Ý nghĩa của ngày Lễ Phật Đản
Lễ Phật Đản là một trong những ngày lễ lớn của đạo Phật, bên cạnh Lễ Thành Đạo (ngày Đức Phật giác ngộ, nhập niết bàn) và Lễ Vu Lan (ngày báo hiếu cha mẹ). Ngày lễ lớn này còn được gọi là Vesak. Vào ngày kỷ niệm ra đời của Đức Phật, các chùa và đền thờ trên cả nước sẽ tổ chức nhiều hoạt động khác nhau.
Nhiều hoạt động được đông đảo Phật tử và người dân đón nhận như cúng dường, thắp hương, dâng nến, tắm Phật, ăn chay, làm từ thiện,... Không chỉ những hoạt động trong khuôn khổ của người theo đạo Phật, các hoạt động đa dạng khác được thực hiện ở các đền chùa Việt Nam thu hút người dân như diễu hành, thả hoa đăng trên sông, hội đèn lồng,... Ngoài Việt Nam, nhiều đất nước khác cũng đón ngày Lễ Phật Đản, chẳng hạn như Nepal, Hàn Quốc, Thái Lan,...
Lễ Phật Đản thường được tổ chức vào Rằm tháng 4 âm lịch hằng năm. Đại Lễ Phật Đản năm 2023 diễn ra vào thứ Sáu, ngày 2/6/2023. Một trong những hoạt động tiêu biểu của Lễ Phật Đản là các hoạt động từ thiện, cứu giúp người nghèo khó. Điều này không chỉ là cách thể hiện đạo lý nhà Phật mà còn giúp Phật tử thấm nhuần tư tưởng lương thiện và tu dưỡng tâm hồn.
Mỗi một ngày lễ đều mang trong mình ý nghĩa hướng thiện nhất định. Lễ Phật Đản là sự kiện lớn nhằm tôn vinh ngày ra đời của Đức Phật, không chỉ vậy, đây còn là dịp để mỗi người chiêm nghiệm lại cuộc đời mình, nhìn lại chặng đường đã qua. Với ý niệm về lòng từ bi và nhân ái, ngày Lễ Phật Đản cũng là cơ hội để chúng ta soi rọi lại những điều thiếu sót của bản thân, thay đổi trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, mang đến những điều tích cực cho xã hội.
Nhân Đại Lễ Phật Đản, các chùa lớn nhỏ trên khắp cả nước đều tổ chức các hoạt động, sự kiện chào đón ngày lễ quan trọng này.
Chùa Bái Đính là một trong những chùa được ca ngợi là quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á. Nằm trong quần thể danh thắng Bái Đính - Tràng An, chùa Bái Đính là khu du lịch tâm linh nổi tiếng khắp cả trong lẫn ngoài nước.
Theo thông tin từ Fanpage Chùa Bái Đính, Lễ Phật Đản tại chùa được truyền hình trực tiếp vào lúc 20h ngày 27/5/2023 nhằm mùng 9 tháng 4 âm lịch năm Quý Mão tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Vesak chùa Bái Đính.
Ảnh: Fanpage Chùa Bái Đính
Một trong những nghi thức quan trọng của Đại lễ là tắm Phật. Đây không chỉ là nghi thức thể hiện sự niệm ân, cũng là hướng tới sự an lành và buông bỏ được đố kỵ, hận thù.
Chương trình đón mừng sự kiện ngày Thế Tôn đản sinh của chùa Tam Chúc, Hà Nam sẽ diễn ra vào hồi 19h ngày 2/6/2023, tức ngày 15/4 âm lịch năm Quý Mão tại Trung tâm hội nghị Quốc tế chùa Tam Chúc.
Ảnh: Fanpage Chùa Tam Chúc
Tại chùa Tam Chúc, tổ chức hoạt động xe hoa rước Phật trong Đại Lễ Phật Đản hàng năm để tưởng niệm Đức Bổn Sư, duy trì nét đẹp văn hóa tâm linh Phật giáo.
Tại chùa Diệu Pháp - Bình Thạnh, TP. HCM, trong chuỗi chương trình chào đón Lễ Phật Đản có hoạt động thả hoa đăng "Quay về nương tựa Phật" diễn ra từ 18h-20h30 phút ngày 31/5/2023 (tức ngày 13/4 âm lịch). Chương trình có sự thay đổi tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, du khách có thể theo dõi thông tin trực tiếp tại Fanpage của chùa. Trong dịp lễ này, chùa cũng có nhận quyên góp giúp đỡ phần quà cho những người khiếm thị và khuyết tật, những người thực sự bất hạnh và yếu thế nhân mùa Phật Đản. Ngoài ra, chùa còn kêu gọi hỗ trợ xây nhà tình thương tại Trà Vinh.
Trên đây chỉ là một vài hoạt động tiêu biểu trong chào mừng ngày Lễ Phật Đản tại chùa. Vậy vào ngày lễ này, cá nhân nên thực hiện những hoạt động gì?
Những việc nên làm trong ngày Lễ Phật Đản 2023
Nhiều Phật tử và người dân cũng thực hiện các hoạt động cá nhân khác góp phần hòa chung chào đón ngày lễ. Mặc dù không phải bắt buộc, nhưng các hoạt động này nhằm hướng đến một cuộc sống an lành, giúp mỗi người tự sắp xếp, dọn dẹp những bộn bề cuộc sống, trả lại cho tâm hồn phút thư giãn, bình yên.
Ăn chay
Trước kia, việc ăn chay chủ yếu được thực hành trong các tín ngưỡng tôn giáo. Tuy nhiên, ăn chay ngày nay đã trở nên phổ biến, thậm chí được biết đến như một phương pháp dinh dưỡng. Vào mùng 1, ngày Rằm hàng tháng, nhiều người thực hiện ăn chay, đặc biệt trong ngày Lễ Phật Đản.
Ăn chay không chỉ giúp đơn giản hóa cách chế biến, chỉ cần sử dụng các loại rau củ, quả tươi ngon. Chúng vừa có lợi cho sức khoẻ, phần nào cũng giúp tránh ý niệm sát sinh. Đây là một hoạt động mang ý nghĩa tâm linh giúp tinh thần trở nên nhẹ nhõm của đạo Phật.
Lau dọn bàn thờ, vệ sinh nhà cửa gọn gàng
Trong dịp lễ quan trọng như Lễ Phật Đản, dọn dẹp, lau chùi bàn thờ, nhà cửa là một cách thể hiện lòng thành kính của người hướn về đại lễ. Việc vệ sinh nhà cửa sạch sẽ không chỉ là đón khí lành mới vào nhà. Dâng lên ban thờ những đĩa hoa quả tươi ngon, thơm ngát cũng là cách tri ân tốt đẹp đối với Thần Phật.
Đi lễ đền chùa
Vào ngày Phật Đản, nhiều đền chùa có thực hiện dâng hương, lễ hoa, thả hoa đăng hoặc các buổi giảng đạo. Nếu điều kiện cho phép, bạn có thể dành thời gian thực hiện hoạt động này. Đây cũng là khoảng thời gian giúp bản thân tìm lại phút thư thái, suy ngẫm về cuộc đời của chính mình. Loại bỏ phiền muộn trong cuộc sống, hướng về sự an lành là điều cần thiết giúp chúng ta sống tích cực hơn mỗi ngày.
Tham gia thiện nguyện
Lễ Phật Đản là dịp tri ân tôn kính sự ra đời của Đức Phật từ bi và bác ái. Vào ngày này các hoạt động thiện nguyện ở chùa khá nhiều. Bạn có thể tham gia ủng hộ, hỗ trợ các hoạt động như phát gạo, phát quà, giúp đỡ trẻ em khuyết tật, phóng sinh,...