bán sang Trung Quốc. Khác với mọi năm, ngoài thu mua quả thì Trung Quốc còn mua cả hạt na.
Gía thu mua cao khiến nhiều người dân kéo nhau vào rừng nhặt hạt. Tuy nhiên việc Trung Quốc thu mua hạt na đã tạo nên lo ngại thương hiệu na Chi Lăng có thể mất chỗ đứng trên thị trường. Trước tình hình trên, chính quyền xã Chi Lăng (Huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) đã kiểm tra, rà soát, vận động người dân không nên bán hạt na sang Trung Quốc và đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ thương hiệu na Chi Lăng.
Mua trắc dây
Còn nhớ bài học từ việc mua gom trắc dây năm 2014. Hàng trăm người dân tại Khánh Hòa đã bỏ công vào rừng khai thác và thu gom trắc dây bán cho thương lái Trung Quốc bất chấp sự truy quét của lực lượng kiểm lâm.
Gỗ được thu mua với giá từ 6.000- 12.000 đồng/kg. Ngoài thu mua gỗ lớn, các thương lái còn thu mua cả gốc, rễ, gỗ trắc non.
Khi nhiều người đi khai thác và một lượng lớn trắc dây được mua gom thì thương nhân Trung Quốc lại không mua nữa.
Mua rễ tiêu
Năm 2014, tại Gia Lai rộ lên việc thương lái Trung Quốc thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu còn sống. Rất nhiều người dân chuyển sang thu gom gốc, rễ cây tiêu đem bán với giá 45.000 đồng/kg.
Sự việc cao trào khi nhiều người dân ồ ạt đào bới để đem bán. Đặc biệt, liên tiếp xảy ra hiện tượng đào trộm gốc, rễ tiêu của người khác đem bán, gây mất an ninh trật tự. Trước khi sự việc mất kiểm soát, UBND huyện Chư Sê đã phải ra văn bản gửi chính quyền các xã nghiêm cấm việc đào bới gốc, rễ tiêu.
Mua rễ sim
Vào tháng 9/2012, nhiều người dân huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đổ xô lên rừng đào rễ cây sim về bán với giá cao cho thương lái Trung Quốc.
Rễ sim được thương lái trả giá 2.500 đồng/kg. Mỗi ngày một người có thể đào được 100kg rễ sim. Việc thu mua rễ sim không xác định rõ mục đích nhưng nó đã khiến nhiều cánh rừng bị cày bới tan hoang và hàng vạn cây sim bị tận diệt.
Mua lá điều khô
Cuối năm 2012, tại một số tỉnh Đông Nam Bộ xuất hiện tình trạng các thương lái đến thu gom lá điều khô. Mức giá đưa ra cho mỗi kg lá điều khô từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg.
Việc thu mua lá điều khô khiến nhiều người hám lợi mà tận diệt lá điều, có người còn phun hóa chất để lá điều rụng hàng loạt. Việc làm này sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, nguồn dinh dưỡng của cây điều. Một số đầu nậu sau khi thu gom lá điều đã dở khóc dở vì thương lái bặt vô ôm tín, không đến thu mua nữa.