Những dự định bị chôn vùi theo chuyến xe tử thần

Trên chiếc xe khách gặp nạn tối 1/9, có nhiều nạn nhân lần đầu được đi Sa Pa chơi, chẳng ngờ đó cũng là hành trình cuối cùng của cuộc đời họ.

Ngôi nhà riêng của chị Phạm Thị Hương Giang ở thôn Thuận Tiến, xã Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội) cũng là trường mầm non tư thục. Ngoài sân, hai cô bé chít khăn trắng vẫn nô đùa với bạn, trong nhà không khí đậm đặc mùi khói hương lẫn tiếng kinh cầu siêu vang lên đều đều.

Chuyến xe tử thần lao xuống vực khiến chị Giang thiệt mạng, còn anh Nguyễn Văn Luân, chồng chị bị đa chấn thương phần mềm. Lo hậu sự cho chị Giang xong, anh Luân được người nhà đưa lên Bệnh viện Việt Đức chuẩn bị phẫu thuật.

Các con của chị Giang vẫn chưa ý thức được nỗi đau mất mẹ. 

Bà Nguyễn Thị Mung, mẹ chồng chị kể, vợ chồng chị Giang đi lễ trên Lào Cai. Mọi lần, anh chị vẫn đi cùng bạn bè vào đầu năm nhưng lần này bận việc nên cả hai để dành vào ngày nghỉ. Đi lễ xong, họ chưa về luôn mà ở lại Sa Pa chơi một ngày, mua sắm thêm ít đồ. Anh chị định đi tàu cho an toàn nhưng hết vé.

Chiều 1/9, cặp vợ chồng đi mua vé ôtô về Hà Nội thì chỉ còn một cặp duy nhất của khách mới trả lại. Cả hai mừng rỡ nhận luôn, mong chuyến xe đêm kịp về Hà Nội vào sáng 2/9. "Lúc mới lên xe, vợ chồng nó còn gọi điện về bảo đã mua rất nhiều quà cho các con, đợi bố mẹ về nhé", bà Mung kể.

Khoảng 22h đêm, ông bà choáng váng khi anh Luân gọi điện báo xe gặp nạn. Anh đang nằm trong Bệnh viện Đa khoa Lào Cai, không nhận được tin tức gì về vợ. Khi chiếc xe lao xuống vực, vợ chồng anh Luân nằm ở ghế cuối, kính vỡ, anh bay ra ngoài cả chục mét rồi rơi xuống. Anh hoảng hốt tìm vợ nhưng không thấy, đau quá ngất đi.

Đầu óc quay cuồng, vợ chồng bà Mung gọi thêm con cháu thuê xe đi Lào Cai ngay trong đêm. Lên đến nơi, cả gia đình chia nhau đi mấy bệnh viện để tìm tung tích chị Giang. Mở tấm vải trắng phủ thi hài, bà Mung òa khóc khi thấy đúng con dâu mình.

"Giang là đứa con dâu có hiếu và rất biết phấn đấu. Trường mầm non tư thục mới mở hơn một năm, đang hoạt động tốt. Nó nói những năm sau này nhất định sẽ xây dựng trường có chất lượng trong vùng. Căn nhà vợ chồng tích cóp mãi mới xây được, chưa ở bao lâu thì nó đi, bỏ lại ba đứa con nhỏ, lớn nhất 8 tuổi, đứa út mới hơn 2 tuổi, chậm nói nên còn chưa gọi mẹ", bà Mung lau nước mắt nói.

Trong số 12 nạn nhân vụ tai nạn, nhiều người còn là sinh viên đại học.

Chiều 2/9, thi thể chị Lý Thanh Bình (27 tuổi) trú tại Kiến Hưng, Hà Đông (Hà Nội) được đưa về để trong nhà lạnh của Viện 103 chờ ngày tổ chức tang lễ. Cô y tá của Viện Bỏng quốc gia sống giản dị, gần gũi nên xóm giềng ai cũng tiếc thương. Trước khi gặp nạn, chị còn đang đi học thêm để lấy bằng đại học, nâng cao tay nghề.

Là con gái duy nhất trong nhà nên từ nhỏ Bình được bố mẹ chăm lo và không muốn con gái đi chơi xa. Đây là chuyến du lịch Sa Pa đầu tiên của chị, không khí mát mẻ của vùng núi khiến cô gái thích thú, liên tục gọi điện về khoe với mẹ. Trước khi đi chơi, chị còn mua tặng mẹ một chiếc điện thoại mới và chỉ bà cách sử dụng, hẹn khi nào về sẽ hướng dẫn cho mẹ nhiều hơn.

"Bình còn mải lo làm việc, chưa thấy giới thiệu người yêu với gia đình nên các chị còn sốt sắng mai mối cho", người chị họ sụt sịt kể.

Lo hậu sự cho con trai Nguyễn Văn Thắng (33 tuổi, trú tại Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội) xong, bà Nguyễn Thị Thêm đi ra đi vào, trước nhớ sau quên. Bà ngồi phịch xuống ghế, ủ rũ rồi lại khóc. Đoàn 9 người leo Fansipan từ Lào Cai trở về Hà Nội thì 4 người thiệt mạng khi xe khách lao xuống vực, trong đó có anh Thắng. Cả đoàn chủ yếu là họ hàng với nhau, cô gái trẻ nhất tên Phương (21 tuổi) đang là sinh viên đại học.

Chị Nguyễn Thị Minh Thu, chị gái anh Thắng nhớ lại vẻ háo hức của người em trai trước khi lên đường. Thuở đôi mươi, anh Thắng thích được đi đây đó nhưng bận kiếm tiền lo cho cả nhà nên không thỏa ước nguyện. Chuyến leo Fansipan này anh ấp ủ đã lâu, đánh dấu mở đầu cho những hành trình sau này. Anh mua sắm quần áo mới, giày mới, còn nói có gì hay về sẽ kể cho chị gái nghe.

Ông Nguyễn Văn Gồ, bố nạn nhân Nguyễn Văn Thắng đau đớn khi người con trai duy nhất ra đi. 

"Khi xe vừa gặp nạn, Thắng còn gọi điện về báo cho tôi biết. Giọng em bình tĩnh, bảo em không sao nhưng chảy rất nhiều máu và bị hất tung xuống gần một con suối, nhờ chị gọi cứu hộ và thông báo cho người nhà ở thành phố Lào Cai lên giúp", giọng chị Thu run run, chẳng ngờ đó là lần cuối cùng chị được nghe em trai nói.

Trong số người bị nạn chuyển vào viện, anh Thắng là người tỉnh táo nhất, còn đọc tên tuổi, địa chỉ cho bác sĩ ghi lại. Chẳng ngờ sự tỉnh táo đó là dấu hiệu của ngọn đèn sắp cạn trước gió. Khi người nhà lên tới nơi, anh rơi vào trạng thái hôn mê sâu do chấn thương quá nặng rồi ra đi.

Trong lễ tang anh, cô con gái 4 tuổi chưa hiểu được nỗi đau mất cha vẫn cười rạng rỡ rồi mệt quá thiếp đi trong lòng mẹ. Vợ chồng anh Thắng không còn sống chung đã lâu, nhưng trong ngày tang lễ, người vợ cũ vẫn đội khăn xô và xin bà Thêm cho chị được để tang chồng.

Bà Thêm gục mặt xuống bàn nức nở: "Người ta bảo mất đứa con là mất đi một cánh tay, nhưng tôi mất con trai duy nhất là mất hết. Tôi biết lấy đâu ra một đứa con như thế nữa. Chẳng biết quãng đời còn lại phải vượt qua nỗi đau ra sao, bằng cách nào". Nhìn thấy cảnh đó, những người xung quanh cũng len lén lau nước mắt. Người mẹ mất con bật khóc tức tưởi: "Tôi nghe nói chiếc xe khách đó không được chạy lên Sa Pa cơ mà, sao họ vẫn đi? Để bao gia đình đau thương thế này, ai gánh chịu cho đây?".

Trước đó tối 1/9, chiếc xe khách giường nằm từ Sa Pa đang đổ dốc xuống thành phố Lào Cai thì lao xuống vực, 12 người đã chết, số còn lại bị thương.