Du xuân phố biển Nha Trang ngắm pháo hoa
Tết đến xuân sang, không điều gì tuyệt vời và hạnh phúc bằng việc được quây quần bên những người thân yêu. Cả nhà cùng nhau gói bánh, dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị cho năm mới. Rồi tất cả ông bà, cha mẹ, con cháu sum vầy đón giao thừa chúc nhau năm mới an khang, mạnh khỏe... trong căn nhà thân yêu. Tuy nhiên, những ngày Tết cũng chính là kỳ nghỉ dài nhất trong năm và bạn có thể tận hưởng kỳ nghỉ này bên gia đình bằng cách cùng người thân đi đến một điểm du lịch yêu thích của cả nhà. Du xuân, đón giao thừa và xem bắn pháo hoa trong Tết Ất Mùi ở một vùng đất mới sẽ là một trải nghiệm mới, cực kỳ thú vị và để lại ấn tượng khó quên cho gia đình bạn.
Nha Trang những ngày xuân thời tiết vô cùng dễ chịu. Lúc này trời không quá nắng, trời se lạnh vào lúc sáng sớm và khi đêm về. Nha Trang những ngày xuân cũng là những ngày tấp nập du khách và người dân địa phương đi chơi Tết Ất Mùi. Nếu đến thăm các làng chài, bạn cũng sẽ thấy vẻ đông vui hơn ngày thường, vì ngày xuân ngư dân hầu như không ra khơi mà ở nhà sum họp gia đình, gặp gỡ bạn bè. Trên biển, những chiếc ghe thuyền cũng đậu bến nghỉ ngơi sau cả năm làm bạn với sóng gió khơi xa.
Đến Nha Trang vào dịp Tết Ất Mùi năm nay, sau khi nhận phòng và nghỉ ngơi, cả nhà sẽ chuẩn bị cho hoạt động đầu tiên của mình ở phố biển. Đó chính là hòa vào không khí đông đúc chuẩn bị đón giao thừa và xem bắn pháo hoa. Quảng trường 2 Tháng 4 ngay trung tâm thành phố và sát bờ biển sẽ là nơi có bắn pháo hoa tầm thấp vào đêm trừ tịch xuân này. Hòa vào dòng người đông vui, tưng bừng trong tiếng nhạc lời ca trước không gian mênh mông của biển khơi và trong làn gió mát rượi chờ đón khoảnh khắc thiêng liêng chuyển giao sang năm mới ai ai cũng vui vẻ như đã thân quen từ bao giờ.
Du xuân phố biển, tất nhiên là cả gia đình sẽ có những hoạt động gắn liền với biển rồi. Tắm biển, dạo chơi trên bờ cát, thưởng thức hải sản, tham quan bãi Dài, bãi Sỏi, đảo hòn Tre, lặn ngắm san hô ở hòn Mun... Sau khi đã thỏa thuê với biển xanh, cả nhà có thể đổi “món” đi thăm tháp bà hoặc lên rừng ngắm cảnh. Khám phá thác Yang Bay, phượt Ba Hồ để hòa vào không khí rừng xanh, nghe tiếng chim ca, nghe suối róc rách thì còn gì tuyệt vời bằng. Ở Nha Trang trong dịp Tết Ất Mùi, gia đình bạn còn có thể xem triển lãm ảnh nghệ thuật Nét đẹp xứ Trầm Hương, xem hội bài chòi xuân Ất Mùi, biểu diễn Lân - Sư – Rồng, thi đấu cờ người, xem biểu diễn thả diều nghệ thuật tại quảng trường 2 Tháng 4...
Khui champagne đón giao thừa ở vịnh Vĩnh Hy
Là một trong bốn vịnh biển đẹp nhất Việt Nam, đến với vịnh Vĩnh Hy, du khách sẽ được thưởng thức nét đẹp diệu kỳ của một vịnh biển còn khá hoang sơ, biển thì trong xanh lồng lộng gió, bao bọc chung quanh là những dãy núi đá hùng vĩ. Nhưng tuyệt nhất là khoảnh khắc dong thuyền ngắm hoàng hôn trên vịnh. Ngày cuối cùng của năm cũ dần trôi qua giữa mênh mông biển trời. Đêm giao thừa, bạn sẽ có những giây phút vui vẻ khi cùng khui champagne và đón mừng năm mới ngay trên bãi biển Bình Sơn.
Tận hưởng cảm giác là những người đầu tiên dang tay đón những ánh dương của năm mới dội về từ phía biển, chắc chắn đó sẽ là kỉ niệm khó quên cho cả gia đình.
Đêm giao thừa ở phố biển Phan Thiết
Đến Phan Thiết dịp Tết Dương lịch bạn sẽ bất ngờ khi khám phá một Phan Thiết mới đầy vẻ hoài cổ của một phố thị miền biển. Đến đây vào những ngày cuối năm, bạn sẽ phấn khích khi cùng với dân địa phương chờ đón giây phút giao thừa. Ngày cuối năm thật ý nghĩa khi đến thắp hương cầu năm mới tốt lành tại chùa Phật Quang - một ngôi chùa cổ có lịch sử trên 300 năm ở Phan Thiết, nơi trưng bày bộ kinh Pháp Hoa chữ Hán được khắc trên gỗ thị, được xem là cổ nhất Việt Nam. Chùa cũng còn lưu giữ những hiện vật cổ như tượng Phật Quan Âm bằng đồng; trống cổ, chuông, mỏ được chạm khắc tinh xảo và được ghi nhận là bộ chuông, mỏ lớn nhất Việt Nam được phát hiện. Đến Phan Thiết, bạn còn được thưởng lãm một kỷ lục khác: tượng Phật nhập Niết Bàn lớn nhất Đông - Nam Á tại chùa Long Sơn Trường Thọ trên đỉnh Tà Cú.
Xuân về trên thành phố ngàn hoa
Với không khí se lạnh những ngày cuối năm, đêm giao thừa ở Đà Lạt mang nét lãng mạn đặc trưng của phố núi. Đến Đà Lạt cũng là đến với thác Prenn, nhà thờ Domain De Marie, Thiền viện Trúc Lâm, hồ Tuyền Lâm, thác Pongua - được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất thác”, dinh Bảo Đại, XQ sử quán… Ngày cuối cùng của năm cũ sẽ trôi qua thật ý nghĩa với cuộc đua chinh phục đỉnh Lang Biang huyền thoại có độ cao trên 2.000 m..
Điểm hẹn Sài Gòn và bữa tiệc ánh sáng
Vào những ngày gần Tết, người dân Sài thành lại háo hức chuẩn bị những kế hoạch đón giao thừa đầy ý nghĩa. Hàng năm, thành phố hoa lệ đều có những sự kiện đặc sắc đón chào năm mới như đường hoa, hệ thống ánh sáng trang trí và màn pháo hoa đầy ấn tượng.
Pháo hoa đêm giao thừa tại Sài Gòn được xem như bữa tiệc ánh sáng đáng chờ đợi của đêm giao thừa đón năm mới. Vì vậy, nếu có ý định du lịch cùng gia đình vào dịp giao thừa, bạn có thể cân nhắc để lưah chọn một chỗ đứng tại Sài Gòn với tầm nhìn lý tưởng để mã nhãn trước màn biểu diễn sắc màu này. Ví dụ tò nhà Bitexco, hầm Thủ Thiêm, công viên Đầm Sen...
Bên cạnh việc bắn pháo hoa, hệ thống trang trí ánh sáng nghệ thuật cũng phủ kín các con đường trung tâm thành phố. Khi kết thúc pháo hoa, chúng ta có thể lượn lờ vài vòng những con đường như Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hàm Nghi,... để cảm nhận không khí tưng bừng, nhộn nhịp của xuân Ất Mùi 2015 lan tỏa khắp nơi.
Khoảng khắc giao nhau giữa năm cũ và năm mới có ý nghĩa nhất nằm ở việc khi bạn được bên cạnh những người thân yêu của mình. Vì thế, dù xum vầy giữa quê nhà hay cùng nhau du lịch xa đều là những phút giây ý nghĩa tuyệt vời hơn cả. Lựa chọn một điiểm đến dể cả gia đình thư giã và "thay đổi hương vị" không phải là một ý tưởng tồi, thậm chí ngược lại.