Theo quy định tại Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tại Chương III – Thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, mục 1, có phân định thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Ngoài lực lượng chuyên trách là Cảnh sát giao thông, còn một số lực lượng khác tham gia, gồm:
1. Chủ tịch UBND các cấp, Trưởng Công an các cấp (trừ Trưởng Công an cấp xã) có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này trong phạm vi quản lý của địa phương mình.
2. Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng Công an cấp xã/phường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với một số hành vi như đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ, dừng đỗ sai quy định, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng còi không đúng quy định, điều khiển xe trong tình trạng say xỉn, có chất ma túy, tụ tập từ 3 xe trở lên ở lòng đường, đều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông...
3. Thanh tra đường bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, khi phương tiện (có hành vi vi phạm) dừng, đỗ trên đường bộ…
Với Thông tư 45/2012 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, chỉ có phạm vi áp dụng đối với lực lượng CSGT. Trong đó quy định, CSGT phải mang biển hiệu tuần tra kiểm soát (thẻ xanh) mới được phép yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe để xử lý vi phạm. Còn CSGT không có thẻ xanh chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ, điều tiết giao thông…
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) từng cho hay, CSGT tuần tra, kiểm soát ngoài đường có thẻ xanh được quyền dừng xe. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào một số văn bản khác quy định về lực lượng cảnh sát khác, như Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Trưởng công an cấp xã/phường, Thanh tra giao thông… Nếu trường hợp nào quá quyền hạn thì chuyển về cho những người có thẩm quyền xử lý.
Một cán bộ Công an quận ở TP. HCM từng thừa nhận, thời gian gần đây, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát 113, Cảnh sát cơ động xuất hiện trên đường ít thực hiện nhiệm vụ chính mà toàn làm nhiệm vụ phụ nhẹ nhàng hơn, như thổi phạt vi phạm giao thông dễ gây bức xúc cho người dân.
“Khi xảy ra ùn tắc, kẹt xe, CSGT xuống đường điều tiết giao thông là chính, rồi nhờ thêm lực lượng Thanh niên xung phong, bảo vệ dân phố. Còn Cảnh sát 113, Cảnh sát trật tự hoàn toàn không thấy bóng dáng”, một cán bộ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP. HCM) cho biết.