Dưới đây là 8 sai lầm phổ biến của bạn trong việc vệ sinh răng miệng.
1. Không đánh răng đủ lâu
Trong khi các nha sỹ khuyên bạn nên đánh răng trong khoảng 2 hoặc 3 phút thì rất ít người làm được điều đó. Lần đánh răng tới bạn thử kiểm tra xem bạn dành bao nhiêu thời gian cho thói quen này nhé.
2. Không soi gương khi đánh răng
Thực hiện việc quan sát qua gương trong khi đánh răng giúp bạn kiểm soát rõ nơi bàn chải "hoạt động". Nếu không nhìn, bạn có thể dễ dàng bỏ lỡ một vài khu vực, tạo điều kiện cho mảng bám, cao răng và vi khuẩn tích tụ, gây ra viêm nướu.
Ảnh minh họa
3. Không đánh răng đúng cách - một góc 45 độ
Việc đánh răng không đúng cách là một trong những nguyên nhân làm hỏng lớp men bảo vệ răng từ bên ngoài. Khi bạn chải răng từ bên này sang bên kia, lớp men bên ngoài có thể bị phá vỡ, làm cho răng suy yếu. Vì thế áp dụng một phương pháp đánh răng đúng cách không bao giờ là quá muộn cho bạn.
Đặt lông bàn chải nghiêng một góc 45 độ về phía lợi để cho lông bàn chải chui vào rãnh lợi, chà nhẹ nhàng sao cho lông bàn chải đi vào rãnh lợi và kẽ răng. Đây là phương pháp tối ưu nhất giúp lấy sạch mảng bám ở chân răng và rãnh lợi, nơi vi trùng trực tiếp tấn công vào mô lợi.
4. Sử dụng bàn chải sai
Có hai lỗi bạn dễ mắc phải khi sử dụng bàn chải đánh răng:
Sử dụng bàn chải đánh răng không đúng kích cỡ. Bàn chải có kích cỡ quá nhỏ hoặc quá lớn sẽ khiến răng miệng bạn bị tổn thương. Chưa kể đến việc, dùng bàn chải đúng kích cỡ sẽ khiến bạn thoải mái hơn khi đánh răng và giúp sử dụng nó đúng cách.
Sử dụng bàn chải có lông quá cứng hoặc quá mềm. Lông quá cứng, đầu lông bàn chải không tròn và không có độ đàn hồi sẽ dễ gây mòn răng và tổn thương lợi nặng hơn. Các men răng có nguy cơ bị vỡ lớn hơn khi bạn dùng bàn chải quá cứng.
5. Đánh răng quá nhiều lần
Trong khi nhiều người đánh răng khoảng 3 lần/ngày là lý tưởng thì việc đánh răng 4 lần/ngày bắt đầu có vẻ hơi quá đà – ông Michael Sesemann, chủ tịch Học viện Nha Khoa Thẩm mỹ Mỹ nhận xét. Đánh răng quá nhiều lần trong ngày có thể khiến men răng bị mòn, răng dễ bị kích thích và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nướu. Đánh răng mạnh cũng có thể xói mòn men răng.
6. Không chọn đúng kem đánh răng
Vệ sinh răng miệng hàng ngày chưa đủ, bạn cần phải biết cách lựa chọn kem đánh răng để răng miệng sạch sẽ và không làm hỏng men răng của bạn. Nên chọn loại có chứa flo vì nó sẽ giúp bù đắp chất khoáng cho những men răng bị hư hỏng và ức chế sự phát triển của mảng bám.
7. Không dùng chỉ nha khoa
Sâu răng hình thành thường xuyên nhất ở những vị trí giữa hai răng. Sau khi ăn, thậm chí cả sau khi đánh răng, vi khuẩn vẫn có thể bị mắc kẹt ở đó và sản xuất hóa chất ăn mòn men răng, lâu ngày dẫn đến sâu răng. Việc làm sạch hoàn toàn những vị trí này không phải đơn giản. Cách tốt nhất là nên dùng chỉ nha khoa.
8. Không vệ sinh bàn chải sau khi sử dụng
Bàn chải có thể là chỗ ẩn chứa của hàng loạt loại vi khuẩn gây hại khác nhau. Do đó vệ sinh bản chải sau khi đánh răng là bước vô cùng quan trọng để đảm bảo loại bỏ vi khuẩn.
Có rất nhiều cách để làm sạch bàn chải của bạn, bạn có thể thử một trong những cách dưới đây:
- Dựng đứng bàn chải để nhanh khô. Đặt bàn chải ở nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc với bàn chải đánh răng của người khác.
- Trước khi lấy kem đánh răng, rửa sạch bàn chải với nước ít nhất trong 1-2 phút.
- Nhúng bàn chải đánh răng vào nước sôi. Mặc dù cách này sẽ làm các lông bàn chải yếu đi, nhưng lại rất hiệu quả trong việc giết chết hàng triệu con vi khuẩn còn bám trụ trong bàn chải. Áp dụng phương pháp này 1 lần/tuần để hạn chế tối đa hư tổn cho bàn chải mà vẫn đảm bảo an toàn.
- Thỉnh thoảng ngâm bàn chải trong dấm vài phút rồi rửa sạch với nước ấm.
Bạn nên thay thế bàn chải đánh răng thường xuyên ba tháng một lần hoặc sớm hơn nếu như lông bàn chải bị mòn, trầy xước hay bị cong để hạn chế nhiễm bệnh từ vi khuẩn.