Đang có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh chủ đề trên bởi chẳng có một thông số nào cụ thể, chính xác để xem là tiêu chuẩn đánh giá đâu là trận chung kết hay nhất. Thế nhưng, có một điều chắc chắn, cuộc so tài giữa Djokovic với Nadal ở Melbourne cùng với 4 trận chung kết được nhắc đến dưới đây là những trận đấu đã khắc sâu dấu ấn vào lịch sử.
Nadal - Federer, Wimbledon 2008
Mở màn chậm mất 20 phút vì trời mưa, sau đó còn bị gián đoạn 2 lần nữa và nếu kéo dài thêm một chút nữa thì trận đấu đã được dời sang ngày hôm sau do điều kiện ánh sáng không đảm bảo. Tuy nhiên sau 4g48’, trong ánh sáng nhập nhoạng, Nadal cũng đã bước lên ngôi vô địch sau chiến thắng 6/4, 6/4, 6/7, 6/7, 9/7. Tổng cộng 2 tay vợt đã tung ra 149 cú đánh thắng điểm, gần gấp đôi so với tổng số lỗi tự đánh hỏng và cú giao bóng của Federer phát huy hiệu quả tối đa trong ván 3, 4 và đầu ván 5.
Roger Federer (trái) và Rafael Nadal
Điều đáng khâm phục với Nadal là ở trận này anh đã thể hiện một tinh thần thép: việc bỏ lỡ 2 điểm match-point trong bàn tie-break ở ván 4 có thể khiến người khác sa sút nhưng với Nadal, anh vẫn giữ được sự kiên trì và bền bỉ để giành chiến thắng chung cuộc. Không chỉ chấm dứt cơ hội đoạt chức vô địch lần thứ 6 liên tiếp của Federer, Nadal còn dập tắt những lời dè bỉu về việc anh không thể thắng một Grand Slam nào khác ngoài Roland Garros.
Bjorn Borg - John McEnroe, Wimbledon 1980
Bỏ lỡ 2 điểm match-point trong ván 4 và sau đó lại phung phí 5 điểm match-point trong bàn tie-break ở ván này vậy mà vẫn giành chiến thắng, đó là điều được xem là kỳ thú nhất trong lịch sử Wimbledon. Người làm nên chiến tích ấy chính là Borg, tay vợt mà sau này đã trở thành huyền thoại.
Để McEnroe thắng 18/16 trong bàn tie-break, hy vọng của Borg tưởng như đã đi vào ngõ cụt và sau trận đấu, chính ông cũng thừa nhận là suy nghĩ của ông vào lúc đó là mình không có cơ hội thắng ván 5. Tay vợt người Thụy Điển nói: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy thất vọng đến thế sau khi để thua ván 4. Có 7 điểm match-point nhưng tôi vẫn không thể kết thúc trận đấu vì cứ mỗi lần có cơ hội là McEnroe lại tung ra những cú đánh tuyệt vời”.
Tuy nhiên, cuối cùng thì chiến thắng 1/6, 7/5, 6/3, 6/7, 8/6 cũng đem về cho Borg chức vô địch Wimbledon lần thứ 5 liên tiếp. Chỉ tiếc rằng một năm sau, Enroe đã phục thù thành công cũng ở trận chung kết, chấm dứt sự trị vì của Borg ở Wimbledon.
Goran Ivanisevic - Patrick Rafter, Wimbledon 2001
Lần đầu tiên kể từ năm 1922, do ảnh hưởng của trời mưa mà trận chung kết Wimbledon phải tổ chức vào ngày thứ Hai. Dù vậy, 10.000 vé vẫn được bán sạch và khán giả không phải uổng công khi đã được chứng kiến những yếu tố mang tính lịch sử.
Chỉ ở vị trí thứ 125 trên bảng xếp hạng ATP và đều thất bại trong 3 trận chung kết Wimbledon trước đó, vậy mà Ivanisevic đã tạo nên một dấu ấn đậm nét khi đánh bại Rafter ở tỷ số 6/3, 3/6, 6/3, 2/6, 9/7. Ở thời điểm đó, ván thứ 5 là ván có số bàn nhiều nhất trong lịch sử giải và Ivanisevic đã trở thành tay vợt đầu tiên đoạt chức vô địch với tư cách là người dự giải bằng vé đặc cách.
Andre Agassi - Andrei Medvedev, Roland Garros 1999
Sau 2 lần thất bại trong trận chung kết ở Paris vào năm 1990 và 1991 thì phải 8 năm sau, Agassi mới sưu tầm được trọn bộ danh hiệu Grand Slam bằng chiến thắng ngược trước Medvedev ở tỷ số 1/6, 2/6, 6/4, 6/3, 6/4. Chiến thắng này đã giúp Agassi trở thành tay vợt thứ 5 đoạt đủ danh hiệu Grand Slam trên mọi mặt sân.