Nhân vật Bao Thanh Thiên trong các phiên bản phim cùng tên nhiều năm qua đã trở thành một biểu tượng cho công lý, lẽ phải.
Nguyên mẫu Bao Thanh Thiên còn gọi là Bao Hắc Tử tên thật là Bao Chửng, ông sinh năm 999 và mất năm 1062, tự Hy Nhân.
Dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông (1022 - 1063), ông nổi tiếng là một vị quan 'thanh liêm, chấp pháp nghiêm chỉnh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình'.
Với khán giả Việt Nam, hình ảnh Bao Thanh Thiên với khuôn mặt đen và vầng trăng trên trán vốn không xa lạ.
Tuy nhiên, thực tế, mặt Bao Công không hề đen và cũng không có vầng trăng trên trán. Tạo hình Bao Công trên phim là do bị ảnh hưởng của Kinh Kịch, hát bội.
Trong nghệ thuật Kinh Kịch, mặt trắng là đại diện cho kẻ tiểu nhân; mặt đỏ là đại diện cho nghĩa khí; mặt đen đại diện cho công chính liêm minh, quân tử.
Do đó, mặt Bao Công được tô đen để khắc họa bản tính liêm chính của ông.
Vì thế, mỗi ngày trước khi quay phim, diễn viên Kim Siêu Quần đã phải mất hơn 3 tiếng hóa trang với 7 lớp kem phấn thoa mặt để có gương mặt 'đen nhất có thể'.
Theo truyền thuyết, Bao Công là Văn Khúc Tinh trên trời giáng trần. Vì vậy, ngoài việc xử án ban ngày ở dương gian, ban đêm, ông còn phải xử án ở âm ty.
Vầng trăng trên trán ông tựa như ánh trăng soi sáng công lý ngay cả ở những nơi tối tăm nhất.
Ngoài ra, nếu trong phim, khán giả thấy Bao Công sống cả đời một mình, hết lòng chăm lo cho dân chúng thì thực tế, ông có một người vợ họ Đổng, một người thiếp họ Tôn cùng 2 người con.