Có thể nói rằng tay vợt cao nhất thế giới hiện nay là Ivo Karlovic của Croatia. Với cú giao bóng như trời giáng, tay vợt cao 2m08 này từng giữ vị trí thứ 14 TG vào năm 2008. Tuy nhiên, Karlovic bây giờ đã tụt xuống vị trí thứ 52, nhường “ánh sáng” lại cho tay vợt cao thứ nhì thế giới John Isner, với chiều cao 2m06. Hiện xếp thứ 11, VĐV người Mỹ này có nhiều khả năng trở thành VĐV cao trên 2m lần đầu tiên góp mặt trong nhóm 10 tay vợt xuất sắc nhất thế giới.
Isner sẽ nối gót Del Potro
Thế giới đã biết nhiều về Isner từ khi anh cùng tay vợt Pháp Nicolas Mahut lập kỷ lục về trận đấu dài nhất trong lịch sử quần vợt nhà nghề, khi họ đối đầu nhau ở Wimbledon 2010. Từ đó đến nay, Isner không ngừng tiến bộ. Jim Courier - thủ quân của đội tuyển quần vợt Mỹ - nhận xét về chàng trai 26 tuổi này như sau: “John có thể thắng bất kỳ tay vợt nào vào bất kỳ thời điểm nào. Có thể nói rằng đó là tay vợt có khả năng gây rối lớn nhất trong quần vợt nam hiện nay”.
Tay vợt John Isner.
Trong mùa này, Isner càng khẳng định khả năng của mình qua các chiến thắng trước những tay vợt nổi tiếng như David Nalbandian (tại vòng 2 Giải Úc mở rộng), Roger Federer (ở Davis Cup) và gây ấn tượng mạnh mẽ khi vượt qua Novak Djokovic ở vòng bán kết của giải Masters 1000 tại Indian Wells, trước khi thua Federer ở trận chung kết.
Ngoài Isner, một tay vợt khổng lồ khác cũng chơi rất thành công trong năm nay là Milos Raonic, 1m96, đã đoạt 2 danh hiệu vô địch từ đầu mùa. Tại Chennai (Ấn Độ) hồi tháng Giêng, VĐV Canada 21 tuổi này đã trở thành tay vợt đầu tiên, sau Federer tại Halle năm 2008, chiến thắng ở một giải mà không thua lần nào trong những bàn mà anh cầm giao bóng.
Kevin Anderson của Nam Phi, cao 2m03, cũng gây nhiều ấn tượng trong mùa này. Tại Giải Delray Beach (Mỹ) hồi cuối tháng Hai, anh đã lần lượt thắng Andy Roddick và Isner ở vòng tứ kết và bán kết. Đấy là chưa kể Del Potro, tay vợt Argentina cao 1m98, đang giữ vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng ATP.
Những ưu điểm nhờ chiều cao
Một trong những ưu điểm rõ ràng nhất của các tay vợt có chiều cao “khủng” là những cú giao bóng sấm sét. Họ có thể thắng điểm dễ dàng từ cú giao bóng thứ nhất, thậm chí ở cú giao bóng thứ hai (Raonic rất thiện nghệ ở cú đánh này). Điều này đem lại ưu thế cho những tay vợt khổng lồ trước những tay vợt tầm thước. Ưu điểm thứ hai của những tay vợt như Isner là có thể thực hiện những cú đánh thật mạnh từ cuối sân rồi dâng lên lưới, hoặc dùng chiến thuật giao bóng chiếm lưới.
Với những bước chân rất dài, họ có thể từ vạch cuối sân dâng lên lưới rất nhanh chóng. Ở điểm này, người ta có thể thấy rằng khái niệm “những người to lớn thường chậm chạp” đã lỗi thời. Dù vẫn còn khó khăn khi thực hiện những cú đánh trong lúc di chuyển, sự xuất phát tương đối chậm, các tay vợt khổng lồ có thể chơi hiệu quả bằng cách bám đường biên cuối sân và khai thác những cú đánh rất mạnh của họ.
Patrice Dominguez - cựu giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn Quần vợt Pháp - cho biết: “Trước đây, người ta cho rằng quần vợt là môn thể thao của những người nhỏ con. Bây giờ, với cú giao bóng và cú thuận tay là 2 vũ khí rất hiệu quả, các tay vợt to lớn càng có tương lai tốt đẹp trong quần vợt”. Thực tế, từ năm 2006 đến 2011, chiều cao trung bình của các tay vợt trong top 20 đã tăng từ 1m82 lên 1m88. Với chế độ dinh dưỡng của xã hội nói chung ngày càng tốt hơn, sự gia tăng này chắc chắn sẽ chưa dừng lại.