1. Buổi sáng một ngày cuối tháng 11/2012, Hà Nội se lạnh. Giữa đám đông đang nhốn nháo trước cổng TAND TP Hà Nội, có một cô bé 3 tuổi với đôi mắt to tròn, xinh như búp bê đang tung tăng trên vỉa hè. Mọi người chen nhau xuất trình giấy tờ để được vào tòa án. Bà ngoại cô bé cũng vội vàng ôm cháu hòa vào đám đông, năn nỉ lực lượng công an cho cháu vào dự buổi xét xử bố. Không có giấy triệu tập, hai bà cháu bị đẩy ra...
Hai chiếc xe chở phạm nhân tiến vào cổng tòa. Trên thùng xe, những đôi mắt của phạm nhân ghé qua khung cửa sắt, những bàn tay đập vào thùng xe xôn xao. “Bố Chiến ngồi trên đó kìa!” - người phụ nữ chỉ đại vào chiếc xe tù nói với cháu. Cô bé cất tiếng gọi: “Bố ơi, bố ơi”. Không có ai trả lời. Chỉ có cánh cổng sắt của tòa án nặng nề mở ra, xe chở phạm nhân mất hút vào trong, bỏ lại cô bé với ánh mắt ngơ ngác.
Chừng một tiếng sau, mẹ cô bé từ tòa án bước ra bảo phiên tòa hoãn vì đại diện bị hại vắng mặt. Được bế ra về, đứa trẻ vùng vẫy trên tay mẹ rồi òa khóc: “Con muốn gặp bố. Con gặp bố cơ”...
Ngày 7/12, phiên tòa mở lại, cô bé hôm nào lại được ngoại và mẹ dắt đến tòa. Bốn bị cáo ngồi ở phòng chờ. Người phụ nữ bế con trên tay, cố chen vào đám đông trước cửa phòng khóa kín để con được nhìn thấy bố. “Bố Chiến kìa” - cô bé cất tiếng gọi qua ô cửa kính.
Phiên tòa bắt đầu lúc 9h sáng và kết thúc lúc 2h chiều. Nội dung vụ án khá đơn giản: Tối 23/8/2009, Nguyễn Quốc Chiến và nhóm bạn đi hát karaoke. Đang hát thì cả nhóm Chiến mâu thuẫn với một nhóm khác trong quán. Chiến và bạn bè rượt đuổi, cầm dao đâm làm anh Trần Trung Kiên chết và hai người khác bị thương.
“Vợ mang bầu được sáu tháng thì nó gây án. Giờ bé G.H. được 3 tuổi rồi vụ án mới được xét xử. Nó nhìn bố qua mấy tấm hình cưới và hình thẻ ở nhà, thế mà hôm nay vừa gặp là nhận ra bố ngay. Hôm trước bảo cháu nghỉ học, mặc quần áo đẹp để đi thăm bố, ai ngờ đến tòa thì buổi xét xử bị hoãn. Nó khóc suốt từ tòa án về đến nhà vì không được gặp bố” - bà ngoại cô bé rưng rưng.
G.H. được mẹ bế trên tay, đứng ngay trước cửa phòng xử để nhìn bố. Cô bé vẫy tay và luôn miệng gọi “bố, bố”. G.H. tin rằng bố đi làm ăn xa để kiếm tiền mua áo đẹp và búp bê cho mình. Khi Chiến đứng trước vành móng ngựa khai nhận mình đi hát karaoke, say rượu, không kiềm chế, giết người thì G.H. nhìn bố nói ngây thơ: “Bố đang đứng trên lớp, bố dạy học sinh vẽ...”. Những lần Chiến ngoái đầu nhìn ra ngoài, vợ Chiến đều bảo con vẫy tay chào bố.
Chiến bị tòa tuyên án 20 năm tù về tội giết người. Bốn bị cáo khác lãnh từ 3-15 năm tù về tội giết người và không tố giác tội phạm. Sau một buổi sáng nô đùa, đói và mệt lả, G.H. ngủ say trong vòng tay bà ngoại, không nhìn thấy những ánh mắt bàng hoàng của người thân khi nghe tòa tuyên án. Bà ngoại bé G.H. nuốt tiếng khóc, nói: “Lần này đi những mấy chục năm, đến khi con lớn tướng rồi mới được về. Không biết có giấu nó được mãi không...”.
Nhìn bé G.H. xinh xắn, bụ bẫm tại phiên tòa, bố anh Trần Trung Kiên - người bị hại - lắc đầu đau xót. Suốt phiên xử, ông ôm trong tay di ảnh người đã khuất - một thanh niên 30 tuổi với khuôn mặt thanh tú. Sau khi anh mất, ông bà cho vợ anh về nhà ngoại để “tìm ai thương yêu vì chị còn trẻ quá”. Hai ông bà già cô quạnh ở tuổi 70. Ông nấc nghẹn: “Cả gia đình, dòng họ chỉ có một đứa con trai. Nuôi nó lớn, cưới vợ cho nó, cứ nghĩ thế là chắc ăn rồi. Có ngờ đâu! Gia đình tôi tuyệt tự mất rồi...”. Vợ bị hại ngồi bên cạnh xót xa: “Anh hiền lắm, tiếc là chúng tôi chưa kịp có con. Phải chi có một đứa con thì đỡ cho ông bà biết bao nhiêu”...
2. Ngày 10/1, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án Nguyễn Quốc Tuấn, Vũ Quang Minh và đồng phạm về tội bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Hà Nội lạnh 9OC, từ sáng sớm có hai đứa trẻ đã cùng mẹ đứng co ro trước cổng tòa án. Bé H., 8 tuổi - em trai của bị cáo Tuấn và bé K., 4 tuổi - con trai của bị cáo Minh.
Bảo vệ tòa án kiểm soát người ra vào. H. nấp sau lưng mẹ và các anh chị nhưng vừa bước qua cánh cổng sắt thì bị lực lượng công an kéo ra ngoài. Dì của H. hết lời năn nỉ bảo vệ tòa án: “Các chú thương tình cho cháu vào gặp anh trai một chút. Anh nó xuống Hà Nội làm thuê, nghe người ta xúi nên làm bậy, bị bắt giam chín tháng nay rồi. Hai anh em thương nhau, giờ không được gặp anh nó nhắc suốt. Hôm nay cháu nghỉ học, dậy từ 3g sáng để theo mẹ xuống gặp anh trai...”.
Bảo vệ cương quyết không cho vào. Đến gần trưa thì trước cổng tòa án chỉ còn hai người phụ nữ ôm hai đứa trẻ đứng ngóng tin từ phòng xử. Hơn 12h trưa, phiên tòa vẫn xử chưa xong, khuôn mặt bé H. tím tái, mắt sưng húp vì dậy sớm và gió lạnh. Cậu bé vẫn cương quyết đứng ở cổng tòa đợi anh chứ không chịu theo dì đi ăn trưa. Cạnh đó, vì lạnh, đói và đợi mãi không thấy bố Minh, bé K. khóc thét.
Bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn, Vũ Quang Minh và đồng phạm phải lãnh người thấp nhất 30 tháng tù treo, cao nhất 4 năm 9 tháng tù giam. Anh trai bị giải ra thì H. đã lọt thỏm trong vòng người đang vây kín ở xe tù. H. không kịp nhìn thấy anh trai. Khi người dì bế thốc H. lên để nhìn anh cho rõ thì cánh cửa xe tù đã đóng sập... Giữa những tiếng kêu khóc ở cổng tòa án, đôi mắt cậu bé 8 tuổi đỏ hoe.
K. thì được bố Minh hôn hai cái lên má trước khi bố lên xe tù. Cậu bé cười tươi rạng rỡ, rồi bắt chéo tay phía trước mặt mà nói với mẹ: “Gặp bố Minh rồi về thôi mẹ ơi, bố Minh vòng tay như thế này này”...
3. Tôi gặp nhiều đứa trẻ với đủ độ tuổi ở tòa án - nơi trẻ con lẽ ra không nên có mặt. Có đứa trẻ còn đỏ hỏn, mới gần hai tháng tuổi đã được mẹ quấn chăn kín mít bế lên TAND quận Tân Bình, TP.HCM để được gặp cha - bị cáo trong vụ án cướp giật tài sản. Giờ chờ đợi để được dẫn giải về trại giam, lực lượng công an cho bị cáo được gặp con. Bị cáo phải dùng đôi tay đang bị còng của mình để bế con mà hôn lấy hôn để. Có đứa trẻ gật gù ngủ trên vai cha ngoài hành lang khi mẹ đang đứng trước vành móng ngựa. Có đứa trẻ được cha bế đã khóc ré lên vì cha trở thành người xa lạ, với thời gian ở tù nhiều hơn ở nhà. Những đứa trẻ lớn hơn một chút, nhận thức được việc tại sao mình có mặt ở chốn pháp đình thì thường khóc nức nở. Những đứa trẻ ngây thơ thường được người lớn bảo bố/mẹ đang đi làm ăn xa để kiếm tiền mua búp bê, mua quần áo đẹp. Và nỗi lo của bà ngoại bé G.H. là nỗi niềm chung vì không thể giấu mãi sự thật ấy, đến một tuổi nào đó những đứa trẻ cũng phải đối mặt với vết đau...