Chụp ảnh quá nhiều: Ngày nay bất cứ ai cũng có thể chụp ảnh. Nếu không chụp bằng máy ảnh chuyên dụng thì cũng chụp bằng điện thoại, Ipad. Việc chụp ảnh một cách thường xuyên, vô tội vạ hạn chế khả năng quan sát và cản trở hoạt động ghi nhớ của não. Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng, nên quan sát kỹ hoặc dành một phút để thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của chủ thể trước khi chụp ảnh nhằm tránh tình trạng phụ thuộc vào máy ảnh.
Dùng điện thoại quá nhiều: Việc dùng các thiết bị di động quá thường xuyên khiến con người có xu hướng quá khích do cơ thể và trí óc không được nghỉ ngơi mà phải tập trung liên tục vào tin tức trên điện thoại, từ đó gây ra bệnh trầm cảm và lo âu. Hãy dành một khoảng thời gian cố định trong tuần để tránh xa mọi thiết bị điện tử.
Thiếu ngủ: Không phải ngẫu nhiên mà từ lâu các bác sĩ đã khuyên nên ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ. Mỗi người mỗi ngày cần ngủ từ 7 đến 8 tiếng. Giấc ngủ là khoảng thời gian để cơ thể tự hồi phục, vì thế nó chi phối toàn bộ các chức năng của hệ thần kinh, bao gồm cả cảm xúc và lý trí.
Không dành thời gian cho bản thân: Bên cạnh gia đình, con cái và công việc, mỗi người nhất thiết phải có khoảng thời gian cho riêng mình, dù chỉ là 10 phút, nếu không, hệ thần kinh sẽ dễ dàng bị căng thẳng và phiền muộn. Hãy đưa khoảng thời gian này vào lịch trình và cố gắng duy trì nó.
Ít trò chuyện: Việc liên lạc với bạn bè chủ yếu qua tin nhắn, mạng xã hội, email ngỡ tưởng là thuận tiện, tiết kiệm thời gian và tiền bác hóa ra vẫn có "tác dụng phụ”. Điều này làm chai sạn cảm xúc con người và từ từ khiến chúng ta quên đi cách giao tiếp cũng như niềm vui trong mỗi cuộc chuyện trò.
Lười tập thể dục: Kết quả nghiên cứu tiến hành trên hơn 11.000 người, trong nhiều năm của Đại học College London (Anh) cho thấy nếu bạn hoạt động thể chất 3 lần/tuần giúp giảm 19% nguy cơ mắc chứng trầm cảm. Trên thực tế, hầu hết những bệnh nhân trầm cảm đều có lối sống thụ động. Các chuyên gia khuyên mọi người nên thường xuyên vận động nhẹ nhàng như làm việc nhà hoặc leo cầu thang để giữ đầu óc luôn tỉnh táo, tránh ngồi lâu liên tục trước màn hình vi tính.
Làm nhiều việc cùng lúc: Đây là lỗi dễ mắc nhất trong nhịp sống hiện đại ở các đô thị ngày nay. Mặc dù hầu hết đều cho rằng điều này giúp tăng năng suất lao động, nhưng theo nhiều nghiên cứu, kiểu làm việc này chỉ khiến đầu óc uể oải, lơ đãng và giao tiếp kém hiệu quả. Để cải thiện, hãy giải quyết từng việc một, ưu tiên những việc quan trọng làm rước. Có như vậy, não bộ mới có thể xử lý thông tin với hiệu suất cao nhất.
Thoái thác công việc: Càng cố trì hoãn công việc do hồi hộp hay lo sợ trước thất bại, tâm trí càng bị ám ảnh nặng nề hơn. Trước khi bắt tay vào việc, hãy thử nghe nhạc, đi dạo hoặc thực hiện các hoạt động ưa thích khác để mang lại niềm vui trong công việc và giải tỏa áp lực.
Quan trọng hóa vấn đề: Lo lắng hoặc bực bội trước những vấn đề nhỏ nhặt là một thói quen nguy hiểm cho hệ thần kinh và tim mạch. Hãy tập cười nhiều hơn bằng cách xem tivi, nghe đài, dành thời gian bên bạn bè hoặc chơi cùng trẻ em. Tiếng cười là liều thuốc hữu hiệu nhất cho mọi lo âu và áp lực trong cuộc sống.