Tết Nguyên đán là sự kiện trọng đại với người Việt. Các phong tục truyền thống trong dịp này đều có ý nghĩa sâu sắc, với mong muốn đem lại may mắn, phúc lộc cho một năm mới an khang, thịnh vượng.
Tục trưng đào, quất, mai
Các gia đình miền Bắc thường không thể thiếu cành đào trong nhà mỗi dịp xuân về, Tết đến. Màu hồng đỏ rực rỡ của hoa đào vừa tạo không khí mùa xuân tươi vui, vừa có ý nghĩa xua đuổi tà ma, đem lại may mắn vào năm mới. Loại đào phổ biến nhất là đào bích với bông to, nhiều cánh, màu đậm.
Hoa đào có màu đỏ hồng rực rỡ. Ảnh: Vũ Minh Quân/Zing.
Đồng thời, cây quất cũng là một nét đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết. Một cây đẹp thường xum xuê, có tán đẹp, với quả vàng, quả non, lá xanh mướt, hoa lộc đầy đủ, tượng trưng cho sự trù phú, tài lộc, ăn nên làm ra.
Trong miền Nam, do đặc trưng khí hậu, người dân thường chơi mai thay cho đào, quất. Màu vàng tươi sáng của hoa mai là biểu tượng của sự vinh hiển, thành đạt, sinh sôi nảy nở. Người dân thường chọn cây có nhiều nụ và lộc trước Tết, do quan niệm hoa nở đúng lúc giao thừa hay sớm mùng một sẽ mang lại nhiều may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc cho gia đình trong năm đó. Hoa mai thông thường có 5 cánh, nhưng có những bông 6-7, thậm chí là 10 cánh. Cây càng nhiều bông nhiều cánh thì gia chủ càng gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Tục bày mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả là phong tục không thể thiếu của người dân Việt Nam trong dịp đón năm mới. “Ngũ” là số 5, con số biểu trưng của sự sống như ngũ hành, ngũ vị, ngũ sắc, ngũ tạng... Quả (trái cây) thể hiện sự sung túc, dồi dào, ra hoa kết trái. Mỗi miền, mỗi vùng có một cách bày ngũ quả khác nhau, nhưng đều chọn các loại quả có ý nghĩa đặc biệt.
Người miền Nam thường bày các loại quả chính là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, đọc chệch thành “cầu vừa đủ xài” với mong muốn có một năm mới nhiều tài lộc, thêm quả sung tượng trưng cho sự sung mãn về sức khỏe, tiền bạc. Ngoài ra, mâm còn có thêm các loại quả đẹp mắt như dưa hấu, táo, đào tiên...
Mâm ngũ quả của miền Bắc không thể thiếu nải chuối xanh, tượng trưng cho mùa xuân, hành mộc, và có ý nghĩa như bàn tay che chở, bao bọc, hứng lấy may mắn. Quả phật thủ hay quả bưởi là hành thổ, cầu mong phúc lộc đầy nhà. Các loại quả đỏ như cam, quýt, hồng thể hiện hành hỏa, quả trắng như roi, đào là hành kim và quả đen như mận, hồng xiêm, nho tượng trưng cho hành thủy. Mâm ngũ quả viên mãn, tròn đầy, đủ ngũ hành cho mọi sự thuận lợi, hanh thông, may mắn.
Tục xông đất
Người Việt Nam có quan niệm người đầu tiên đến nhà sau giao thừa hay sáng mùng một Tết sẽ quyết định vạn sự cả năm. Người được gia chủ mời xông đất thường là người hợp tuổi, khỏe mạnh, thành đạt, tốt tính, với mong ước họ đem lại may mắn cho cả gia đình. Người xông đất sẽ tới thăm nhà, cầu chúc gia chủ những điều tốt đẹp. Bản thân người xông đất cũng được hưởng phúc vì đã làm một việc tốt lành.
Tục lì xì, chúc thọ đầu năm
Sáng mùng một Tết thường là thời điểm con cháu quây quần chúc thọ ông bà, bố mẹ, bày tỏ lòng hiếu thảo và kính trọng người lớn tuổi trong gia đình. Trẻ em sẽ nhận được những phong bao đỏ lì xì đựng những đồng tiền mới gọi là “tiền mở hàng” để hay ăn chóng lớn, có nhiều niềm vui, may mắn trong năm mới.
Ông đồ giảng giải ý nghĩa của chữ viết. Ảnh: Viết Quân.
Tục xin chữ đầu xuân
Đây là một nét đẹp văn hóa của người Việt, tượng trưng cho truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa. Người dân thường tới nhà các cụ cao niên, đền chùa hoặc Văn Miếu để xin những chữ có ý nghĩa tốt đẹp như Phúc, Lộc, Đức... nhằm cầu mong một năm mới may mắn, như ý. Nét chữ uyển chuyển, hoa mĩ trên nền giấy đỏ hoặc vàng vừa có ý nghĩa tinh thần, vừa đem lại không khí trang trọng cho ngày xuân.
Tục mua muối đầu năm
“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” chắc hẳn là câu người Việt nào cũng thuộc. Theo quan niệm từ xa xưa, muối mặn có thể trừ tà, đem lại may mắn và tượng trưng cho tình cảm bền chặt, keo sơn. Do đó, đầu năm thường có hàng muối bán rong đi khắp nơi để các gia đình mua một bát muối đầy có ngọn, với mong ước năm mới an lành, thịnh vượng, mọi người trong nhà hòa hợp, gắn bó.
Tục lệ đi chùa cầu may
Phong tục này là một hoạt động tâm linh không thể thiếu vào dịp đầu xuân với người dân Việt Nam. Thông thường, sau bữa cơm tất niên, những người phụ nữ trong gia đình thường chuẩn bị lễ và đến chùa gần nhà để cầu phúc. Thay vì hái lộc, hiện nay người dân thường mua mía, hoa hải đường hay cành phất lộc để đem may mắn về nhà cho gia đình. Đầu năm, người dân cũng thường thực hiện các chuyến du xuân tới nhiều điểm hành hương nổi tiếng để cầu mong gia đình được an khang, thịnh vượng.