3 'đột phá' của ngành giáo dục trong năm qua

Đây là những cải cách mang tính chiến lược nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mà Bộ GD&ĐT đã làm được trong năm qua.

Đổi mới kỳ thi chung quốc gia

Để nâng cao chất lượng học sinh tốt nghiệp THPT và tránh gặp phải tình trạng học sinh tốt nghiệp với con số "ảo" cao ngất ngưởng như mọi năm. Bộ GD&ĐT đã đưa ra phương án gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh vào ĐH - CĐ thành một kỳ thi duy nhất. Quyết định này chính thức có hiệu lực vào năm 2015 và là phương án tuyển sinh cho những năm tiếp theo.

Theo đó, thí sinh sẽ phải thi 4 môn (môn thi tối thiểu) là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Kết quả của 4 môn thi sẽ được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.

Đổi mới kỳ thi chung quốc gia (Ảnh minh họa)

Riêng đối với môn Ngoại ngữ, Bộ GD&ĐT đưa ra những quy chế bổ sung là: học sinh không được học Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng thì không bắt buộc phải thi. Thí sinh được chọn môn thay thế trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Và những học sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD&ĐT sẽ được miễn thi.

Năm nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết vẫn sẽ giữ nguyên thang điểm 10 để tạo điều kiện thuận lợi để đánh giá cho cả giáo viên và học sinh. Và khẳng định sự đổi mới quy chế lần này nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Bỏ chấm điểm ở bậc Tiểu học

Với mục đích giảm bớt áp lực cho các học sinh ở bậc Tiểu học, thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT thực sự là một bước tiến quan trọng của ngành giáo dục. Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2014.

Giáo viên nhận xét học sinh bằng con dấu (Ảnh minh họa)

Các trường tiểu học trên cả nước sẽ bỏ việc đánh giá học sinh theo thang điểm 10 mà thay vào đó căn cứ vào chuẩn kiến thức sẽ nhận xét sự cố gắng của mỗi học sinh bằng những nhận xét nhẹ nhàng như: “Con làm bài tốt”, “Con cần cố gắng”, “Lần sau viết cẩn thận hơn”, “Có tiến bộ”, "Cô khen con"...

Cấm dạy thêm, học thêm

Bộ GD&ĐT còn đưa ra thông tư cấm dạy thêm, học thêm ở các cấp học (trừ trường hợp phụ đạo cho học sinh yếu kém và không được thực hiện quá 3 buổi/tuần). Nhằm hạn chế những mặt trái của việc dạy thêm học thêm trong những năm qua như: Học sinh coi học thêm hơn học chính, giáo viên thiếu nhiệt tình trên bục giảng...

Cấm dạy thêm, học thêm ở các cấp học (Ảnh minh họa)

Đây cũng là một bước đột phá đáng trân trọng của ngành giáo dục đã làm được trong năm vừa qua.